Bệnh phong và những điều cần biết
Bệnh phong, xưa kia người miền Nam hay gọi là Bệnh Cùi, miền Bắc gọi là Bệnh Hủi, là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính gây bệnh ở da và thần kinh ngoại biên, tuy không nguy hiểm chết người nhưng lại có thể để lại di chứng tàn tật nặng nề cho người mắc bệnh phong. Do có nguyên nhân là vi khuẩn, nên Bệnh phong là bệnh lây truyền, chứ không di truyền từ đời này sang đời khác như nhiều người lầm tưởng.
Ngày nay, bệnh phong không còn là một trong “tứ chứng nan y” như ngày xưa mà đã có thuốc điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh phong: Bệnh Phong là một bệnh nhiễm khuẩn mạn tính do một vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Trực khuẩn này do một nhà bác học Na Uy tên là Hansen tìm ra năm 1873, nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen, và bệnh phong được gọi là bệnh Hansen. Bệnh chủ yếu gây thương tổn ở da, các dây thần kinh ngoại biên và có thể để lại những tàn tật vĩnh viễn ở cơ thể. Bệnh Phong lây nhiễm không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc.
Bệnh Phong lây lan như thế nào? Bệnh có dễ lây không?
Có 3 yếu tố tham gia vào quá trình lây lan bệnh phong: là vi khuẩn Hansen gây bệnh, đường lây, và cơ thể cảm nhiễm:
Vi khuẩn Hansen: có tên khoa học là Mycobacterium leprae, là một loại trực khuẩn giống như trực khuẩn gây ra Bệnh Lao nhưng yếu ớt hơn. Vi khuẩn Hansen là vi khuẩn ký sinh nội bào bắt buột, chỉ sống được trong tế bào da và thần kinh ở người, nó chỉ sống được không quá 48 giờ ra ngoài cơ thể. Chỉ có người mắc bệnh phong nặng, thể nhiều khuẩn mà chưa được điều trị, vi khuẩn còn sống mới có thể lây bệnh sang cho người lành. Khi người bệnh Phong đã được uống thuốc điều trị thì sau 5 ngày vi khuẩn sẽ yếu đi và không còn khả năng lây lan cho cộng đồng xã hội; đó là lý do thứ nhất giải thích tại sao bệnh phong rất khó lây;
Đường lây: Bệnh phong chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, và qua các vết thương trầy sướt ở da. Người bệnh phong nặng, khi chưa uống thuốc điều trị, lúc hít thở, sẽ phóng xuất ra bầu không khí những hạt sương nước mũi li ti, chứa nhiều vi khuẩn bệnh phong, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ (khoảng ít hơn 30%) còn khỏe mạnh và có khả năng gây bệnh cho người bị nhiễm mới. Nếu đã uống thuốc, những hạt sương nước mũi đó càng chứa ít vi khuẩn còn sống (dưới 5%) và bị yếu đi nhiều nên khả năng gây bệnh càng khó khăn.
Cơ thể cảm nhiễm: Bệnh phong khó lây vì còn tùy thuộc vào sức đề kháng tự nhiên của mỗi người khác nhau. Khoảng 90% dân số trên thế giới có sức đề kháng tự nhiên chống lại bệnh phong: những người này không bao giờ mắc bệnh phong, cho dù có tự tiêm truyền vi khuẩn còn sống vào cơ thể của họ. Đã có ít nhất 20 người trên thế giới tự nguyện tiêm vi khuẩn vào cơ thể mình để gây bệnh thực nghiệm, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được báo cáo thành công…
Theo một số tài liệu nghiên cứu khoa học khác, tỷ lệ lây lan giữa những cặp vợ chồng với nhau chỉ từ 3 đến 6%, hay nói khác đi, phải tiếp xúc mật thiết và lâu dài với người bệnh chưa điều trị, mới có nguy cơ mắc bệnh, và nguy cơ đó không lớn hơn 6%, ít lây hơn nhiều so với các bệnh khác như bệnh lao, bệnh cúm…
Bệnh Phong là bệnh truyền nhiễm, lây lan từ người bệnh chưa điều trị sang người lành, nhưng lây ít và rất khó lây, bởi những lý do sau:
Nguồn phát sinh vi khuẩn gây ra bệnh phong là rất thấp; Điều kiện sống của vi khuẩn phong rất khó khăn khi ra khỏi cơ thể con người; Việc mắc bệnh phong hay không còn tùy thuộc vào sức đề kháng tự nhiên của từng người.
Dấu hiệu nhận biết bệnh phong: Trừ những trường hợp không điển hình rất khó nhận dạng, bệnh phong có thể được nhận biết và chẩn đoán một cách dễ dàng dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng đó thường là sự xuất hiện của một hoặc nhiều dát có màu đỏ hoặc nhạt màu hơn vùng da xung quanh kèm theo sự mất cảm giác hoặc mất tiết mồ hôi ở vùng dát da đó (đỏ/bạc màu – không cảm giác – khô).
Bệnh Phong thường bắt đầu với những dát da nhưng nó cũng có thể tấn công và làm tổn hại các dây thần kinh ngoại biên. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì những tổn hại thần kinh này sẽ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn ở mắt, bàn tay và bàn chân của bệnh nhân cho dù họ có được điều trị khỏi bệnh. Hiện nay bệnh phong được điều trị như thế nào? Nếu đã điều trị thì liệu có để lại di chứng gì không?
Thời gian điều trị là 6 tháng cho thể nhẹ và 12 tháng cho thể nặng. Thuốc được cấp phát miễn phí, được theo dõi uống thuốc đều tại nhà cho đến khi hoàn thành thời gian điều trị và khỏi bệnh.
Nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng thì sẽ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng; nếu phát hiện bệnh và điều trị muộn thì bệnh vẫn được chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể để lại di chứng, tàn tật ở mặt, tay, chân, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Các di chứng tàn tật này, tùy theo mức độ, có thể được ngành y tế tiếp tục chăm sóc, phẫu thuật tái tạo, phục hồi chức năng, phần nào giúp người tàn tật do bệnh phong có thể trở lại cuộc sống gần bình thường.
Cách phòng ngừa bệnh phong: Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh phong nên chúng ta cần: Phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn cho những người mắc bệnh phong để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng; đồng thời cũng làm giảm số lượng người bệnh phát hiện muộn, để làm giảm tỷ lệ tàn tật cho người mắc bệnh phong, từ đó người dân sẽ bớt dần những định kiến sai lầm về bệnh phong, đây từng là một nguyên nhân làm bệnh nhân ngại đến khám và điều trị.
Để phòng ngừa bệnh phong chúng ta cần thực hiện các nội dung sau đây:
Tăng cường giáo dục sức khỏe trong nhân dân về “Những điều cần biết về bệnh phong” dưới nhiều hình thức thích hợp để người bệnh có thể được phát hiện sớm, điều trị đúng bệnh, người dân có hiểu biết đúng về bệnh phong; Phát hiện sớm và điều trị kịp thời những người mắc bệnh phong để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng;… Cần tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng của bệnh nhân mắc bệnh phong; Phải rửa tay bằng xà phòng thật sạch sẽ sau khi chăm sóc và tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh…
Hồng Thắm TH