Thời tiết giao mùa, gia tăng bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Thời điểm giao mùa là một trong những nỗi lo lớn nhất của người bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
Theo khoa Nội tổng hợp, bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, thời gian gần đây, bệnh nhân viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện điều trị gia tăng, các bệnh nhân nhập viện đa phần trong tình trạng nặng và phải thở bằng máy. Ở thời điểm hiện nay nếu không được dự phòng cẩn thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tái phát và và tiến triển rất nhanh, thậm trí là có thể gây tử vong.
Bệnh nhân Trần Văn Hiệu 68 tuổi ở xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi đã được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm nay, vẫn thường xuyên hút thuốc lá, vài ngày trước đã phải vào bệnh viện đa khoa cấp cứu. Ông cho biết, bản thân bị bệnh từ năm 2016, hàng năm cứ mỗi đợt cấp là phải vào viện rất vất vả và tốn kém trong khi bệnh tình tiến triển rất chậm. Cứ mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc là khí hậu giao mùa là bệnh này lại đột cấp làm con người rất khó thở là phải đi cấp cứu. Vợ ông Hiệu cho biết, ông nhà tôi bị bệnh này là do hút thuốc lá, ông ấy đã hút thuốc là hơn 40 năm nay rồi, cứ mỗi lần ông ấy phát bệnh là tôi lại rất vât vả, bận bịu nhất là không đi đâu được, lúc nào cũng phải kè kè túc trực phục vụ ông ấy…
Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính xuất hiện khi có sự tiếp súc đáng kể với các hạt hoặc khí độc hại ngoài môi trường như khói bụi, môi trường ô nhiễm, trong đó khói thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những tác nhân này sẽ làm hẹp cấu trúc các đường thở nhỏ và phá hủy nhu mô phổi, từ đó làm rối loạn luồng không khí ra vào phổi, một đặc trưng của bệnh
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc ngược lại, người bệnh rất dễ bị nhiễm vu rút hoặc vi khuẩn gây lên tình trạng viêm phổi hoặc viêm long đường hô hấp trên và là yếu tố làm khởi phát một đợt cấp của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Với các tổn thương vốn có khi xuất hiện thêm tình trạng nhiễm khuẩn làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh nền. Đợt cấp COPD đặc trưng bởi tình trạng tăng tiết đờm kèm theo các cơn khó thở, đôi khi nghiêm trọng có thể dẫn đến suy hô hấp trên bệnh nhân. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng một khi đợt cấp xảy ra.
Bác sĩ CKI. Lê Mạnh Tâm, Khoa Nội tổng hợp, bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian này, nhiệt độ ngày và đêm có sự chênh lệch lớn, số lượng bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện điều trị tại khoa tăng đột biến, so với hồi hè gấp 2 đến 3 lần, số lượng bệnh nhân mới nhập viện khoảng 5-7 người/ ngày, cao điểm có thể lên đến 10 bệnh nhân mới. Với những người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính ta phải lưu ý, cứ mỗi khi thời tiết thay đổi ta phải giữ ấm vào buổi tối và đêm, ban ngày thì mặc thoáng vừa phải, tránh khói bụi, bỏ hẳn thuốc lá thuốc lào, tránh nơi tập trung đông người khi bắt buộc phải tham gia thì nên đeo khẩu trang, khi có các dấu hiệu hoặc thay đổi màu sắc đờm thì phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải thận trọng hơn trong các bước dự phòng, tuân thủ điều trị, bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói bụi độc hại, tránh bị cảm lạnh, tập thể dục tăng sức đề kháng cơ thể, đặc biệt không nên xem nhẹ những biểu hiện ho, khạc đờm vào buổi sáng ở những người đang hút thuốc. Không nên nghĩ rằng ho là biểu hiện thông thường ở người hút thuốc, vì như vậy rất dễ bỏ sót dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đến khi xuất hiện khó thở gắng sức, khó thở thường xuyên hoặc khi thay đổi thời tiết mới đi khám bệnh thì bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, chức năng phổi đã suy giảm nhiều, do vậy việc điều trị thường ít mang lại hiệu quả thậm trí gây tử vong.