Ăn gì để mau lành vết thương?
Nhiều người khi bị các vết thương do ngã, bị phỏng, hay vết thương do phẫu thuật... thường đặt câu hỏi nên ăn gì, ăn như thế nào, thức ăn nào cần tránh để vết thương mau lành. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu quá trình lành vết thương, các chế độ dinh dưỡng và những luu ý cần có.
Cơ chế phục hồi của vết thương
Phục hồi vết thương là quá trình sinh học bình thường của cơ thể. Quá trình này nhìn có vẻ đơn giản nhưng cực kỳ chính xác và phức tạp vì nó diễn ra ở mức độ tế bào và các mô liên quan. Có 4 giai đoạn trong quá trình phục hồi vết thương xảy ra chính xác, có phần đan xen với nhau nhưng liền mạch. Bất kỳ rối loạn nào trong 4 bước này sẽ dẫn đến chậm phục hồi vết thương.
- Giai đoạn ngưng chảy máu: Hay còn gọi là cầm máu, là quá trình biến đổi từ máu chảy thành ngưng tụ lại dưới dạng cục máu đông để ngăn ngừa mất máu và tạo ra rào chắn bảo vệ mô trước sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài. Giai đoạn này xảy ra vài giờ cho đến vài ngày sau khi da hay cơ quan nội tạng bị thương. Các tế bào tham gia vào quá trình này là tiểu cầu, hồng cầu bạch cầu trung tính. Nếu máu không cầm được thì vết thương sẽ không lành. Có một số bệnh liên quan đến mạch máu hay dây thần kinh như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến giai đoạn này.
- Giai đoạn viêm: Là giai đoạn tiếp theo sau khi máu được đông lại. Viêm là phản ứng tự vệ của hệ miễn dịch cơ thể, thường xảy ra khi vùng mô hay tế bào bị tổn thương. Đây là giai đoạn "dọn dẹp" khi các tế bào tiến hành diệt các vi khuẩn và vật lạ nhằm làm sạch vết thương. Giai đoạn này kéo dài từ 3- 5 ngày hoặc lâu hơn nếu vùng mô bị tái nhiễm trùng hay hệ miễn dịch yếu không đủ sức diệt vi khuẩn. Đây cũng là lý do người lớn tuổi có hệ miễn dịch kém thường mất nhiều thời gian để phục hồi vết thương so với người trẻ do không "dọn dẹp" vết thương nhanh. Người có các bệnh mãn tính hay thuốc ức chế hệ miễn dịch cũng ảnh hưởng đến quá trình này. Giai đoạn viêm là giai đoạn không nên kéo dài quá lâu vì nếu càng để càng để lâu thì chính các tế bào miễn dịch tấn công các mô lành và tế bào khác.
- Giai đoạn tăng sinh: là giai đoạn chuyển tiếp từ viêm sưng nhằm tái cấu trúc và phục hồi các tổn thương. Giai đoạn này kéo dài từ một đến vài tuần, có thể lâu hơn tùy vào tình trạng cơ thể. Các tế bào nguyên bào sợi sẽ hình thành mô liên kết mới nhằm tạo ra các sợi collagen và các chất mô liên kết để làm đầy vết thương, các mạch máu mới cũng sẽ được tái tạo., và da non sẽ được sản sinh. Đây là giai đoạn cơ thể cần dinh dưỡng để bắt đầu tạo mô mới. Thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng sẽ làm chậm, thậm chí làm hư các mô mới.
- Giai đoạn tái tạo liên tục: Sau khi giai đoạn tăng sinh dần dần chậm lại. Ở giai đoạn này, vùng da và mô tổn thương tiếp tục được hoàn thiện thêm, các mạch máu được phục hồi, và lớp biểu mô mới trên da sẽ hình thành. Quy trình này thường kéo dài từ vài tháng đến 1 năm sau khi có vết thương. Ở giai đoạn này, chăm sóc da bên ngoài và giữ ẩm làn da giúp vết thương tiếp tục mau lành. Lưu ý là da không bao giờ đạt được độ chắc như trước khi tổn thương.
Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vết thương
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vết thương. Tuy nhiên, tùy tình trạng của cơ thể mà các yếu tố này ảnh hưởng nhiều hay ít. Kiểm soát và hạn chế các yếu tố này sẽ giúp vết thương mau lành. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vết thương.
+ Bệnh mạch máu (tăng huyết áp hay xơ hóa tĩnh mạch) khiến máu thiếu oxygen dẫn đến quá trình hồi phục chậm hơn. Vì thế người ta hay dùng oxygen liều cao (hyperbaric oxygen) là cách để chữa các vết thương mạn tính.
+ Nhiễm trùng làm chậm quá trình lành vết thương. Vì vậy bệnh nhân cần phải biết chắc vết thương đã hoàn toàn vô trùng thì quá trình phục hồi mới bắt đầu.
+ Stress
+ Đái tháo đường làm tổn thương mạch máu, làm chậm phục hồi vết thương
+ Béo phì, uống rượu, hút thuốc cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình phục hồi vết thương
+ Suy dinh dưỡng làm chậm phục hồi vết thương
Ăn gì để vết thương mau hồi phục?
Nhìn chung, chế độ ăn uống cân bằng có nhiều protein, xơ, và rau củ quả, trái cây, có vừa phải chất béo và tinh bột vừa phải sẽ giúp vết thương phục hồi nhanh chóng.
+ Carbohydrate (tinh bột ), Protein, và Amino Acid là những thành phần quan trọng để giúp vết thương mau phục hồi. Vết thương cần năng lượng để cung cấp cho quá trình tạo mạch máu mới, tạo ra các tế bào mới, và tổng hợp ra protein.
Protein là thành phần quan trọng nhất trong quá trình hồi phục vết thương. Thiếu protein có thể làm giảm quá trình tạo mạch, giảm quá trình tạo mô và kết nối tế bào nguyên sợi tạo ra collagen, và tăng sinh phục hồi biểu mô. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu ăn quá nhiều tinh bột lại có thể làm tổn thương quá trình phục hồi vết thương.
+ Vitamin A, E, C là các chất kháng viêm và kháng oxy hóa, giúp vết thương mau lành. Thiếu các vitamin này có thể làm chậm quá trình hồi phục vết thương. Vitamin C làm tăng quá trình tạo Collagen và tăng sinh tế bào nguyên sợi, giúp mạch máu tăng độ co giãn.
Vitamin E làm cân bằng ổn định màng tế bào, giúp quá trình phục hồi vết thương nhanh chóng. Cách tốt nhất để lấy các vitamin này là từ thiên nhiên trái cây nhiều màu sắc có như vitamin A, C có trong Ổi, Sori, cam, bưởi...) hay vitamin E có trong quả Bơ.
+ Uống đầy đủ nước để giữ ẩm cho cơ thể và giúp vết thương hồi phục nhanh hơn.
Các thức ăn cần tránh
Các thức ăn nhiều mỡ, nhiều đường, nhiều muối, các đồ chiên xào, thực phẩm chế biến, và thực phẩm kích thích viêm sưng (inflammatory food) có thể làm chậm lại quá trình phục hồi vết thương. Ngoài ra một số thức ăn khác cần ăn hạn chế là thịt đỏ.
Bệnh nhân sau phẫu thuật cần có chế độ ăn uống cần bằng. Bệnh nhân có thể ăn mỗi thứ một ít, ăn chậm nhai kỹ. Không nên quá chú trọng vào một loại thức ăn.
Nhiều người truyền tai nhau cho rằng nếu bị các vết thương thì nên kiêng đồ biển vì ăn vào sẽ làm vết thương lâu lành, thậm chí kiêng thịt gà vì có thể làm cho vết thương lên sẹo lồi. Tuy nhiên, đây là tin đồn không có bằng chứng khoa học.
Tóm lại: Phục hồi vết thương có 4 giai đoạn và có nhiều yếu tố như bệnh lý, tình trạng cơ thể, có thể làm gián đoạn quá trình này khiến vết thương chậm phục hồi. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng gồm thức ăn có nhiều protein, vitamin, rau củ quả, và các chất béo, tinh bột vừa phải. Hạn chế hút thuốc, uống rượu, hạn chế đồ ngọt, không ăn mặn sẽ giúp vết thương phục hồi nhanh.
PGS.TS.BS Wynn Huỳnh Trần