Bệnh mũi họng thường gặp ở trẻ trong mùa lạnh và cách phòng tránh
Khi thời tiết lạnh sẽ khiến nhiều trẻ mắc bệnh về tai mũi họng, trong đó phổ biến là viêm họng, viêm mũi… Điều này làm các bậc cha mẹ lo lắng, bởi bệnh thường tái đi tái lại nhiều lần. Vì vậy, việc phát hiện sớm cũng như cách chăm sóc đúng sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.
1. Nghẹt tắc mũi ở trẻ
Nghẹt mũi là một biểu hiện thường gặp ở những bệnh nhân đến khám tai mũi họng. Bệnh hay gặp khi thời tiết chuyển mùa, nhất là về mùa lạnh, khi nhiệt độ xuống thấp. Khi bị nghẹt tắc mũi trẻ thường hay quấy khóc, trẻ bị nghẹt 1 bên mũi sẽ rất khó chịu, nếu nghẹt cả 2 bên, trẻ sẽ phải thở bằng miệng, nên họng thường khô, rát.
Cách phát hiện khi trẻ bị tắc mũi là cha mẹ có thể bịt một bên mũi và đặt bàn tay vào sát lỗ mũi bên kia, để xem có luồng gió đi qua hay không. Kiểm tra như vậy với từng lỗ mũi một.
Ngoài ra, do trẻ phải thở bằng miệng nên sẽ bị họng khô rát. Chất nhầy của mũi chảy xuống họng, làm cho trẻ vướng họng, nên hay bị ho và nôn trớ.
Ở trẻ sơ sinh khi bị nghẹt tắc mũi sẽ khiến trẻ bú khó khăn hơn, bú không được dài hơi như trước, vì khi bú trẻ không thở được bằng miệng, cứ một lúc lại phải dừng, há mồm thở để lấy thêm oxy rồi bú tiếp, chính điều này làm cho trẻ dễ bị sặc.
Ở trẻ lớn hơn cha mẹ có thể hỏi hoặc trẻ sẽ nói không rõ các phụ âm M, N, trẻ nói giọng, gọi là giọng mũi tắc.
Nghẹt tắc mũi cũng hay gây tắc vòi tai, nên trẻ có thể bị nghễng ngãng và ù tai, gọi trẻ lúc nghe được lúc không, học tập sẽ sút kém.
Khi trẻ bị nghẹt tắc mũi, tiếng thở của trẻ trở nên nặng hơn, ban đêm ngáy to, thỉnh thoảng có những cơn ngạt thở và ho rũ do co thắt thanh quản. Nguyên nhân của sự co thắt này là phản xạ bị kích thích bởi nước bọt tràn vào thanh quản. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ bị viêm V.A và viêm thanh quản.
Tùy từng nguyên nhân gây bệnh sẽ có phương pháp giải quyết khác nhau. Vì thế, khi bị nghẹt mũi, cần xác định rõ nguyên nhân, nên đến bác sĩ tai mũi họng để được khám và xác định bệnh, tránh để bệnh kéo dài. Điều trị ngạt tắc mũi bằng các thuốc nhỏ mũi nhóm co mạch như: Naphtazoline, Xylometazoline… Tuy nhiên, các thuốc này chỉ nên sử dụng trong thời gian dưới 7 ngày, có sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa.
Các bước nên làm là làm ấm vùng mũi bằng đèn sưởi mũi hoặc bằng khăn ấm, nhưng thận trọng kẻo gây bỏng cho trẻ nhỏ. Sau 1 ngày nếu biểu hiện nghẹt mũi vẫn còn, nên cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, để có được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh… Từ đó, mới có được hướng xử trí đúng.
2. Viêm họng cấp ở trẻ
Viêm họng cấp ở trẻ xảy ra do thời tiết thay đổi hoặc cũng có thể do yếu tố bên ngoài nào đó. Các triệu chứng của bệnh thường khiến trẻ khó chịu. Do đó, cha mẹ cần tiến hành chữa trị sớm cho con, để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với sức khỏe của trẻ.
Viêm họng cấp ở trẻ chủ yếu là do vi khuẩn, virus và nấm đường hô hấp gây ra. Các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể của trẻ thông qua các yếu tố thời tiết thay đổi đột ngột, mưa ẩm ướt khiến cơ thể của trẻ không kịp thích nghi, hệ miễn dịch bị suy giảm, khiến cho vi khuẩn và virus dễ tấn công vào cơ thể trẻ gây bệnh.
Mũi và họng của trẻ là hai điểm rất dễ lây bệnh cho nhau, nên khi một trong hai cơ quan này bị nhiễm bệnh sẽ lây cho cơ quan kia. Do đó, khi bị viêm mũi họng cấp, trẻ thường có các dấu hiệu chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho do tiết dịch xung huyết phù nề, gây ra tình trạng ho khan, ho có đờm. Trẻ thở bằng miệng, thở khò khè, thường phải há miệng để thở, do đường mũi bị bí tắc do các tiết dịch bên trong mũi.
Sốt là triệu chứng dễ phát hiện nhất khi trẻ bị viêm mũi họng cấp, có thể sốt lên đến 39 - 40 độ C. Cha mẹ nên lưu ý, khi trẻ bị sốt cao kéo dài có thể sẽ dẫn đến co giật. Trẻ thường quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ hay bỏ ăn, bỏ bú và khóc về đêm.
Nếu viêm họng cấp nhẹ, cha mẹ cần cho trẻ bú nhiều, có thể dùng quất hấp mật ong hoặc lá hẹ hấp đường phèn nếu trẻ uống được.
Ngoài ra, cha mẹ cần vệ sinh răng miệng hằng ngày cho trẻ như đánh răng, súc họng bằng nước muối loãng, ở trẻ nhỏ hơn cha mẹ vệ sinh bằng băng gạc nhúng nước muối ấm.
Đối với trường hợp trẻ viêm họng sốt cao trên 39 độ, uống thuốc nhưng không hạ sốt, người mệt mỏi, li bì… hoặc sốt trên 2 ngày, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
3. Cách phòng tránh các bệnh tai mũi họng và biến chứng của bệnh
Viêm mũi họng có thể phòng ngừa được bằng cách:
- Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường, vì môi trường Việt Nam hiện tại bị ô nhiễm nặng nề từ bụi xây dựng, xăng, hóa chất...
- Hạn chế đưa trẻ đến những chỗ đông người, vì dễ làm cho trẻ bị lây nhiễm khi cơ thể chưa đủ sức đề kháng.
- Giữ ấm vùng cổ, ngực và bụng cho trẻ khi trời lạnh.
- Tránh để trẻ ở những nơi có gió lùa, hạn chế biến chứng của viêm mũi họng
- Điều trị sớm mỗi khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của mũi họng.
- Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.
- Điều trị đúng và triệt để các bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi họng.
- Biết cách nhỏ mũi cho trẻ, hướng dẫn đúng cho trẻ cách xì mũi để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa hoặc vào xoang.
Bệnh lý tai mũi họng tưởng như đơn giản nhưng cũng có khả năng gây tử vong, bởi các biến chứng như viêm màng não, áp xe não do tai, viêm phổi nặng, bít lấp đường thở do dị vật, các nhiễm trùng trung thất gây ra bởi dị vật thực quản, biến chứng viêm cầu thận cấp, thấp tim…
PGS. TS Phạm Thị Bích Đào