• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá: Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, nghiêm cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, tuy nhiên đến nay đã gần 7 năm bộ luật này có hiệu lực nhưng tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Theo điều 22, nghị định 176 NĐ-CP/2013 quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng đối với các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với chủ cơ sở không treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm. Tuy nhiên, thực tế việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng không dễ bởi việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người hút không cố định thời gian, do đó không ít người cố tình phớt lờ, “hồn nhiên” nhả khói thuốc tại nơi công cộng.

Khoa Bệnh phổi của bệnh viện Phổi Hưng Yên hiện tiếp nhận, điều trị cho gần 30 bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi như phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, viêm tắc phổi. Mà một trong những nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh này có liên quan đến thói quen hút thuốc lá. Ông Nguyễn Văn Thành ở xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi, hơn 70 tuổi nhưng đã có gần 60 năm nghiện thuốc lá, thuốc lào. Ông nhập viện điều trị căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gần 20 ngày qua, và là lần thứ hai trong năm ông phải nhập viện. Sau 5 năm điều trị căn bệnh này, ông từ một người có cân nặng hơn 60kg sụt xuống chỉ còn 39kg, sức khỏe suy kiệt. Ông chia sẻ: “Tôi bắt đầu hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, vì nhà có bố tôi cũng nghiện thuốc lá, những lúc ông hút thuốc xong còn mẩu thuốc ông vứt đi, tôi đã mon men nhặt lên hút. Lúc đầu rất thích, sau đó nghiện lúc nào không hay, mỗi ngày phải có từ một bao trở lên, nếu không có thuốc là thì hút thuốc lào liên tục. Vợ con kịch liệt phản đối nhưng do tôi nghiện ngập quá nên cũng phải thông cảm, dần dần thành quen và cả nhà phải sống chung với khói thuốc lá”.

Buồng bệnh số 5 của khoa đang có 5 bệnh nhân điều trị đều mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tất cả đều có tiền sử hút thuốc lá từ khi còn rất trẻ. Gia đình, bạn bè đã rất nhiều lần khuyên bỏ thuốc, bản thân cũng biết tác hại của việc hút thuốc lá nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không thể từ bỏ được thói quen này. Ông Trần Xuân Hòa, xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ cho biết: “Tôi bắt đầu hút thuốc từ khi còn rất nhỏ, học lớp 3 hay lớp 4 gì đó. Đến khi lớn lên, học xong và đi làm thì tôi vẫn hút thuốc đều đặn, đến tận bây giờ sức khỏe quá yếu và tôi mới ngấm tác hại của việc hút thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh”.

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở nước ta, mỗi giờ có 5 ca tử vong và mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến tác hại của thuốc lá. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trong khói thuốc có chứa khoảng 4.000 chất hóa học trong đó có 40 loại được xếp vào chất gây ung thư ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra các bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư: Nicotin, oxide carbon, hắc ín, formaldehyde, ammonia, acetone, arsenic…

Bác sĩ Đào Minh Tiến, Khoa Bệnh Phổi, bệnh viện Phổi Hưng Yên cho biết: “Trên những bệnh nhân hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ tình trạng bệnh nặng hơn, đặc biệt là đối với những bệnh nhân đang điều trị nhóm bệnh mắc bệnh hô hấp mạn tính (COPD, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản…), Những bệnh nhân không cai được thuốc lá thì có nguy cơ nhập viện nhiều hơn trong năm và những lần sau nhập viện điều trị bệnh lý hô hấp thì càng nặng hơn. Hút thuốc lá chủ động và thụ động, về thực chất là không khác nhau về tác hại của nó. Hút thuốc lá thụ động vẫn có thể là nguyên nhân gây ra những bệnh lý như hút thuốc lá chủ động. Chính vì thế nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, thay đổi lối sống, phong cách sống, đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục thể thao”.

Năm 2020, WHO lựa chọn chủ đề trên nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và cả cộng đồng.

Thông qua việc lựa chọn chủ đề trên, WHO kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…

Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm và hơn 1 triệu ca tử vong vì hút thuốc lá thụ động trên toàn thế giới.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện có xu hướng nhằm tới đối tượng là giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách, tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Theo WHO, thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25.

Chỉ riêng nicotine đã gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, thiếu niên, thanh niên, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ mang thai và thai nhi trong thai kỳ, gây ra sinh non và thai lưu. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine và vì thế ảnh hưởng dến sức khroe sớm và trầm trọng hơn trong tương lai

Chúng ta luôn ghi nhớ, khi hút một điếu thuốc lá là chúng ta đã vứt đi 5,5 phút cuộc sống, một điếu thuốc gieo nhiều mầm bệnh và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật, nghèo đói. Trước thực trạng đáng báo động này thì việc từ bỏ thuốc lá không bao giờ là muộn với mỗi chúng ta.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?