• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm muối trong khẩu phần ăn để giảm bệnh lý huyết áp, tim mạch

Trên thế giới, đa số những người tử vong do bệnh dịch Covid-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác. Nên giảm muối, kiểm tra huyết áp thường xuyên là nội dung mà Bộ Y tế đang thúc đẩy tăng cường truyền thông cho người dân.

Ngày 19/8/2020, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã chính thức phát 01 Radio và TV Sport ngắn mang thông điệp “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn” trên các kênh truyền hình, truyền thanh trung ương và các đài địa phương cũng như các trang mạng xã hội. Chiến dịch nhằm kêu gọi mọi người giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác. Trước đó, Bộ Y tế vừa có Công văn số 3918/BYT-DP ngày 23/7/2020 về việc tăng cường hoạt động truyền thông giảm muối ăn và đo kiểm tra huyết áp cho người dân.

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch. Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ năm người trưởng thành thì có một người mắc, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. Đây là thời điểm hoàn toàn thích hợp để nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hành giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn hàng ngày, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam liên tiếp ghi nhận các ca tử vong mới do mắc Covid-19 trên nền bệnh lý nặng như tăng huyết áp, suy tim, suy thận, tai biến mạch máu não…

Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận làm cho hàng trăm ngàn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong toàn quốc.

Bộ Y tế cho biết, trong 12 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới gần 60 % chưa được phát hiện và hơn 80% chưa được quản lý điều trị theo đúng quy định. Vì vậy, hằng năm Bộ Y tế đều có hướng dẫn việc hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp 17/5”, tổ chức chương trình toàn dân đo huyết áp và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp và phòng, chống các bệnh tim mạch.

Tại Hưng Yên, để tiếp tục nâng cao nhận thức của động đồng trong dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp và phòng, chống các bệnh tim mạch, Ngành Y tế đã chủ trì phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để dự phòng tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, tập trung vào chủ đề phòng chống tác hại của thuốc lá và rượu bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực…

Các đơn vị y tế đã tổ chức triển khai Chương trình “Truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch và các bệnh tật khác” trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh xã/phường/thị trấn và tại cộng đồng; lồng ghép truyền thông theo chủ đề “giảm muối ăn trong sinh hoạt hàng” ngày vào trong các cuộc họp của cộng đồng và trong trường học; tư vấn các biện pháp giảm muối cho người bệnh đang được quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại các cơ sở y tế.

Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên đo kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt ở người trên 40 tuổi. Bác sĩ Phạm Hùng Quang, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên, khuyến cáo tới mọi người dân: “Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để sớm phát hiện bệnh tăng huyết áp”.

Các cơ sở y tế liên quan, đặc biệt là trạm y tế xã, thực hiện kiểm tra huyết áp cho mọi người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn lồng ghép việc kiểm tra huyết áp trong khám sức khỏe định kỳ và các hoạt động sàng lọc tại cộng đồng; khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia đo huyết áp miến phí cho người dân. Chủ động phát hiện sớm, dự phòng cho người nguy cơ cao và quản lý điều trị cho người mắc tăng huyết áp và bệnh tim mạch, đồng thời tư vấn, hướng dẫn để người bệnh tuân thủ điều trị và chăm sóc tại nhà.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?