• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thời tiết lạnh giá nguy cơ đột quỵ não gia tăng

Những ngày thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại, tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ghi nhận số lượng người nhập viện gia tăng, trong đó có nhiều ca nhập viện do đột quỵ não.

Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, trong tháng 12/2020, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 50 bệnh nhân bị đột quỵ não, tính riêng trong tháng 01/2021, bệnh viện tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân đột quỵ não. 

Trường hợp bà Nguyễn Thị Hoa, 75 tuổi ở huyện Yên Mỹ có tiền sử tăng huyết áp, điều trị thường xuyên theo đơn. Bệnh nhân đang ngồi xem ti vi thì đột ngột xuất hiện tê bì nửa người trái, được gia đình đưa ngay vào bệnh viện. Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định làm các xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính sọ não. Qua đó, xác định bệnh nhân bị tắc mạch máu não. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định điều trị thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sau 15 phút dùng thuốc, bệnh nhân đã cử động chân tay bên liệt như bình thường. Sau 24 giờ điều trị, bệnh nhân đi lại hoàn toàn bình thường. 

Không may mắn được điều trị kịp thời, một bệnh nhân nam 69 tuổi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, ngày 02/01 bệnh nhân có triệu chứng tê bì, yếu nửa người phải. Tuy nhiên, bệnh nhân và gia đình nghĩ là bị cảm nên ở nhà không đến bệnh viện, khi tình trạng của bệnh nặng dần lên: Ý thức chậm dần, liệt hoàn toàn nửa người phải (không cử động được tay chân)…, ngày 03/01, gia đình mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Qua chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy hình ảnh nhồi máu não nhưng bệnh nhân đã qua thời gian “vàng”, không còn chỉ định điều trị thuốc tiêu huyết khối. Do đó, bệnh nhân không còn cơ hội hồi phục.

Tại Khoa Nội thần kinh - Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), số bệnh nhân điều trị do đột quỵ não cũng gia tăng khi thời tiết trở lạnh. Từ tháng 12/2020 đến nay, số bệnh nhân đột quỵ não điều trị tại khoa tăng khoảng hơn 30% so với những tháng trước đó. 

Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Thanh Vân, Trưởng Khoa Nội thần kinh - Nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi một phần não bộ bị tổn thương do tắc nghẽn mạch máu đi nuôi não hoặc vỡ mạch máu não. Trong thời tiết lạnh giá, nguy cơ đột quỵ não gia tăng do mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Lúc này não bộ không được cung cấp đủ ôxy để có thể hoạt động bình thường dẫn đến việc một vùng não nào đó hay nhiều phần não bộ sẽ giảm hay ngừng hoạt động kéo theo việc mất chức năng điều khiển các cơ quan khác hoạt động, tổn thương gây chết các tế bào não”. 

Đột quỵ não có thể gây liệt nửa người, liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, mất ý thức và có thể hôn mê, tử vong. Do vậy, khi người bệnh có một trong các triệu chứng như: Đột ngột méo miệng, mặt lệch, nói không tròn tiếng; đột ngột mất hoặc giảm thị lực; đau đầu dữ dội; tê yếu tay chân hoặc liệt nửa người; mất thăng bằng, điều phối các chi… phải được đưa ngay đến các cơ sở y tế để cấp cứu, không nên chủ quan tự ý điều trị tại nhà. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng chậm thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, các bệnh nhân bị đột quỵ não (thể nhồi máu não) có thể sử dụng thuốc tiêu huyết khối để điều trị thành công nếu được đưa đến các cơ sở y tế đã sử dụng thuốc này chậm nhất là trong vòng 4 giờ 30 phút kể từ khi xuất hiện các triệu chứng kể trên. 

Bác sỹ Vân khuyến cáo: Hiện nay, bệnh nhân bị đột quỵ não có xu hướng trẻ hoá. Để bảo vệ sức khỏe nhất là khi thời tiết trở lạnh đột ngột, mỗi người nên giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể lạnh đột ngột; giữ ấm nhà cửa; không đi tập thể dục quá sớm; ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng; không hút thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Ðối với những người bị tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch… cần có phương án kiểm soát, điều trị hiệu quả bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm tra sức khỏe định kỳ, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và có chế độ tập luyện thể dục hợp lý...


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?