• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dồn tổng lực thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, nghĩa là để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng…

Sáng 26/11/2022, tại Bắc Ninh, Bộ Y tế phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh đã tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 (1/12).

Phấn đấu đạt 3 mục tiêu 95-95-95 hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 03 mục tiêu 95-95-95 là:

  1.  95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình;
  2.  95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV;
  3. 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Đến nay mục tiêu 95 thứ 3 đã đạt được là 96%. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỷ lệ này. Hai mục tiêu đầu lần lượt là 86% và 80%. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Tình hình dịch HIV từ năm 2020 đến nay đang có xu hướng gia tăng. Nếu trước đây giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mỗi năm thì trong 02 năm qua, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV, nhưng mỗi năm vẫn có hơn 13.000 trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo.

Dồn tổng lực thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Lễ mít tinh

Đáng lưu ý là xu hướng dịch HIV đang thay đổi: Từ lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu chuyển sang lây truyền HIV qua đường tình dục. Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới và gần 50% trong độ tuổi trẻ (16-29 tuổi). Nam quan hệ tình dục đồng giới là nhóm nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay. Tại một số địa phương, có 60% đến 80% số người nhiễm HIV mới được phát hiện là nam quan hệ tình dục đồng giới.

Áp dụng nhiều mô hình sáng kiến trong phòng chống HIV

Thời gian qua, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; thực hiện mở rộng độ bao phủ và cung cấp các dịch vụ HIV có chất lượng; thực hiện các giải pháp đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS như huy động nguồn tài chính từ Quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách địa phương thông qua Đề án bảo đảm tài chính về phòng, chống HIV/AIDS tại từng tỉnh, thành phố.

Nhiều mô hình, sáng kiến về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng triển khai để phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Những thành công, kinh nghiệm, thực hành tốt của Việt Nam đã được lựa chọn để báo cáo, chia sẻ với các quốc gia khác trên các diễn đàn Quốc tế. Ước tính từ năm 2001 đến nay, việc triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS đã cứu được hơn 960.000 người không bị nhiễm HIV tại Việt Nam.

Dồn tổng lực thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 - Ảnh 2.

Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, nhờ duy trì liên tục vai trò lãnh đạo, cam kết và các hành động mạnh mẽ, quyết liệt trong phòng, chống HIV/AIDS – bao gồm trong hai năm vất vả phòng, chống COVID-19 vừa qua – Việt Nam đã thành công trong việc đẩy mạnh hơn nữa việc đưa vào thí điểm và triển khai mở rộng các sáng kiến mới, lấy con người làm trọng tâm trong phòng, chống HIV/AIDS, trở thành điểm sáng trong áp dụng các sáng kiến mới.

Có thể kể đến đề án cấp phát thuốc methadone nhiều ngày, sáng kiến phân phát test để tự xét nghiệm HIV qua mạng internet, cấp phát thuốc ARV nhiều ngày và tốc độ mở rộng rất ấn tượng độ bao phủ dịch vụ dự phòng HIV trước phơi nhiễm HIV (PrEP) mà gần đây nhất là phát động chương trình cung cấp PrEP từ xa… Những bước tiến này sẽ không thể đạt được nếu thiếu cam kết chính trị và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ trong phòng chống HIV của Việt Nam.

Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng

Đó là chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay. Chủ đề này phù hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam khi mà các bạn trẻ là lực lượng cần quan tâm trong thời gian tới để đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Điều này có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Dồn tổng lực thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 - Ảnh 3.

Văn nghệ chào mừng tại Lễ mít tinh.

Dồn tổng lực thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 - Ảnh 3.

Đoàn viên thanh niên nhảy flashmob hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị:

- Lãnh đạo các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đầu tư, phân bổ ngân sách bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

- Đoàn thanh niên các cấp cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống HIV/AIDS. Mỗi tổ chức đoàn phải có các sáng kiến, các mô hình phòng, chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả, thân thiện với thanh niên. Trong đó chú ý nhóm thanh niên trẻ tuổi trong khu vực trường học, khu công nghiệp.

-Ngành y tế tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS: Người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận sớm với xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc kháng virus và điều trị các bệnh đồng nhiễm HIV/Lao, HIV/Viêm gan C.

-Đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV; tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày; mở rộng cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày sau thí điểm...

Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã tặng quà cho trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Dồn tổng lực thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 - Ảnh 5.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 (1/12).

Lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 nhằm:

-Huy động sự quan tâm, tham gia cuả lãnh đạo các cấp, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

-Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS.

- Tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Mặc dù 02 năm qua, cả nước phải đối phó với đại dịch COVID-19 nhưng chúng ta đã nỗ lực không ngừng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể:

- Ngày 06/7/2021, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người đã được Quốc hội thông qua.

- Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống ma túy cũng được Quốc hội ban hành đã tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh trong hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy.

- Về phía Chính phủ, ngay từ năm 2020 đã ban hành Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

Hà Phương


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?