• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm báo ngày 07/2/2020

Việt Nam không chờ Trung Quốc đạt đỉnh dịch; Không để dịch chồng dịch; Sẵn sàng các bệnh viện dã chiến; Cách ly là cách tốt nhất để chặn dịch virus corona lây lan; TPHCM phòng dịch nCoV theo phương châm 5 tại chỗ

 

Việt Nam không chờ Trung Quốc đạt đỉnh dịch

GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay việc đánh giá, nhận định về đỉnh dịch CoV tại TQ do các chuyên gia nước ngoài đánh giá, Việt Nam không đủ dữ liệu. “Chúng ta cũng không chờ Trung Quốc lên đến đỉnh dịch mới ứng phó mà vẫn phải chủ động tối đa với tình huống xấu nhất là dịch lây lan rộng trong cộng đồng”, ông Long phát biểu.

Ông Long cho biết, trước tiên và quan trọng nhất là ngăn nguồn ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài cùng với trong nước thực hiện chặt chẽ việc giám sát phát hiện sớm, cách ly các ca bệnh, cách ly triệt để các trường hợp nguy cơ. “Chúng ta đã thực hiện với việc ngăn toàn bộ những người nhập cảnh từ vùng có dịch, đặc biệt là vùng Vũ Hán. Hiện nay chúng ta đã không tiếp nhận người nhập cảnh đến từ 31 TP của Trung Quốc, đặc biệt từ Vũ Hán. Còn những VN về từ Trung Quốc phải cách ly ngay tại cửa khẩu trong 14 ngày”.

Theo ông Long: “Bên ngoài đã ngăn rồi thì dịch họ có lên hay xuống thì không quan trọng nhiều, mà chúng ta bây giờ tập trung trong nội địa. Trong nước, quyết liệt các biện pháp khoanh vùng cách ly, ngăn triệt để. Như vậy mới hy vọng kiểm soát dịch hiệu quả”.

Ông Long cho hay, Bộ Y tế rất quan tâm tới khu vực có các ca bệnh tại Vĩnh Phúc. Một trường hợp lây từ ca bệnh sau khi đi về từ Vũ Hán cho thấy nguy cơ lây trong cộng đồng, nhưng sự lây lan này vẫn là hạn chế và dịch đang được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi đó, một chuyên gia về y tế công cộng tại Việt Nam nhận định dịch bệnh là “bạo phát và bạo tàn”, như ở Vũ Hán Trung Quốc hiện nay là dịch “bạo phát”, bởi do không có sự can thiệp trước đó. Chuyên gia này dự đoán khoảng 2 tuần nữa số ca mắc bệnh ở Vũ Hán có thể sẽ giảm dần.

“Những nơi có thời gian kiểm soát dịch thì dịch sẽ không “bạo phát” mà dịch sẽ đến từ từ và cũng sẽ lui từ từ, VN cũng vậy”, chuyên gia nói và cho rằng như TP.HCM hiện chỉ mới có 3 ca nhiễm nCoV từ bên ngoài về (F1), đến khi nào có ca bệnh ngoài cộng đồng tại TP bị nhiễm nCoV (F2) thì lúc đó mới gọi là có dịch. Nhưng rồi dịch sẽ tới TP nhưng có lẽ chậm hơn phía bắc, vì hiện phía bắc đã có ca bệnh F2, và sau đó sẽ lây lan rộng ra các ca F3 và lan rộng dần cả nước và rồi từ từ dịch bệnh sẽ lui.

“Đỉnh dịch tại Việt Nam thì còn lâu lắm mới tới, có thể là vài tháng nữa”, chuyên gia nhận định và cho rằng điều quan trọng là làm sao bình ổn xã hội đừng để tổn thất quá lớn (Thanh niên, trang 4).

 

Không để dịch chồng dịch

Thủ tướng vừa có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người. Không để xảy ra dịch chồng dịch. hiện 1 ổ dịch cúm A/H5N1 gia cầm tại tỉnh Hồ Nam. Tại Việt Nam, kết quả giám sát cho thấy vi rút cúm A/H5N1 đang lưu hành trên đàn gia cầm và không có sự biến đổi về độc lực gây bệnh. Tuy nhiên, do các điều kiện như thời tiết biến đổi bất lợi, tổng đàn vật nuôi lớn, việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật và con người gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm A/H5N1 bùng phát trên gia cầm và nguy cơ lây sang người, không để xảy ra hiện tượng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (nCoV) trên người đang xảy ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương, tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch nCoV gây ra; khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, ngăn chặn không cho dịch cúm gia cầm vào Việt Nam (Thanh niên, trang 5).

 

Sẵn sàng các bệnh viện dã chiến

Nhiều địa phương đang xúc tiến xây dựng các bệnh viện dã chiến với tổng quy mô hàng ngàn giường bệnh, sẵn sàng cho phương án xấu nhất nhằm cách ly số lượng lớn người nghi nhiễm hoặc nhiễm vi rút nCoV.

Tại Quảng Ninh, bệnh viện dã chiến (BVDC) đầu tiên được lập tại TP.Móng Cái, trên cơ sở khu nhà khám và điều trị của Trung tâm y tế TP.Móng Cái vừa xây mới với 5 tầng, công suất 500 giường bệnh, tổng diện tích sàn khoảng 10.000 m2. Đây là nơi tiếp nhận cư dân biên giới và toàn bộ người nghi nhiễm bệnh sau khi nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. BVDC thứ hai được trưng dụng từ BV Lao và Phổi Quảng Ninh (P.Hà Khánh, TP.Hạ Long). BV cũng có công suất 500 giường, là nơi thu dung người nghi nhiễm tại TP.Hạ Long. Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết đến ngày 6.2 địa phương này đã chuẩn bị 19 máy đo thân nhiệt, 194 máy thở, 5 máy thở xách tay, 5 máy hệ thống tim phổi nhân tạo, 14 máy siêu lọc máu; một hệ thống máy xét nghiệm PCR tự động; 1,1 triệu khẩu trang y tế, 2.740 khẩu trang N95, 2.548 bộ quần áo chống dịch, 15.500 bánh xà phòng, 5.600 chai dung dịch rửa tay nhanh, 750.000 đôi găng tay y tế; 45 máy phun phòng dịch để phòng chống dịch bệnh. Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã chi 138 tỉ đồng để mua thiết bị mới phòng chống dịch bệnh.

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, địa phương này có gần 500 người nhập cảnh từ các vùng dịch, trong đó có 6 người VN trực tiếp từ Vũ Hán trở về đang được cách ly tại TP.Móng Cái, TP.Hạ Long và các huyện: Hải Hà, Bình Liêu, Vân Đồn. Những người này đã được kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày và chưa phát hiện trường hợp nào mắc nCoV.

Hà Nội chuẩn bị 3 bệnh viện dã chiến

Đến ngày 6.2, Hà Nội vẫn chưa có trường hợp nào dương tính với nCoV, nhưng TP này vẫn sẵn sàng cho phương án xấu nhất. Theo các kịch bản, nếu có trên 1.000 người nhiễm nCoV, các cơ sở y tế quá tải, sẽ phải sử dụng đến BVDC. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Thủ tướng và Hà Nội đều nhất trí giao cho quân đội chủ trì xây dựng BVDC (giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô chịu trách nhiệm). Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, có 3 địa điểm đã được chuẩn bị là: 2 cơ sở của Bộ Tư lệnh Thủ đô ở Sơn Tây, Xuân Mai với sức chứa 950 người; trường hợp cần sẽ trưng dụng thêm cơ sở dân sự là Trường ĐH Thành Đô (H.Hoài Đức). ĐH Thành Đô có tổng diện tích khoảng 10 ha, gồm 4 khu, trong đó có 2 tòa 7 tầng (mỗi tầng 9 phòng), có khu vực nấu ăn cho 400 người/bữa, cơ sở vật chất khang trang, có khu KTX phù hợp để thành lập BVDC.

Theo cập nhật của đại tá Nguyễn Viết Thắng, Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Thủ đô, việc chuẩn bị cơ sở vật chất đã hoàn thiện, sẵn sàng đón người khi Chính phủ có chỉ đạo. Ngoài ra, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Đoàn Ngọc Hùng cũng cho biết Công an TP đã chuẩn bị khu cách ly ở Hà Đông; sẵn sàng khi được TP giao nhiệm vụ. Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã nhất trí sử dụng cơ sở của công an ở Hà Đông để làm nơi cách ly. Cũng theo ông Quý, sáng 5.2, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp và Bí thư Thành ủy cũng đã có ý kiến về xây dựng BVDC; đề nghị Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô lên phương án cụ thể về cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, vật tư trang thiết bị cần cho BVDC. Sở Y tế TP.Hà Nội và Sở Tài chính trước mắt đã đề xuất kinh phí hơn 250 tỉ đồng để mua vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, bảo hộ cá nhân… và sẽ bổ sung khi cần thiết.

255 tỉ đồng cho 2 BVDC ở TP.HCM

Ngày 6.2, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh đã có công văn khẩn về việc tổ chức thực hiện khu cách ly tập trung dịch bệnh (BVDC) do nCoV, gửi UBND TP.HCM. Theo đó, Sở Y tế đề xuất UBND TP tổ chức cách ly phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh vào TP đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, TP của TQ trong vòng 14 ngày qua. Xây dựng BVDC tại ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, H.Củ Chi. Thời gian triển khai dự kiến đến 11.2.

Theo Sở Y tế TP.HCM, các quận huyện cũng sẽ tổ chức các cơ sở lưu trú tập trung tại từng quận huyện. UBND quận, huyện ra quyết định và tổ chức thành lập khu cách ly tập trung tại quận, huyện ngay sau khi có chỉ đạo của UBND TP. Về việc tiếp nhận những trường hợp cách ly tập trung, theo Sở Y tế TP.HCM, đối với những trường hợp nghi nhiễm nCoV lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế; đối với những người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua, quận, huyện nào phát hiện sẽ được đưa về khu cách ly tập trung của quận, huyện và đơn vị y tế địa phương chịu trách nhiệm theo dõi sk cho người được cách ly theo quy định.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP về xây dựng kế hoạch BVDC để đối phó dịch bệnh do nCoV, nhằm tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV và bệnh nhân (BN) nhiễm nCoV khi tình hình dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. BVDC được sử dụng khi số ca mắc bệnh ở cùng một thời điểm trên địa TP lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly của các BV TP, quận huyện (tổng số giường bệnh cách ly hiện tại ở các BV thuộc Sở Y tế là 500 giường). Cũng theo kế hoạch, 2 BVDC có quy mô 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực. Cụ thể, cơ sở 1 có 300 giường tại Trường quân sự TP.HCM (ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, H.Củ Chi), có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Cơ sở 2 có 200 giường (có ít nhất 10 giường hồi sức tích cực) tại số 25 Phạm Thị Quy, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè. Nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức đảm bảo cho hoạt động hồi sức tích cực (BN nặng) của BVDC được điều động từ các BV TP (Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Trưng Vương...). Nhân lực đảm bảo cho công tác khám, chữa bệnh (KCB) của BVDC (sàng lọc, chẩn đoán, điều trị,... BN cách ly không nặng) được điều động từ các BV lân cận, như: Củ Chi, Hóc Môn, Q.12, Gò vấp, Nhà Bè, Q.7, Q.4… Tổng dự trù kinh phí là khoảng 255 tỉ đồng cho 2 BV, với đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc men, xe cấp cứu.

Xây BVDC bằng container

Liền kề TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cũng đã sẵn sàng xây BVDC với 500 giường bằng container. Trao đổi với PV Thanh niên, ngày 6.2, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết dù nCoV chưa bùng phát ở Đồng Nai nhưng ngành y tế đã có sự chuẩn bị trước. Theo đó, Sở Y tế đã chọn khu đất rộng 10.000 m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm y tế H.Vĩnh Cửu cơ sở 2 (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) để làm BVDC. “Ngày 5.2, chúng tôi đã cho xe san phẳng mặt bằng, tiến tới tổ chức xây dựng đường nước xả thải. Nếu dịch bùng phát lớn, người mắc bệnh sẽ được đưa vào điều trị tại các BV lớn của tỉnh; còn những người nghi ngờ được đưa đến cách ly tại đây”, ông Vũ nói và cho biết thêm: “Phương án đưa ra là sử dụng các container để xây dựng BVDC. Một container thì lắp ráp rất nhanh, chỉ vài giờ đồng hồ là xong; bên trong muốn lắp đặt bao nhiêu giường tùy theo nhu cầu, vì sức chứa của khu đất trên lên đến 500 giường”.

Cũng theo ông Vũ, mục đích của kế hoạch xây dựng BVDC ở địa phương là nhằm phòng ngừa cho trường hợp dịch bùng phát lớn; làm nơi tập trung cách ly. Còn dịch chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ thì các BV tuyến tỉnh, BV chuyên khoa và trung tâm y tế tuyến huyện đáp ứng đủ nhu cầu. “Nhưng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra là dịch bùng nổ, lan rộng như Vũ Hán (Trung Quốc) thì chúng tôi còn tính toán trưng dụng các cơ sở công cộng, như: trường học, nhà thi đấu... để sử dụng chống dịch”, ông Vũ nhấn mạnh (Thanh niên, trang 2).

 

Cách ly là cách tốt nhất để chặn dịch virus corona lây lan

Tối 6/2, Bộ Y tế xác nhận Việt Nam có thêm 2 bệnh nhân dương tính với virus corona mới. Như vậy Việt Nam có tổng số 12 ca dương tính, đã có 3 ca khỏi, xuất viện. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới như hiện nay thì cách ly là một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

 “Chúng ta hạn chế và cách ly những người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam, trong vấn đề kiểm soát hiện nay, tất cả những người nước ngoài vào Việt Nam vì công vụ, những người đi từ vùng có dịch là 31 địa phương của Trung Quốc, ngay lập tức sẽ được cách ly tại các cơ sở y tế”, ông Long cho hay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện 900 người đã được cách ly tại các tỉnh biên giới, hầu hết là người Việt Nam. Bắt đầu từ ngày 3/2, tất cả người nhập cảnh từ Trung Quốc về Việt Nam đều phải tuân thủ các bước kiểm tra dịch tễ và cách ly theo dõi sức khỏe 14 ngày nhằm đảm bảo dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới không xâm nhập vào nước ta. 

“Từ khi dự lệnh được ban hành, chưa có người Trung Quốc nào nhập cảnh vào Việt Nam. Số lượng người Trung Quốc về nước thì chúng ta tạo điều kiện cho họ, giống như họ tạo điều kiện cho chúng ta. Tại các biên giới, cửa khẩu, hiện nay lực lượng biên phòng đã tăng lên 1.400 người để đảm bảo, 7 cửa khẩu chính, 6 cửa khẩu phụ đều kiểm soát hết, chúng ta đã đóng hết 44 đường mòn lối mở.

Đối với đường không, hiện nay máy bay chở rất ít khách là người Việt Nam, không có người nước ngoài nhập cảnh, chúng ta kiểm soát kể cả những người đi từ nước thứ 3. Tất cả các cửa khẩu, kể cả các sân bay đều không nhận những người đến từ Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc. Thực hiện nghiêm việc cách ly những người nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua. Đối với các ca nghi nhiễm bệnh, lập tức cách ly tại cơ sở y tế”, ông Long thông tin. 

Cũng theo ông Long, các trường hợp đi từ Vũ Hán về đã bị cách ly. Còn đối với các cá nhân đi từ tỉnh Hồ Bắc về - nơi có 17 điểm có dịch, thì đều được cách ly tập trung. Những người đi từ các vùng khác của Trung Quốc về, được quản lý, có giám sát của cơ quan y tế địa phương. Nếu có lưu trú tại khách sạn, lập tức cách ly tại cơ sở đó.

Về phương án cách ly, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện có 3 vòng. Vòng 1 là với những bệnh nhân, người nghi nhiễm virus corona mới được cách ly ở cơ sở y tế. Vòng 2 là với những công dân Việt Nam hoặc nước ngoài đi từ vùng dịch Hồ Bắc (Trung Quốc) hoặc qua vùng Hồ Bắc về Việt Nam thì được cách ly tại các cơ sở tập trung. Vòng 3 là với những người đi từ 31 tỉnh, thành của Trung Quốc về thì cách ly tại gia đình. Việc cách ly này trực tiếp do người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện, còn ngành y tế hỗ trợ về chuyên môn. “Chưa có lần nào ta làm mạnh như lần này với rất nhiều biện pháp, chỉ đạo từ Ban Bí thư; Thủ tướng, Phó Thủ tướng; Văn phòng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Liên quan phòng chống dịch bệnh do virus corona mới, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu các cơ sở sản xuất thuốc trong nước chủ động lên kế hoạch dự trù, nhập khẩu nguyên liệu, hóa chất và vật tư tiêu hao có liên quan để kịp thời sản xuất các loại thuốc. Trong đó, có dự trù danh mục và cơ số thuốc cho khu vực cách ly điều trị 20 giường bệnh (định mức cho 20 bệnh nhân, tỷ lệ 30% bệnh nhân nặng phải thở máy và điều trị tích cực; thời gian điều trị 3 tuần). Cục Quản lý Dược cho biết, sẽ xem xét áp dụng hình thức cấp Giấy đăng ký lưu hành hoặc Giấy phép nhập khẩu nhanh cho các đơn vị đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo yêu cầu để phục vụ nhu cầu điều trị (Tiền phong, trang 5).

 

TPHCM phòng dịch nCoV theo phương châm 5 tại chỗ

Các cấp ủy phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội TP khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện pháp do Chính phủ, các bộ ngành đề ra và thực tiễn của TPHCM; huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; quyết tâm phòng ngừa kiểm soát, không để hình thành dịch và lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức Đại hội Đảng các cấp thành công.

Người đứng đầu cấp ủy sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về chỉ đạo công tác phòng chống dịch; chỉ đạo các cấp ngành xây dựng kế hoạch và triển khai phòng chống dịch, chữa trị người nhiễm bệnh theo phương châm 5 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ; đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ; đảm bảo nhân lực tại chỗ; kinh phí tại chỗ.

Ngày 6-2, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Sở Y tế TPHCM, đã trang bị thêm 1 máy tầm nhiệt và cử nhân sự trực 24/7; phối hợp với các đơn vị liên ngành triển khai hoạt động giám sát thân nhiệt cho hành khách đến tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất. Tại ga Sài Gòn, trung tâm cũng lập chốt kiểm tra thân nhiệt hành khách đến ga Sài Gòn.

Chiều 6-2, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi UBND TP về việc tổ chức khu cách ly phòng chống dịch nCoV đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh vào TPHCM đến hoặc đi qua 31/31 tỉnh thành của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua tại bệnh viện dã chiến ở ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, ngay sau khi bệnh viện này hoạt động.

Bên cạnh đó, các quận huyện cũng tổ chức khu lưu trú tập trung tại từng địa phương sau khi có chỉ đạo của UBND TP. Đối với những trường hợp nghi nhiễm nCoV, lập tức cách ly tuyệt đối tại các cơ sở y tế.

Đối với những người nhập cảnh đến hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua nếu quận, huyện phát hiện sẽ đưa về khu cách ly tập trung của quận, huyện và đơn vị y tế địa phương chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe cho người được cách ly theo quy định.

Chiều 6-2, Bộ Y tế đã có công điện hỏa tốc gửi UBND TPHCM về cách ly phòng chống nCoV với các trường hợp nhập cảnh trên chuyến bay của hãng Asiana Airlines từ Seoul (Hàn Quốc) về Tân Sơn Nhất có 67 hành khách (quốc tịch Trung Quốc) được công an cửa khẩu cho phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Bộ Y tế đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo rà soát tất cả người nhập cảnh đến từ Trung Quốc hoặc đi qua Trung Quốc trên chuyến bay nói trên để thực hiện các biện pháp cách ly trong vòng 14 ngày; giám sát, huy động nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo phục vụ việc cách ly y tế.

Chỉ đạo các đơn vị công an, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện cách ly phòng, chống dịch. Trong đó bao gồm thực hiện cách ly tại nhà hoặc cơ sở lưu trú đối với các hành khách trên chuyến bay của hãng Asiana Airlines được công an cửa khẩu cho phép nhập cảnh vào Việt Nam dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Kiên quyết không để các trường hợp này ra khỏi nhà hoặc cơ sở lưu trú và tiếp xúc với người xung quanh...

° Cùng ngày, đoàn giám sát do Phó Chủ tịch UBMTTQ Vũ Thanh Lưu làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND phường 5 (quận 3, TPHCM), sau khi phát hiện một Việt kiều trú tại khách sạn trên địa bàn có kết quả dương tính với virus Corona.

Hiện, công tác giám sát 18 trường hợp (gồm 10 du khách và 8 nhân viên khách sạn, trong đó có 1 trường hợp dương tính với virus Corona) được thực hiện chặt chẽ, đúng với quy định của ngành y tế.

Sở Công thương TPHCM vừa có cuộc họp với hơn 200 doanh nghiệp phân phối, sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm thiết yếu về việc chủ động nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong nước.

Các nhà phân phối khẳng định luôn đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong 3 - 4 tháng.

Sau Tết Canh Tý, lượng máu trong ngân hàng máu còn chưa tới 4.000 túi, khả năng chỉ đủ sử dụng trong vòng 1 tuần. Tình hình thiếu máu để cấp cứu, điều trị bệnh đang rất nguy cấp, nhất là trong bối cảnh cả nước đang dồn sức phòng chống dịch nCoV.

Chiều 6-2, bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, cho biết, nhiều người đã đến đăng ký hiến máu, thậm chí đổi máu. Trong ngày 5-2, BV tiếp nhận 300 đơn vị máu, và ngày 6-2 đã nhận được 200 đơn vị (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Dịch Corona: Việt Nam đang đi đúng hướng nhờ kinh nghiệm chống SARS

Tính đến 8h sáng nay, 6-2, trên thế giới đã ghi nhân 28.276 người mắc Corona, 565 người tử vong. Tại Việt Nam, WHO đánh giá, chúng ta đang đi đúng hướng trong phòng chống dịch này. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 8 giờ sáng 6-2, toàn thế giới đã ghi nhận 28.276 trường hợp mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng tại lục địa Trung quốc, số mắc là 28.018 ca. Hiện tại, đã có 565 người tử vong vì dịch bệnh này, trong đó có 2 ca tử vong ngoài lục địa Trung Quốc.

Tại Việt Nam, tính đến sáng 6-2 vẫn chỉ ghi nhận 10 ca bệnh nhiễm Corona. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức đánh giá Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng chống dịch nCoV, với sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị.

Cụ thể, xác định rõ trong bối cảnh dịch hiện nay đang gia tăng nhanh từ Trung Quốc thì biện pháp cách ly là hiệu quả nhất, Việt Nam đã thiết lập hệ thống cách ly 3 vòng: Cách ly tại các cơ sở y tế; cách ly công dân Việt Nam, người nước ngoài đi qua hoặc đi từ vùng Hồ Bắc về Việt Nam tại các cơ sở tập trung do UBND tỉnh, thành phố chỉ định; cách ly những người đi từ các vùng khác ở Trung Quốc về Việt Nam tại gia đình.

“Năm 2003 khi có dịch SARS chúng ta đã thành công trong chống dịch nhờ thực hiện cách ly tương tự. Lần này chúng ta làm sớm hơn 2003, tôi cho rằng, nếu thực hiện cương quyết cách ly sẽ kiểm soát tốt hơn dịch nCoV trong thời gian tới” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói (An ninh thủ đô, trang 7).


Nguồn: t5g.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?