• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên: bước phát triển mới trong kỹ thuật nuôi dưỡng trẻ sinh non

Sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, đủ ngày đủ tháng, phát triển toàn diện luôn là niềm mong mỏi của các bậc cha mẹ, tuy nhiên vì một vài lý do mà có những đứa trẻ ra đời sớm hơn dự kiến với cân nặng thấp, sức khỏe kém, đòi hỏi có chế độ chăm sóc đặc biệt. Trước kia, hầu hết trẻ sinh non đều được chuyển lên tuyến Trung Ương, từ năm 2012, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên chủ trương đào tạo về nhân lực, đầu tư trang thiết bị, khắc phục mọi khó khăn, nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non chỉ từ 26 – 27 tuần tuổi, cân nặng đạt 790gr đến 1,3 kg.

Trẻ sinh non, nhẹ cân là khi trẻ ra đời trước 27 tuần thai và có cân nặng dưới 2,5 kg. Trẻ sinh non có nguy cơ tử vong cao do các cơ quan, bộ phận chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ miễn dịch rất kém. Trẻ càng sinh con hoặc càng nhẹ cân thì nguy cơ bệnh tật và bị biến chứng từ những bệnh tật đó càng cao. Tình trạng sinh non hiện nay khá phổ biến và cao hơn so với trước kia, chiếm khoảng 10% tổng số ca sinh. BS.CKI Hà Thị Phượng – Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cho biết: Trẻ sinh non, nhẹ cân phải đối mặt với nhiều nguy cơ như suy hô hấp, bại não, xuất huyết não, đường huyết không ổn định, hạ thân nhiệt, bệnh tim mạch, viêm ruột,… nên cần có sự chăm sóc và theo dõi sát sao, liên tục.

Với phương châm, mục đích chăm sóc toàn diện cho sức khỏe của các em nhỏ, bệnh viện thường xuên cử cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng đi học tập, cập nhật và chuyển giao kỹ thuật về điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng tại bệnh viện Nhi Trung Ương, khoa sơ sinh – bệnh viện Phụ sản Trung Ương, đồng thời trang bị nhiều máy móc hiện đại như: máy thở xâm nhập và không xâm nhập, lồng ấp, giường sưởi, đèn chiếu vàng da và một số thuốc Surfactant, dịch nuôi dưỡng,… Vì thế, từ chỗ hầu hết trẻ sinh quá non, cân nặng thấp, tình trạng suy hô hấp nặng đều phải chuyển lên tuyến trên thì đến nay bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên đã nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sơ sinh non tháng dưới 30 tuần tuổi với cân nặng hơn 1kg. Đặc biệt, tại khoa sơ sinh, các y, bác sĩ đã nuôi dưỡng thành công bé nhỏ nhất chỉ có 27 tuần thai với cân nặng 790gr.

Với các bác sĩ tại khoa, dấu ấn đầu tiên được ghi nhận là vào năm 2016 đã nuôi sống thành công cháu bé sinh non ở 29 tuần tuổi, chỉ nặng 900gr. Bé T được các bác sĩ tiếp nhận từ phòng đẻ về trong tình trạng toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da, nhịp tim và mạch chỉ 100 lần/phút trong khi trẻ sơ sinh để sống được phải đạt 140 lần/phút, phản xạ hầu như không có, nguy hiểm nhất là cơ quan hô hấp của trẻ hoạt động rất yếu ớt. Lúc đó, các bác sĩ đều tiên lượng thấp và không ít lần gia đình đã sẵn sàng tinh thần đón nhận tin xấu nhất. Hai tháng điều trị trong khoa là hai tháng chiến đấu với tử thần. Với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ điều kỳ diệu đã đến, bé T khỏe mạnh được xuất viện về với gia đình.

Bác sĩ Hà Thị Phượng chia sẻ về những trăn trở trong công việc vốn đòi hỏi sự tận tâm, kỳ công trong từng bước của quy trình cứu sống những trẻ sơ sinh non tháng, thiếu cân: Thông thường, chăm sóc, nuôi trẻ non tháng, nhẹ cân phải đảm bảo phòng chống, điều trị 7 yếu tố cụ thể: Hồi sức cấp cứu, giữ ấm thân nhiệt, hô hấp, hạ đường máu, dinh dưỡng, vàng da và chống nhiễm khuẩn. Nghe thì rất đơn giản nhưng đặc thù của trẻ non tháng, thiếu cân thì quá trình vô cùng gian nan. Vây quanh mỗi lồng ấp của trẻ đi kèm nhiều loại máy hỗ trợ: máy thở, máy điện tim, dây chuyền ăn xông...; chưa kể mỗi trẻ có một diễn tiến bệnh hoàn toàn khác nhau. Đơn cử việc cho trẻ non tháng, nhẹ cân thích nghi phản xạ bú mớm cũng là cả sự kỳ công luyện tập. Để tập cho trẻ ăn bằng miệng, sau khi rút xông, các cô điều dưỡng nhỏ từng giọt sữa hoặc bón thìa cho trẻ với 1ml/bữa, 6 - 10 bữa/ngày. Tuy nhiên, có nhiều trẻ do không tiếp nhận được thức ăn nên trào ngược theo đờm dãi hoặc bụng trướng to, trẻ quay lại chu trình ăn qua xông. Cứ như thế, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi trẻ tiếp nhận được thức ăn. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trẻ có thể sinh tồn.

Để đảm bảo chăm sóc toàn diện nhất cho trẻ sơ sinh non tháng, cực non tháng tại khoa, Khoa hồi sức sơ sinh cũng có sự liên kết chặt chẽ với các khoa khác trong bệnh viện. Những trường hợp sản phụ có tiên lượng xấu trong quá trình sinh, khoa hồi sức sơ sinh sẽ cử cán bộ trực tiếp xuống tại phòng mổ/phòng đẻ để hỗ trợ, triển khai hồi sức sơ sinh ngay khi trẻ vừa ra khỏi bụng mẹ nếu có bất thường và chuyển trẻ lên khoa ngay sau khi ổn định.

Cùng với sự đầu tư nghiêm túc cả về nhân lực, trang thiết bị, chắc chắn trong thời gian tới, khoa sơ sinh nói riêng và bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên nói chung sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đáp ứng phần nào mong mỏi của nhiều cặp vợ chồng, đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?