• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưng Yên: Bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên, riêng trong tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh có 71 bệnh nhân nhập viện điều trị do sốt xuất huyết (SXH).

So với năm 2018, số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã tăng gấp 3 lần. Thời điểm này, với thời tiết nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển và lây bệnh, vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh SXH cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Điều trị cho bệnh nhân mắc SXH ở Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
Điều trị cho bệnh nhân mắc SXH ở Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)


Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bệnh nhân Nguyễn Thị Lệ ở thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê (Khoái Châu) đang được các bác sĩ theo dõi và điều trị bệnh SXH. Qua một tuần nằm viện, bệnh nhân đã hết sốt, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi sát sao. Chị Lệ cho biết: “Sau khoảng 2 ngày sốt cao, tôi đi khám và xét nghiệm máu, kết quả cho thấy, tôi mắc bệnh SXH và phải nhập viện điều trị. Đến nay, sức khỏe của tôi đã tốt lên nhiều”.


Một trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Thúy ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) nhập viện với các biểu hiện như sốt liên tục kèm đau đầu, đau mắt. Trước đó, cho rằng cảm sốt thông thường, chị Thúy đến hiệu thuốc và được dược sĩ kê đơn thuốc uống trong vài ngày nhưng bệnh không giảm. Chỉ khi đến bệnh viện, chị mới được khám và xác định đúng bệnh, ngay lập tức chị Thúy phải nhập viện để điều trị SXH”.


Bác sĩ Trần Thị Nhiễu, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 120 bệnh nhân mắc SXH, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em. Các địa phương có nhiều bệnh nhân SXH là: Bình Kiều, Tứ Dân (Khoái Châu); Hồng Nam, Liên Phương (thành phố Hưng Yên)... Thông thường, bệnh nhân SXH điều trị khỏi bệnh sau 5 - 7 ngày; một số trường hợp nặng hơn, chảy máu nhiều, tiểu cầu giảm thì điều trị từ 10 - 12 ngày; có một ca SXH nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị tiếp do bệnh nhân cao tuổi và có bệnh nền. Với diễn biến phức tạp của bệnh SXH, chúng tôi khuyến cáo người dân phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong việc phòng, chống, điều trị bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, tự ý dùng thuốc hay truyền dịch tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế tư nhân không bảo đảm.


SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.


Các bác sĩ cho biết, hiện bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên người mắc có thể rơi vào trạng thái nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.


Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh): Cách tốt nhất đề phòng bệnh SXH là thực hiện tốt khẩu hiệu “không có loăng quăng, không có SXH”. Vì thế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố tập trung tuyên truyền cho người dân phòng chống SXH ngay tại hộ gia đình, tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng; hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn; hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình; đồng thời tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời, không được tự ý điều trị tại nhà.


Tác giả: Hương Giang
Nguồn: Báo Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?