• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm lượng muối ăn để bảo vệ sức khỏe

Muối rất cần thiết với cơ thể chúng ta nhưng việc sử dụng quá nhiều muối trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, ung thư dạ dày, loãng xương và một số bệnh khác. Do đó, để đảm bảo sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, mọi người cần giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày theo khuyến cáo của WHO và các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo kết quả điều tra yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm năm 2015 của Bộ Y tế ở đối tượng từ 18 – 69 tuổi trên toàn quốc cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày của người Việt Nam là 9,4 gam (nam là 10,5g và nữ là 8,3g) trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị nên thực hiện giảm tiêu thụ muối xuống dưới 5g/ngày.

Được biết, muối trong khẩu phần ăn hàng ngày của người Việt chủ yếu từ các nguồn như: muối trong bếp ăn, muối trên bàn ăn (trộn hoặc chấm các loại gia vị có muối với thức ăn) và muối chế biến sẵn (như: dưa, cà muối, mì ăn liền, các loại thức ăn khác được chế biến…). Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng về các bệnh tật có liên quan đến việc ăn thừa muối. Việc sử dụng quá nhiều muối trong khẩu phần ăn hàng ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim,… Theo Bộ Y tế, các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch là 172.300 ca, chiếm tỷ lệ cao nhất (31%) vào năm 2016, trên 12 triệu người bị tăng huyết áp và đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim,…

Thông thường cảm giác ăn mặn có tính chất cảm tính và rất khó xác định, vì vậy hầu hết người Việt Nam ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người khi được hỏi cho rằng bản thân có ăn mặn và theo một cuộc điều tra đối với hiểu biết về giảm ăn muối, trên 50% số người dân được hỏi không nhận biết được đầy đủ những thực phẩm thông thường có nhiều muối. Bác sĩ CKI Phạm Hùng Quang – Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên cho biết: “Những biện pháp để giảm một nửa lượng muối hàng ngày là phải tăng cường nhận thức cho người dân, tiếp đến là thói quen sử dụng muối trong các bữa ăn. Trước hết là cho bớt muối, chấm nhẹ tay và giảm ngay đồ ăn mặn. Khi nấu ăn hãy cố gắng giảm dần lượng muối, mắm, gia vị mặn cho đến khi giảm được một nửa; nên tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát được lượng muối; gia vị cho vào thức ăn có thể sử dụng các gia vị khác như chanh, tiêu; giảm lượng muối, gia vị mặn, nước chấm trên bàn ăn; giảm sử dụng thực phẩm và thức ăn có nhiều muối bằng cách đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua; tăng cường ăn các thực phẩm tươi, hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối; thường xuyên ăn các món luộc, hấp thay cho các món kho, rim hay rang;…”

Theo Bộ Y tế, người bình thường giảm ăn muối không làm cơ thể thiếu muối, chỉ cần ăn thực phẩm tự nhiên hàng ngày là cũng đã đủ cung cấp đầy đủ lượng natri cho cơ thể vì thực phẩm tự nhiên có muối. Các nghiên cứu cho thấy, nếu giảm ăn muối xuống còn dưới 5g/ngày vẫn đảm bảo đủ lượng Iốt cần thiết cung cấp cho cơ thể của cả trẻ em và người trưởng thành, thậm chí sẽ cứu sống 2,5 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?