Sưởi ấm bằng thiết bị nào là an toàn nhất?
Quạt sưởi, đèn hồng ngoại, đèn halogen, chăn điện, đệm điện hay túi sưởi... đều tiềm ẩn nguy cơ có thể gây điện giật, cháy. Tiêu chí đầu tiên khi sử dụng thiết bị sưởi ấm là đảm bảo an toàn.
Nên chọn loại có chỉ số an toàn cao
Hiện nay có rất nhiều loại thiết bị sưởi ấm cho gia đình. Phần lớn hoạt động theo nguyên lý chuyển từ điện thành nhiệt, bằng cách đốt nóng dây điện trở (quạt sưởi). Các thiết bị sưởi phổ biến là sưởi bằng hồng ngoại (bóng hồng ngoại), thiết bị sưởi bằng cách đun nóng chất lỏng rồi dùng sưởi như máy sưởi dầu, đệm sưởi, túi sưởi... Thiết bị dùng điện để đốt nóng như sưởi đèn Halogen hay điều hòa hai chiều.
Theo TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn thiết bị điện, ĐH Bách Khoa Hà Nội, sử dụng thiết bị nào thì tiêu chí đầu tiên là an toàn, tức không chạm trực tiếp vào điện, không gây cháy... Sau đó mới tới tiêu chí tiết kiệm điện hay tính thẩm mỹ, phù hợp diện tích gia đình...
So sánh tính an toàn của các thiết bị sưởi thì sưởi bằng quạt sưởi (đốt nóng bằng dây điện trở) là kém an toàn nhất. Nhiều loại quạt sưởi không được che kín thanh mayso, khiến người dùng dễ chạm tay hay vướng tóc vào, khi đó nguy cơ điện giật rất cao.
Các thiết bị đốt bằng hồng ngoại (đèn hồng ngoại) có hình giống như một cái phễu, có tráng lớp kim loại để phản chiếu và phía trước đèn thủy tinh có màu đỏ. Thiết bị này an toàn hơn so với quạt sưởi. Đèn sưởi đèn halogen cơ bản là an toàn, sinh nhiệt bằng cách đốt cháy ion, phát nóng giống nguyên lý đèn nê-ông. Tuy nhiên, vùng đèn sưởi Halogen khá nóng và sáng khi hoạt động, có thể gây bỏng nhẹ nếu chạm trực tiếp và làm không khí khô.
Điều hòa nhiệt độ 2 chiều là thiết bị sưởi ấm an toàn nhất, có thể điều chỉnh nhiệt vừa phải, nhiệt độ thanh dẫn, sợi đốt không cao bằng các loại thiết bị sưởi khác.
Loại chăn, đệm điện tốn ít điện và làm ấm trực tiếp. Chăn điện (đệm điện, đệm sưởi) tương đối an toàn, nhưng cũng là loại thiết bị điện, do đó có thể đứt dây dẫn nhiệt bên trong hoặc hở điện ra bên ngoài trong một số trường hợp. Khi sử dụng phải lưu ý không để bị hở, chạm vào cơ thể. Đôi khi có thể do mèo, chuột cắn nên bị hở, và có thể gây giật khi chạm vào. Trước khi dùng phải kiểm tra kỹ, không nên ngâm nước, giữ khô ổ cắm và bộ điều khiển, tránh ẩm.
Thiết bị sưởi bằng dầu hoạt động dựa vào các tấm sưởi chạy ống dẫn dầu, chuyển hóa năng lượng điện thành hơi nước để làm ấm không khí. Thiết bị sưởi bằng điện đốt cháy oxy với nguồn nhiệt cao, khiến không khí khô hơn và diện tích làm nóng nhỏ, đối lưu không khí dễ mang bụi vào, nguy cơ cháy cao hơn.
Phòng nguy cơ cháy nổ từ thiết bị sưởi
Theo TS Trần Văn Thịnh, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm cần lưu ý lớn nhất là khả năng gây cháy. Mùa hành khô, thiết bị điện dễ gây cháy, các nguy cơ đều có thể xảy ra, nhất là vào ban đêm khi mọi người ngủ say. Chẳng hạn, đặt quạt sưởi ở cuối giường, đêm ngủ trẻ đạp chăn, dính vào lò có thể gây cháy. Thực tế hầu như năm nào cũng ghi nhận những tai nạn cháy, bỏng do sưởi ấm. Các loại thiết bị sưởi ấm đều tốn điện, vì phải biến đổi từ điện thành nhiệt.
Để tiết kiệm điện, cần cố gắng không để thoát nhiệt ra ngoài khi sử dụng thiết bị. Sử dụng loại phù hợp diện tích và mục đích. Chẳng hạn, nếu chỉ cần sưởi cho một người, sưởi khi tắm có thể dùng đèn hồng ngoại, nếu cần làm ấm cả diện tích rộng hơn có thể nghĩ đến máy sưởi dầu hay điều hòa nhiệt độ.
TS Trần Văn Thịnh lưu ý khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm trong phòng như quạt sưởi, máy sưởi thanh, đèn sưởi thường sinh ra một lượng nhiệt lớn đủ để sưởi ấm phòng, làm tăng nhiệt độ. Người dùng luôn cảm giác bí, khó thở, khi sinh ra lượng nhiệt sẽ đốt cháy oxy trong phòng, dẫn tới tình trạng thiếu oxy. Khi sử dụng các thiết bị sưởi trong phòng ngủ cần thỉnh thoảng mở cửa sổ để không khi lưu thông, điều hòa lượng oxy cân đối. Đối với phòng tắm sử dụng đèn sưởi cũng hạn chế bật quá lâu.
Các thiết bị sưởi ấm đặc biệt rất dễ bám bụi bẩn. Trước khi sử dụng, phải vệ sinh sạch sẽ bởi nếu không, bụi bẩn này sẽ làm các chi tiết bên trong quạt dễ bị chập. Cộng với không khí ẩm thấp của mùa đông lại càng dễ gây chập cháy. Rất nhiều người có thói quen không vệ sinh máy sưởi.
Do được đặt trong các phòng kín nên nhiều khi, máy sưởi chính là nơi trú ngụ tích tụ của vi trùng, vi khuẩn rồi sau đó phát tán vào không khí. Vào đầu mùa, khi lấy máy sưởi ra sử dụng, cần phải kiểm tra các chi tiết an toàn, xem có bị gỉ sét, dây mai so đốt nóng có vấn đề gì không, lau chùi sạch sẽ rồi mới dùng.
Các chuyên gia cho biết, thiết bị sưởi đốt oxy, khi đốt cháy sinh nhiệt nó làm cho không khí trong phòng trở nên khô, việc thường xuyên hít không khí khô sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hệ hô hấp, khô mũi, đau mũi, đau họng, viêm xoang. Đối với trẻ em, hệ hô hấp còn non rất dễ bị tác động của không khí quá khô. Ngoài ra, độ ẩm giảm thấp luôn làm da nứt nẻ, thô ráp.
Trong phòng có sử dụng máy sưởi cũng vậy, nó đốt cháy sinh nhiệt sẽ làm hơi ẩm trong phòng bị triệt tiêu bởi sức nhiệt tỏa ra sẽ làm cho da người sử dụng bị thô ráp, nứt nẻ nếu ở trong phòng sưởi lâu. Để tránh trường hợp này nên chọn những loại quạt sưởi có chế độ phun sương, và mở cửa sổ để lưu thông độ ẩm. Sử dụng kem dưỡng da, tạo độ ẩm thường xuyên cho da, bổ sung lượng nước thường xuyên đối với các dạng máy có tích hợp phun sương.
Những thiết bị sưởi từ đời cũ, không có cảm biến nhiệt, tự ngắt khi nhiệt độ đủ vừa nhu cầu thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao. Vì vậy cần mua những sản phẩm công nghệ mới, hiện đại, có các công nghệ cảm biến nhiệt, và điều khiển từ xa để tránh lại gần các thiết bị sưởi.
Tô Hội