• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thừa cân, béo phì và những mối nguy hại

Hiện nay, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì đang là vấn đề đáng lo ngại không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều qua các năm thì cho đến nay chưa có quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự gia tăng của tỷ lệ béo phì. Ở Việt Nam, tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua, trở thành thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2016, toàn cầu có khoảng 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5 đến 19 tuổi bị thừa cân, béo phì. Thống kê của Viện dinh dưỡng, năm 1996, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 12%, năm 2009 tỷ lệ này tăng lên 43%, đến năm 2014 – 2015, tỷ lệ béo phì ở Thành phố Hồ Chí Minh trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Cũng theo một nghiên cứu ở 8 tỉnh, thành phố lớn của nước ta trong đó có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng,… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100.000 trẻ nhưng trẻ thừa cân, béo phì cũng tương đương với con số đó. Như vậy, trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.

Hàng năm, Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đều đặt ra mục tiêu là khống chế tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì dưới 5% và không tỉnh nào vượt quá 10%, tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh chưa đạt được kết quả này. Riêng tỉnh Hưng Yên, theo kết quả điều tra về dinh dưỡng năm 2018, tỷ lệ trẻ thừa cân đang chiếm 4,5%.

Bác sĩ Phạm Thị Phương, trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em chỉ yếu là do chế độ ăn không cân đối hợp lý: Ăn thức ăn nhanh, ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể, ăn thực phẩm không lành mạnh, ăn nhiều chất béo, nhiều chất ngọt, ăn ít rau xanh hoa quả, hoạt động thể lực kém, ít vận động và rèn luyện thể dục thể thao ngoài ra còn phải kể đến các yếu tố kinh tế xã hội, yếu tố di truyền, thói quen nuôi dưỡng,…”. Có thể nói rằng, sự tăng nhanh của tình trạng thừa cân, béo phì là hệ quả của một lối sống hiện đại khi mà các bữa cơm gia đình đang dần bị thay thế bởi những món ăn nhanh, tiện lợi, nhiều dầu mỡ, nhiều chất phụ gia tại các quán ăn, cửa hàng, thêm vào đó là trẻ mải mê với các phương tiện hiện đại như tivi, điện thoại, ipad, dẫn đến lười vận động và cả sự thờ ơ, chủ quan, thiếu kiến thức về dinh dưỡng của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị L, Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên có cậu con trai 10 tuổi, nặng hơn 70 kg tâm sự: “Tôi cũng biết con mình thuộc vào tình trạng thừa cân, béo phì, nhưng quả thực là hết cách, nhà bán hàng nên cháu hay lấy đồ ăn vặt, mặc dù gia đình đã hạn chế hết mức, kể cả trong việc kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày của cháu như: hạn chế ăn nhiều tinh bột, đồ có nhiều dầu mỡ, tăng cường ăn rau xanh, bố cháu cũng thường xuyên cùng cháu chạy thể dục nhưng cân nặng của cháu vẫn tăng đều, tôi có bảo đưa cháu đi kiểm tra nhưng mọi người lại bảo béo còn hơn còi”.

Béo phì gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng: Làm cho cơ thể trẻ mất cân đối, nặng nề, chậm chạp, sức khỏe kém, hay mệt mỏi, nhức đầu, hoạt động thể lực và trí lực giảm, học tập không tốt, là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh mạn tính không lây nguy hiểm như: Rối loạn lipits máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, sỏi mật và bệnh lý về hô hấp, bệnh lý tiêu hóa, bệnh cơ xương khớp Chính vì vậy, để can thiệp có hiệu quả vào việc phòng chống thừa cân, béo phì ở trẻ em, BS Phương khuyến cáo: “Tuyệt đối không bắt trẻ giảm cân mà vẫn phải cho trẻ ăn nguồn thực phẩm đa dạng, cân đối hợp lý theo lứa tuổi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng giúp trẻ phát triển tốt, tăng cường ăn cá, hải sản, rau xanh, hoa quả, hạn chế thức ăn giàu năng lượng như xúc xích, đồ chiên rán, phủ tạng động vật,… Các bậc cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như: đi bộ, chạy, nhẩy dây, cầu lông, bóng bàn, bóng đá,… giúp trẻ phát triển chiều cao, duy trì sức khỏe tốt và phải đảm bảo trẻ ngủ trung bình 8-10 giờ mỗi ngày”.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?