Chế độ ăn uống có giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung không?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư cổ tử cung.
1. Chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi và phát triển bất thường một cách không kiểm soát.
Có nhiều yếu tố gây ung thư cổ tử cung, trong đó nhiễm virus HPV là yếu tố phổ biến quan trọng nhất.
Các yếu tố khác như: tuổi cao, tiền sử gia đình (có mẹ hoặc chị gái bị ung thư cổ tử cung), hút thuốc, nhiễm vi khuẩn Chlamydia qua quan hệ tình dục, hệ miễn dịch suy yếu… có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn.
Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung.
Thực tế cho thấy, chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ sẽ tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại bệnh tật, trong đó có ung thư.
Các nghiên cứu về vai trò của chế độ ăn uống trong việc ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung đã tập trung vào các chất dinh dưỡng chống oxy hóa và chế độ ăn giảm thiểu tác động của virus HPV.
Trong đó hạn chế thực phẩm gây viêm và tăng cường trái cây và rau quả, giàu chất dinh dưỡng chống oxy hóa có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, hai biện pháp quan trọng nhất có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả là tiêm phòng HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư và điều trị kịp thời.
Đồng thời, cần lưu ý thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Nếu có viêm nhiễm phụ khoa cần đi khám và điều trị dứt điểm.
Ngoài ra, chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc… cũng sẽ góp phần phòng tránh ung thư.
Nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ có chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều rau quả giàu chất chống oxy hóa và vitamin có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung hơn những người có chế độ ăn không lành mạnh bao gồm thực phẩm chứa nhiều đường, thịt đã qua chế biến, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa…
Một chế độ ăn uống ưu tiên các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như: rau xanh, trái cây, đậu, ngũ cốc nguyên hạt… Những thực phẩm này chứa nhiều hợp chất hóa học có lợi được cho là có khả năng bảo vệ chống lại ung thư và giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ nhiễm HPV.
2. Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa có vai trò bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Các gốc tự do có thể làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh và được cho là có vai trò gây ra nhiều loại bệnh như: ung thư, đái tháo đường, bệnh Alzheimer, Parkinson và bệnh tim. Một chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể giúp trung hòa các gốc tự do, giúp ngăn ngừa lão hóa và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Có tới hàng nghìn chất hoạt động như chất chống oxy hóa, từ vitamin C đến flavonoid, polyphenol. Nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật cung cấp chất chống oxy hóa như: quả mọng, ca cao, thảo mộc và gia vị, đậu, atisô, táo, các loại hạt, anh đào, rau lá xanh đậm, cà phê và trà, ngũ cốc nguyên hạt, nho, cà chua, khoai tây, khoai lang, bơ, lựu...
Nghiên cứu cho thấy, các chất dinh dưỡng chống oxy hóa như caroten, vitamin A, C, E và folate có thể ngăn ngừa hoặc giảm nhiễm trùng HPV gây ung thư cổ tử cung.
- Flavonoid: Những hợp chất hóa học này được cho là có tác dụng bảo vệ chống ung thư, được tìm thấy trong táo, măng tây, đậu đen, bông cải xanh, cải bắp, việt quất, tỏi, rau diếp, hành tây, đậu nành, rau bina…
- Folate: Nguồn thực phẩm giàu folate bao gồm: bơ, đậu xanh, đậu lăng, nước cam, rau diếp… có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung ở những phụ nữ bị nhiễm HPV.
Carotenoid: Những nguồn vitamin A quý giá này được tìm thấy trong hầu hết các loại trái cây, rau và đậu, đặc biệt là trong các loại thực phẩm có màu cam như cà rốt, khoai lang, bí đỏ...
Cách tốt nhất để tăng lượng chất chống oxy hóa cho cơ thể, đồng thời bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ là hãy sử dụng nhiều nhóm thực phẩm có nguồn gốc thực vật với màu sắc khác nhau.
3. Bổ sung thực phẩm chống viêm
BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội cho biết, nếu để tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, để chủ động ngăn ngừa và giảm viêm trong cơ thể, chúng ta cần thực hiện lối sống lành mạnh và tuân thủ một chế độ dinh dưỡng khoa học.
Chế độ ăn uống giàu thực phẩm chống viêm có thể giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh như: bệnh tim, viêm khớp, COPD và ung thư. Các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm tốt nhất bao gồm: rau và trái cây, các loại quả mọng, ngũ cốc, trà xanh…
- Rau và trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất và có tác dụng chống viêm hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, ăn nhiều rau họ cải như rau bina và cải xoăn, đặc biệt là bông cải xanh có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Điều này có thể liên quan đến tác dụng chống viêm của các chất chống oxy hóa có trong chúng.
- Các loại quả mọng như: dâu tây, dâu đen, quả việt quất, quả mâm xôi… có chứa chất chống oxy hóa gọi là anthocyanins. Các hợp chất này có tác dụng chống viêm, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: chất xơ, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, chất xơ, chất chống oxy hóa và nhiều loại hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm viêm và ngăn ngừa bệnh tật.
- Trà xanh là một trong những thức uống có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Những lợi ích mà trà xanh có được là nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, đặc biệt là một chất gọi là epigallocatechin-3-gallate (EGCG). Hàm lượng EGCG cao trong trà xanh làm giảm viêm nhiễm và bảo vệ các tế bào của bạn khỏi bị hư hại có thể dẫn đến bệnh tật.
Thanh Hà