• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm báo ngày 06/2/2020

TPHCM diễn tập 2 tình huống khẩn cấp có bệnh nhân nhiễm nCoV; Căng mình chống dịch, nhưng đừng hoang mang; Bộ Công an: Triệu tập 170 đối tượng tung tin giả, sai sự thật về dịch Corona để xử lý…

 

Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus corona

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để phòng dịch bệnh nCoV, khẩu trang không phải giải pháp duy nhất, quan trọng là khử trùng tiêu độc, không để môi trường cho virus sống và quan trọng là phải nắm rõ địa bàn để vận động phát hiện sớm người nghi nhiễm để cách ly, điều trị kịp thời...

Chiều 5-2, thực hiện chế độ giao ban 2 ngày/lần, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp trực tuyến Ban Chỉ đạo của TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV). Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Công an được đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ

Một trong vấn đề mà hiện nay dư luận đang rất quan tâm là nguồn cung khẩu trang. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Sở đã đến làm việc với 4 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang kháng khuẩn. Các doanh nghiệp này đều bố trí công nhân tăng ca sản xuất đảm bảo công suất 200.000 chiếc một ngày và giá thành là 30.000 đồng/1 hộp 50 chiếc. Các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ không tăng giá bán.

Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng đã gửi công văn đến Sở Công thương các tỉnh thành đề nghị đăng ký mua khẩu trang kháng khuẩn có thể sử dụng 10 lần giá 7.000 đồng/ chiếc.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết, TP hiện đang tiến hành giám sát ngày 2 lần với người đi từ vùng dịch về, nếu không liên lạc được lực lượng cơ sở sẽ kiểm tra trực tiếp, giám sát chặt chẽ.

Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc CATP cho biết, CATP Hà Nội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch đến các quận huyện; chủ động kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch. Báo An ninh Thủ đô, Cổng thông tin CATP cũng phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT thông tin, tuyên truyền kịp thời công tác phòng chống dịch, không để người dân hoang mang.

CATP Hà Nội cũng giám sát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh nhất là người đến từ vùng dịch; hiện các lực lượng đang phối hợp đang theo dõi chặt 7 người Trung Quốc nhập cảnh vào Hà Nội nhưng chưa qua 14 ngày. Hiện những người này đang được cách ly ở nơi ở và nơi làm việc

CATP cũng chỉ đạo các lực lượng chủ động nắm tình hình, phối hợp với các sở ngành. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CATP đã chỉ đạo các lực lượng triển khai để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin đồn, xuyên tạc thông tin về dịch bệnh với mục đích xấu...

Đáng chú ý, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng cho biết, Bộ Công an đã đồng ý để cán bộ chiến sỹ công an làm việc ở các điểm nhạy cảm về dịch bệnh được sử dụng khẩu trang trong lúc làm nhiệm vụ để phòng dịch.

CATP cũng đã cấp 10.000 khẩu trang cho cán bộ chiến sỹ từ nguồn dự trữ; Bệnh viện Công an TP cũng tổ chức đội thường trực phòng chống dịch, có nơi cách ly ở Hà Đông để sẵn sàng khi TP giao nhiệm vụ...

Phải sẵn sàng cơ sở vật chất cho mọi trường hợp

Chỉ đạo tại hội nghị, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, vấn đề quan trọng số 1 là phải đánh giá: đến giờ phút này, ở Hà Nội chưa có trường hợp lây nhiễm nCoV.

Để triển khai các phần việc sắp tới, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm nCov ở Hà Nội là ở mức cao bởi các nguyên nhân: người Trung Quốc lưu trú trên địa bàn cao (gồm công nhân, học sinh, khách lưu trú); có người dân tham gia lao động ở các tỉnh biên giới Trung Quốc...

Chủ tịch UBND TP nhắc nhở, nhiệm vụ số một hiện nay là: Công an và các lực lượng ở cơ sở, phải thường xuyên nắm địa bàn, tuyên truyền vận động để người dân trong diện cần cách ly sẽ tự giác tham gia cũng như chủ động phát hiện người nghi nhiễm...

Bên cạnh đó, các lực lượng cần tiếp tục tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa như: tự vệ sinh, khử trùng, đeo khẩu trang khi ra đường... Lồng ghép với các hoạt động để phòng ngừa dịch bệnh thường xuất hiện vào thời điểm này hàng năm.

Sở Công Thương, QLTT, CATP kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ trục lợi với trang thiết bị y tế phòng dịch

Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả các cơ sở phường xã, cơ quan, nhà ga, bến tàu, phải được khử trùng tiêu độc... Các trường học đã được khử trùng 1 lần, cần khử trùng tiếp nếu sắp tới học sinh đi học trở lại.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở Sở Công Thương phải họp, tìm kiếm ngay nguồn cung từ các thị trường khác, để đảm bảo sản xuất khẩu trang đủ theo yêu cầu phòng dịch; Sở Tài Chính, Sở Y tế khẩn trương đề xuất mua trang thiết bị cho các đội cơ động chống dịch, các bệnh viện, trạm y tế xã phường hoàn thành trong ngày 6-2-2020.

"Để phòng dịch bệnh nCoV, khẩu trang không phải giải pháp duy nhất, mà quan trọng là khử đùng độc, phát hiện sớm người nghi nhiễm để cách ly, điều trị kịp thời, không để lây nhiễm", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ.  (An ninh Thủ đô, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Hà Nội huy động mọi nguồn lực ngăn ngừa dịch bệnh do nCoV”.

 

Căng mình chống dịch, nhưng đừng hoang mang

Mấy ngày nay, tôi liên tục nhận được các tin nhắn e ngại và động viên của bạn bè về việc làm việc tuyến đầu nguy hiểm quá, vụ dịch virus Corona (nCoV) này nguy hiểm quá!

Tôi vẫn cười xòa bảo các bạn rằng, công việc vẫn thế chẳng có xáo trộn gì cả. Qua Tết, lượng bệnh nhân đến viện cấp cứu vẫn đông hơn thường ngày. Các bác sĩ và nhân viên trong khoa vẫn làm việc quần quật như thường nhật. Vẫn đeo khẩu trang, mũ và rửa tay liên tục như ngày thường. Chỉ khác là, có thêm 1 vị trí phân loại người bệnh có yếu tố nguy cơ để hướng dẫn họ vào đúng nơi để sàng lọc. Mọi người có ý thức hơn trong vệ sinh, bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Vậy thôi!

Các bạn lại hỏi: “Tưởng hỗn loạn lắm cơ mà?”

Để có được câu trả lời đơn giản ấy, ngành Y đã phải đương đầu không biết bao nhiêu đợt dịch bệnh nguy hiểm. Điểm danh khoảng 15 năm gần đây đã có dịch SARS năm 2003; dịch H1N1 năm 2009; dịch MERS năm 2012; dịch sởi năm 2014... Rồi các đợt dịch sốt xuất huyết liên tục xuất hiện từng vùng trong cả nước với những biến chứng khó lường. Và trước mỗi lần có dịch, nhân viên y tế chúng tôi lại lặng lẽ sẵn sàng đương đầu với chúng. Nhiều người hỏi cảm giác sau mỗi đợt dịch được ngăn chặn thành công các anh chị có vui không? Câu trả lời thực tế nhất là mệt, rất mệt!

Năm 2019 vừa qua đi với cúm A thì chúng ta lại hứng chịu 1 chủng virus Corona mới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ký hiệu là 2019-nCoV. Cùng họ với SARS và MERS.

“Là một bác sĩ, tôi luôn có con mắt nhìn tích cực trong mọi tình huống. Không phải để coi thường sự nguy hiểm của dịch bệnh, mà vốn dĩ sự chia sẻ quá nhiều hình ảnh u ám, các con số không thu được gì ngoài sự bất an và sợ hãi. Thay vì bấn loạn, hãy bình yên cùng chống dịch và làm theo các chỉ dẫn của cơ quan chức năng và các chuyên gia”.

Tính đến ngày 5-2-2020 đã có tổng số 24.500 người dương tính với nCoV, trong đó 492 người đã tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 2%, tuy thấp hơn những đợt dịch trước đây nhưng mức độ lây lan dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Đã có hơn 20 quốc gia thông báo có người nhiễm “con nCoV” này, do vậy cũng không thể xem nhẹ.

Nếu chỉ nhìn vào các con số, thì thấy quả rất khủng khiếp, hàng nghìn người mắc mỗi ngày và thông báo hàng trăm người chết. Những ngày gần đây, tại tâm dịch ở Vũ Hán tuy con số thống kê tăng lên, nhưng tỷ lệ mắc mới đang có xu hướng chững lại, số người khỏi bệnh tăng lên, tỷ lệ tử vong giảm xuống. Đó là dấu hiệu tích cực đáng để hy vọng, có lý do gì khiến chúng ta phải hoang mang?

Các đồng nghiệp của tôi đang phải căng mình chống dịch, vừa theo dõi cách ly những người có yếu tố nguy cơ, vừa theo dõi sát tình hình phát triển dịch trên thế giới từng ngày để dự báo diễn biến phù hợp, từ đó đưa ra các ý kiến tham khảo cho các quyết định lớn hơn mang tầm quốc gia. Chỉ 1 dự báo sai lầm có thể làm hỏng 1 quyết định, ảnh hưởng đến cả hệ thống kinh tế và chính trị quốc gia. Vậy nên hết sức căng thẳng và mệt!

Tỉnh táo trước những thông tin không được kiểm chứng

Trước đây, mạng xã hội chưa phát triển, các vụ dịch diễn ra ít ầm ĩ hơn, ít tin giả hơn và người dân bớt hoang mang hơn. Vài năm trở lại đây, hệ thống mạng xã hội phát triển và trở thành 1 hệ thống thông tin rộng lớn. Mặt tốt của nó là giúp mọi người chia sẻ thông tin nhanh chóng và minh bạch hơn. Trong số đó có mặt tối, nếu không tỉnh táo chúng ta rất dễ bị cuốn vào những luồng thông tin không được kiểm chứng. Chỉ 1 nút bấm, nguồn tin ấy được chia sẻ cho nhiều người đọc, cứ thế nó lan đi như vết dầu loang mà chẳng mấy ai để ý nó đến từ đâu.

Với tư cách là 1 bác sĩ và là người tham gia mạng xã hội, chưa bao giờ tôi thấy tin giả xuất hiện rầm rộ và nhiều như lần này. Người ta đua theo “trend corona” để bán hàng, để “câu view”. Đến độ bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ rằng: Một đêm có hàng trăm cuộc gọi đường dây nóng nhưng chỉ có 3 cuộc gọi của tuyến dưới thật sự cần tư vấn phòng dịch, hầu hết là trêu chọc hoặc hỏi những điều không cần thiết. Khi anh chia sẻ câu chuyện này, vẫn có hàng loạt bình luận xấu xí chỉ để thỏa mãn “cơn khát” làm người phán xét của mình.

Rồi có người vào hẳn bệnh viện hoạnh họe nhân viên đeo khẩu trang để đăng clip lên mạng “lấy số”. Tôi gọi đó là tận cùng của sự vô văn hóa và thiếu hiểu biết. Tại các quán nước, quán cà phê, tôi nhiều lần thấy mọi người mặc sức bàn tán các nguồn tin từ mạng xã hội Facebook, Zalo… không có kiểm chứng rồi mặc sức thêm thắt thông tin, để tăng độ tin cậy, họ lôi “có người nhà bác sĩ bảo thế”. Và tội lỗi lại đổ lên đầu các nhân viên y tế vô tội.

Sự hoang mang và sợ hãi bị đẩy lên đến mức chính một điều dưỡng tham gia chống dịch vừa phải làm khối lượng công việc lớn hơn thường ngày, tối mệt mỏi về nhà trọ thì suýt bị đuổi đi vì “nó làm ở viện có dịch nên sợ bị lây”. Rồi đi đâu cứ nghe đến chuyện mình làm việc ở nơi có dịch là mọi người lặng lẽ đi mất.

Khi lên tiếng phản bác những nguồn tin không chính xác, ngay lập tức tôi bị tấn công bằng những bình luận (comment) độc địa như: “Tao mang virus Corona cho mày hít xem có lây không”... Các đồng nghiệp tôi cũng bị tấn công tương tự. Dường như họ đang muốn nhìn một xã hội u ám hơn là tươi sáng chăng (?!).

Cần chung sức với ngành Y chống lại tin giả

Đợt dịch này cũng giống như bao đợt dịch khác trong quá khứ, “con virus” này cũng vậy. Dù cho khả năng lây lan rất nhanh, nhưng cả hệ thống chính trị và y tế cùng vào cuộc, nâng mức cảnh báo cao hơn 1 bậc để khoanh vùng, cách ly và theo dõi các yếu tố và cá nhân nguy cơ phơi nhiễm với nguồn lây bệnh. Chưa kể, sự hợp tác quốc tế đang rất tốt, lần đầu tiên chỉ trong 1 tháng các nhà khoa học đã giải mã toàn bộ bộ gen của nCoV. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã được cung cấp đoạn gen mồi giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm còn 24 giờ. Đây là tín hiệu tốt. Vậy có lý do gì để hoảng loạn (?!).

Khi mỗi đợt dịch bệnh qua đi, các “con virus” mới này sẽ lại gia nhập vào đội ngũ các virus gây bệnh khác, 2019-nCoV cũng không nằm ngoại lệ. Là một bác sĩ, tôi luôn có con mắt nhìn tích cực trong mọi tình huống. Không phải để coi thường sự nguy hiểm của dịch bệnh, mà vốn dĩ sự chia sẻ quá nhiều hình ảnh u ám, các con số không thu được gì ngoài sự bất an và sợ hãi. Thay vì bấn loạn, hãy bình yên cùng chống dịch và làm theo các chỉ dẫn của cơ quan chức năng và các chuyên gia.

Trong mỗi thảm họa, ngoài vấn đề chuyên môn, việc kiểm soát và minh bạch thông tin là điều hết sức quan trọng. Nó giúp trấn an người dân để họ không hoang mang và sẵn sàng làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Lúc này, chúng tôi rất cần hệ thống truyền thông chung sức với ngành Y chống lại tin giả để mọi người bớt lo lắng, các bác sĩ mới yên tâm cống hiến hết mình vì người bệnh.

Các bạn đừng đẩy ngành Y phải đơn độc trong cuộc chiến này! (An ninh Thủ đô, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 1: “Trải lòng của bác sĩ “chiến đấu” với nCoV”.

 

Bộ Công an: Triệu tập 170 đối tượng tung tin giả, sai sự thật về dịch Corona để xử lý

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, ngành Công an đã triệu tập hơn 170 đối tượng tung tin giả, sai sự thật về dịch bệnh Corona (nCoV) để xử lý, yêu cầu cam kết, yêu cầu gỡ bỏ tin…

Đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối nay, 5-2, báo chí phản ánh về việc vừa qua nhiều cá nhân đã bị xử phạt vì đưa tin xuyên tạc, bịa đặt liên quan đến dịch bệnh Corona (nCoV). Song ngược lại, có một số nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng đưa tin thất thiệt về dịch bệnh này trên Facebook thì lại chưa bị xử lý. “Xin hỏi vì sao?” – báo chí đặt câu hỏi.

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, thời gian vừa qua, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng, tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hiện nay, chúng tôi đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết, yêu cầu gỡ bỏ căn cứ theo khoản 3, điều 64, Nghị định 174 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và quy định trong trường hợp lan truyền tin đồn sai sự thật, câu view, câu like hoặc phục vụ mục đích khác qua mạng để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ hơn 41 trường hợp không hợp tác hoặc có những biểu hiện không thực hiện việc xử phạt này để củng cố tài liệu và xử lý hình sự nếu đủ điều kiện. Tất cả các trường hợp bị triệu tập đều có cam kết, nếu tái phạm mà xét thấy đủ điều kiện chúng tôi sẽ xử lý hình sự để tránh gây hoang mang cho nhân dân” – Trung tướng Lương Tam Quang thông tin.

Chủ động vào cuộc, gỡ thông tin giả, tin sai lệch trên mạng xã hội

Cũng trả lời về câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Cục Phát thanh, Truyền thình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua thông tin nắm được từ Sở Thông tin và Truyền thông cũng như Công an các tỉnh thành, đến nay việc xử phạt các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Corona được thực hiện rất quyết liệt.

Cụ thể, tại thành phố Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất đã triệu tập 1 cá nhân để xử phạt. Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp cùng Công an TP HCM tiến hành xử lý 17 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch Corona.

“Theo thông tin chúng tôi nắm được, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cũng quyết tâm xử lý các trường hợp là nghệ sĩ, ca sĩ phát tán thông tin giả, thông tin sai lệch mà báo chí đã phát hiện và phản ánh” – ông Lâm chia sẻ.

Tương tự, tại Thanh Hóa cũng đã triệu tập và xử lý 3 đối tượng vi phạm. Đà Nẵng đã xử lý 2 trường hợp. Quảng Ninh đã xử lý 1 trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng. Cần Thơ đã xử lý 2 cá nhân. Thái Nguyên cũng đang xử lý 2 đối tượng…

Ông Lâm nhấn mạnh, các biện pháp của các cơ quan chức năng không phải chỉ là thụ động, tức chờ có người tung tin giả thì vào cuộc xác minh xử lý mà đã chủ động phối hợp với các đơn vị cung cấp mạng như Facebook để vào cuộc, gỡ các thông tin giả, tin sai lệch trên mạng xã hội này. Đồng thời, Facebook cũng đã hỗ trợ đăng thông tin chính thức về dịch Corona để khuyến cáo người dùng. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Đã triệu tập, xử lý hơn 170 đối tượng tung tin sai sự thật về dịch bệnh corona”; Lao động, trang 2: “Đối phó với dịch bệnh do virus corona: Có thể xử lý hình sự các đối tượng tung tinh sai sự thật”.

 

Có thể cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tuần tùy vào tình hình dịch Corona

tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, điều quan trọng lúc này là phải ngăn chặn, không để lây lan dịch Corona, đảm bảo tính mạng và sức khỏe của người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất. Thậm chí, các địa phương có thể cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tuần để đảm bảo 100% trường học phải vệ sinh khử trùng.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Chủ tịch UBND các tỉnh/ thành phố chịu trách nhiệm về việc ra quyết định cho học sinh nghỉ học. "Quan điểm của Bộ GD&ĐT là việc cho học sinh nghỉ học hay đi học trở lại phải xuất phát từ tình hình dịch và đề xuất của Sở GD&ĐT, Sở Y tế với Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc cho học sinh nghỉ đảm sức khỏe, điều kiện cho người học” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Hiện 63/63 tỉnh thành trong cả nước đã quyết định cho học sinh nghỉ học 1 tuần để phòng tránh dịch do virus Corona. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm, trong kế hoạch năm học, mỗi học kỳ có một tuần nếu cần thiết có thể cho học sinh nghỉ. Học sinh có thể học bù vào buổi sáng hoặc chiều, thứ 7, chủ nhật. Trong trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian nghỉ, Bộ có thể điều chỉnh khung thời gian kết thúc năm học. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “61 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học để phòng ngừa dịch bệnh”; Hà Nội mới, trang 6: “Cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh do nCoV: Phụ huynh, nhà trường cùng chung tay” ; Tuổi trẻ, trang 3: “Có thể cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tuần”.

 

Sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Cần phát huy hiệu quả tích cực

Sau hơn 1 tháng thực hiện, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào cuộc sống (1-1-2020), đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội. Không chỉ là những biến chuyển đơn thuần về số liệu, quan trọng hơn là nhiều người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã dần hình thành hành vi chuẩn mực. Những hiệu quả tích cực này cần được thành phố tiếp tục duy trì và phát huy...

Thói quen xấu dần thay đổi

Ông Nguyễn Hữu Tùng (thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất) cho biết, đầu xuân mọi năm ngày nào ông cũng say xỉn khi đến chúc Tết nhà người thân, hàng xóm. Thế nhưng năm nay, ông đã không còn bị say rượu nữa bởi các gia đình đều chỉ mời nhau nước trà, nước ngọt, không sử dụng bia, rượu. “Tôi và gia đình rất ủng hộ việc xử phạt nặng vi phạm quy định về nồng độ cồn. Bởi từ đó giúp người dân tự ý thức hơn về tác hại của việc sử dụng rượu, bia nói chung và khi tham gia giao thông nói riêng”, ông Nguyễn Hữu Tùng chia sẻ.

Ngay cả với người vi phạm bị xử phạt, họ cũng “tâm phục, khẩu phục”. Anh Nguyễn Hoàng Hải (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cho biết, tối 3-2 anh đã bị phạt 2,5 triệu đồng và giữ phương tiện 7 ngày sau khi uống 2 cốc bia. “Đây sẽ là bài học nhớ đời và tôi cam kết sẽ không tái phạm”, anh Nguyễn Hoàng Hải nói.

Không chỉ với người dân, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng có những biện pháp riêng để ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia trong công việc. Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chủ hãng xe Sao Việt cho biết rất ủng hộ những quy định về xử phạt trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Hiện trên các xe khách của Sao Việt đều gắn khẩu hiệu ở nơi dễ quan sát nhất để nhắc nhở lái xe, phụ xe cũng như hành khách từ bỏ thói quen sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Phạm Văn Ngọc cho biết: “Tôi và nhiều người thấy hiếm có luật, nghị định nào đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là thời điểm áp dụng đúng vào dịp Tết. Mức phạt cao đã khiến nhiều người phải nghiêm chỉnh chấp hành, thay đổi thói quen uống rượu, bia bất kể có tham gia giao thông hay không”.

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phát hiện, xử phạt 551 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong đó, số người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về nồng độ cồn chiếm hơn 98% số trường hợp vi phạm. Còn Bộ Công an cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 17.386 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, phạt tiền hơn 53 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại.

Giữ nghiêm pháp luật, không có “du di”

Trong tháng 1-2020, trên toàn quốc xảy ra 1.300 vụ tai nạn giao thông, làm chết 591 người và làm bị thương 968 người. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song Thạc sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khẳng định, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai, số ca tai nạn giao thông nặng, chấn thương sọ não đưa vào bệnh viện liên quan đến rượu, bia đã giảm mạnh trong dịp Tết vừa qua.

Tại buổi họp giao ban đầu năm 2020 của Bộ Giao thông - Vận tải diễn ra sáng 31-1 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến rất tích cực. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều. Rõ ràng, những quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống”.

Cũng như cả nước, mặc dù triển khai trong thời gian cao điểm diễn ra Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội đầu năm 2020, nhưng việc kiểm tra nồng độ cồn vẫn được lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội thực hiện đúng tinh thần “không có du di trong dịp Tết”. Thiếu tá Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 9 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua đơn vị xử lý 9 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, đa số vi phạm đều do cả nể nhau mà uống rượu, bia trong dịp đầu xuân.

Trên thực tế, không chỉ ở nội thành mà cả ở vùng nông thôn của thành phố Hà Nội, việc sử dụng tràn lan bia rượu đã giảm. Không chỉ biết sợ mà tránh sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, nhiều người dân còn thay đổi nhận thức và hành vi bằng việc hạn chế sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt thường ngày. Có được những kết quả này là nhờ lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền cũng như dứt khoát xử lý các trường hợp vi phạm, nhanh chóng đưa các quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP vào cuộc sống.

Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho hay, đơn vị kiên quyết không để xảy ra tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” khi xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn và nhiệm vụ này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục trong năm 2020. Công an thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị, bãi tạm giữ phương tiện 24/24 giờ, bảo đảm các yêu cầu về xử lý phương tiện.

Một trong những vấn đề người dân băn khoăn, lo ngại nhất hiện nay là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp, có thể lây lan khi thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Giải đáp vấn đề này, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông cho hay, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh do nCoV, không để lây lan trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông. Theo đó, quá trình kiểm tra, xử lý, Cảnh sát giao thông phải tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ; bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo và mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định.

Kết quả rất tích cực, rất đáng mừng sau 1 tháng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt khẳng định, quy định trong hai văn bản này đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Phát huy những kết quả bước đầu, mỗi người dân, mỗi gia đình cần tiếp tục góp phần cùng các cơ quan chức năng giữ nghiêm pháp luật, duy trì hiệu quả lâu dài cho một cuộc sống bình yên và văn minh…  (Hà Nội mới, trang 1).

 

Triển khai ngay các giải pháp giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh nCoV

Kết luận nội dung kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020, chiều 5-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (nCoV); có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2020.

Diễn biến của dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể vào đỉnh dịch trong tuần tới và dịch có thể kéo dài. Trước tình hình dịch, Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động; ổn định xã hội; đồng thời chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả các mặt trận từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội. Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan. Có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác. Các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến phát triển.

Ban Chỉ đạo quốc gia và ban chỉ đạo các địa phương, UBND các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tăng cường tiêu độc khử trùng nơi đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư. Tiếp tục hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, trừ trường hợp phục vụ chống dịch.

Nhấn mạnh không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ này là một thử thách lớn cần phải đối mặt và vượt qua để giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu. Đi liền với đó là tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng; tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới; chủ động tìm kiếm thị trường; chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại; tiếp tục phát huy nền tảng, cơ đồ và vị thế của Việt Nam trong năm 2019, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống hành chính cả nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ, các công việc đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện nhiệm vụ 2020.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính năm 2020; tiếp tục sửa đổi, loại bỏ các chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở bước phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ khẳng định rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành là cùng với việc thực hiện quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch nguy hiểm, tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hằng quý và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra; điều hành, vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV.

Theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường để có giải pháp phù hợp, hạn chế sự tăng giá bất thường, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Thủ tướng nhấn mạnh, không tăng giá điện, dịch vụ công; đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy nhanh đầu tư công. (Hà Nội mới, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 1: “Bên cạnh phòng chống dịch, cần giải pháp mạnh để thúc đẩy nền kinh tế-xã hội ”; Lao động, trang 1: “Kinh tế Việt Nam trước dịch do virus corona: Giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020”.

 

Phát huy tinh thần chủ động cách ly nhằm dập dịch bệnh do nCoV

“Thực hiện cách ly tại cộng đồng, mỗi một người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Dập dịch nhanh, dứt khoát vừa đảm bảo cơ hội chống dịch vừa đảm bảo ổn định xã hội, kinh tế phát triển”. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch vào chiều 5/2 tại Trụ sở Chính phủ.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, theo thông tin Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 5/2/2020 có 24.567 người mắc bệnh tại Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ; 493 người tử vong, 3.223 người nguy kịch; 907 người phục hồi xuất viện.

Tại Việt Nam, tổng số có 10 ca nhiễm, 409 ca nghi ngờ, trong đó có 347 trường hợp đã loại trừ; số tiếp xúc gần đang được theo dõi 349; đặc biệt đã điều trị thành công 3 người ở các tỉnh: Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã triển khai các đoàn kiểm tra tại các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên… chuẩn bị tập huấn với 63 tỉnh về điều trị, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Bộ Y tế chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Paster rà soát, chuẩn hóa quy trình xét nghiệm, chia sẻ các sinh phẩm xét nghiệm, tập huấn xét nghiệm nCoV.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nhằm kiểm tra, đánh giá, năng lực sản xuất, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để tìm ra cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất để đảm bảo cung cấp cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế phân bổ test xét nghiệm chẩn đoán nCoV cho các đơn vị y tế địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác thực hiện cách ly tại cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra hiện nay.

“Thực hiện cách ly tại cộng đồng, mỗi một người tự cách ly là điều tối quan trọng nhằm mục tiêu dập dịch ngay và không tràn lan. Dập dịch nhanh, dứt khoát vừa đảm bảo cơ hội chống dịch vừa đảm bảo ổn định xã hội, kinh tế phát triển”, Phó Thủ tướng nêu rõ. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, thông qua truyền thông và hệ thống chính trị xã hội, các lực lượng chức năng, đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hướng dẫn, vận động người dân hiểu rõ tầm quan trọng của công tác cách ly.

“Hiểu rõ việc cách ly để nêu cao trách nhiệm với bản thân và xã hội. Vượt qua những bất tiện, những khó khăn trong thời gian được cách ly chính là sự đóng góp quan trọng, là nghĩa cử cao đẹp của người cần được cách ly trong công tác chống dịch. Cộng đồng ủng hộ người được cách ly chính là tham gia chống dịch tốt. Lúc khó khăn, những nghĩa cử cao đẹp, điều tốt càng đáng quý và cần được nhân rộng. Nhiều điều tốt thành thói quen tốt, nhiều thói quen tốt xã hội văn minh lên, đẩy lùi cái xấu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Nỗ lực đối phó dịch bệnh do nCoV”; Lao động, trang 2: “Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng chống nCoV”.

 

Ngăn chặn tình trạng buôn lậu, tự ý tăng giá trang thiết bị y tế

Hiện nay, các cơ sở cung cấp thiết bị, vật tư trang thiết bị y tế đã tăng cường sản xuất khẩu trang để góp phần phòng, chống dịch bệnh do viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có nhiều trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá khẩu trang hoặc thu gom khẩu trang với số lượng lớn để xuất lậu sang biên giới bán kiếm lời.

Mấy hôm nay, chị Nguyễn Khánh Hà, ở phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) phải lùng khắp nơi mới mua được một hộp khẩu trang y tế cho cả nhà dùng. Chị Hà chia sẻ: "Mấy hôm trước đọc báo, thấy số người mắc dịch bệnh nCoV ở Trung Quốc gia tăng, mọi người đổ xô đi mua khẩu trang cho nên tôi cũng tìm mua vài hộp. Lúc đó giá khẩu trang y tế từ 2 đến 4 lớp tăng từ 50 nghìn đồng/hộp lên 250 nghìn đồng/hộp, có nhà thuốc còn bán 600 nghìn đồng/hộp. Biết là bị "móc túi" nhưng vẫn phải mua về dùng.". Theo chị Trần Ngọc Minh, ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), với tâm lý "kiếm lời nhanh" các chủ cửa hàng tạp hóa, giặt là quần áo hoặc những người bán hàng nước vỉa hè cũng tranh thủ mua gom khẩu trang và bán với giá 300 nghìn đồng/hộp. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì họ sẵn sàng bỏ lại hàng hóa hoặc không nhận là chủ sở hữu số hàng này.

Trước tình trạng khẩu trang y tế được các đầu lậu găm hàng và bán với giá "trên trời" khiến nhiều người muốn mua cũng không mua được, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra, đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay tiệt trùng để bán kiếm lời. Cụ thể, Tổng cục Quản quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Ðội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh nCoV để mua vét, mua gom hàng hóa là trang thiết bị y tế để bán kiếm lời. Tính từ ngày 31-1 đến 4-2, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố đã xử lý 2.180 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị, vật tư y tế; tạm giữ 466.326 khẩu trang y tế các loại. Nhiều cơ sở như nhà thuốc Linh Giang (Thanh Trì, Hà Nội), nhà thuốc Kim Thoa (Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí đề nghị rút giấy phép kinh doanh về hành vi bán khẩu trang với giá cao gấp nhiều lần.

Khảo sát tại một số nhà thuốc, siêu thị ở các tuyến phố ở Hà Nội như Ngọc Khánh (quận Ba Ðình), Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm); tại TP Hồ Chí Minh, khu vực Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5), Bệnh viện Nhi Ðồng 1 (quận 10),... giá bán khẩu trang loại 3 lớp (hộp 50 chiếc) mua vào khoảng 55 nghìn đồng/hộp, bán ra khoảng 65 nghìn đồng/hộp; loại 4 lớp (hộp 50 chiếc) mua vào khoảng 65 nghìn đồng/hộp, bán ra khoảng 75 nghìn đồng/hộp. Hiện tại, tình trạng người dân xếp hàng mua khẩu trang với giá rất cao đã không còn nhưng do mặt hàng khẩu trang, thiết bị y tế còn khan hiếm cho nên giá bán có hơi cao so với thời điểm trước Tết. Trước tình hình này, nhiều cửa hàng buộc phải thông báo hết hàng hoặc chỉ bán cho mỗi khách hàng từ một đến hai hộp khẩu trang.

Không chỉ thu gom khẩu trang để bán kiếm lời ở trong nước, một số người còn buôn lậu khẩu trang sang biên giới. Vừa qua, cán bộ Trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (Cao Lộc, Lạng Sơn) đã phát hiện, thu giữ 305 nghìn chiếc khẩu trang y tế đang trên đường vận chuyển lên khu vực biên giới. Bước đầu lái xe BKS 81C - 051.63 Ðỗ Duy Hiếu (trú tại tỉnh Gia Lai), khai nhận là người vận chuyển thuê số hàng này và đã xuất trình cho đoàn kiểm tra phiếu xuất kho của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Gia Bình BN nhưng không có họ tên người nhận hàng. Lái xe Hiếu không xuất trình được hóa đơn bán hàng, hợp đồng mua bán của công ty...

Để đối phó tình trạng khan hiếm khẩu trang; gom hàng, đẩy giá lên cao, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã gửi văn bản đến hơn 30 đơn vị có sản xuất khẩu trang y tế, yêu cầu báo cáo về số hàng tồn kho, năng lực sản xuất; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp ổn định sản xuất ngay sau Tết Nguyên đán để sớm cung cấp sản phẩm ra thị trường. Vụ cũng chỉ đạo các đơn vị sản xuất không tăng giá khẩu trang để bình ổn thị trường; không bán cho các đối tượng đầu cơ, tăng giá, gom hàng, hay xuất khẩu; ưu tiên phòng chống dịch trong nước trong giai đoạn hiện nay. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Ðặng Hoàng An cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 38 đơn vị sản xuất khẩu trang ba lớp với năng lực sản xuất 1,245 triệu chiếc/ngày; hai đơn vị sản xuất khẩu trang N95 đạt năng suất 32 nghìn chiếc/ngày. Năng suất sản xuất của các đơn vị có thể đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước… Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, tính đến trưa 3-2, Cục đã kiểm tra 47 cơ sở, xử lý 37 cơ sở vi phạm; chỉ đạo các Ðội QLTT làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang để ký cam kết không tăng giá. Hiện đã có hơn 400 cơ sở ký cam kết chấp hành. Ngoài ra, để giúp người dân phòng, chống dịch bệnh do nCoV, nhiều cá nhân, đơn vị như nhà thuốc Ðông Giang, số 32 Nguyễn Văn Thoại (Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng) đã phát miễn phí 5.000 khẩu trang đến người dân và du khách; Ðoàn Thanh niên Công an Hà Nội, Báo An ninh thủ đô phối hợp nhóm Hoa Cúc xanh phát 75 nghìn khẩu trang miễn phí đến người dân và các du khách… (Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Nhiều phòng khám thiếu khẩu trang, dung dịch sát khuẩn”.

 

Bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến dưới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đầu tư trang thiết bị để chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn. Từ sự thay đổi đó, người bệnh bắt đầu tin tưởng đến các bệnh viện tuyến dưới điều trị ngày càng đông.

Bệnh viện quận 11 là một trong những bệnh viện tuyến quận, huyện đã có hướng phát triển nhằm tạo dựng niềm tin và thu hút bệnh nhân trên địa bàn đến khám và chữa bệnh. Từ đội ngũ nhân sự đến trang thiết bị tại bệnh viện đều được đầu tư tăng dần theo hằng năm. Nếu như trong năm 2016, Bệnh viện chỉ có 48 bác sĩ, 71 điều dưỡng thì đến năm 2018, Bệnh viện quận 11 đã có 120 bác sĩ và 164 điều dưỡng. Cùng với đó, nhiều kỹ thuật chuyên sâu được bệnh viện thực hiện thành công, tạo niềm tin cho người dân. Nếu như cuối năm 2015, bệnh viện chỉ có trung bình 600 lượt khám/ngày thì đến cuối năm 2018, con số này đã tăng gấp ba lần. Theo bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc bệnh viện, hiện bệnh viện đã điều trị nhiều trường hợp khó, kỹ thuật cao như phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị máu tụ ngoài màng cứng, đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân bị hội chứng suy hô hấp kèm theo suy tim, rối loạn nhịp tim.

Trong khi đó, Bệnh viện quận 2 có sự "lột xác" nhanh chóng trong thời gian qua. Bệnh viện phát triển toàn diện về quy mô, cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực và chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật y khoa phức tạp đã được thực hiện giúp người dân tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh và giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện khám ngoại trú gần 2.500 lượt người bệnh, điều trị nội trú cho hơn 350 trường hợp và cấp cứu từ 100 đến 150 ca. Trong đó, tỷ lệ chuyển viện đã giảm rất lớn, chỉ còn dưới 2%. Bà Trần Lệ Hoa (phường Bình Trưng Tây, quận 2) cho biết, mỗi khi ốm đau, bà đều đến Bệnh viện quận 2 khám. Chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện đã tốt hơn trước rất nhiều nên bà không cần phải mất thời gian đi chữa trị ở bệnh viện tuyến trên.

Ðể thu hút nhiều người bệnh đến điều trị, phần lớn các bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều ưu tiên đầu tư máy móc hiện đại nhằm phục vụ người bệnh hiệu quả hơn. Cuối tháng 10 vừa qua, Bệnh viện quận Phú Nhuận đã mua hệ thống máy chụp CT- Scan, giúp người dân muốn chụp CT-Scan liên quan sọ não, xoang, ngực, bụng, cột sống… không phải chuyển lên tuyến trên như trước. Bác sĩ Võ Văn Minh, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngoài máy CT-Scan, sắp tới bệnh viện cũng sắm máy phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco và năm máy chạy thận nhân tạo từ nguồn ngân sách của quận. Với nhiều trang thiết bị hiện đại, bệnh viện sẽ có điều kiện chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1.000 đến 1.200 lượt người khám, chữa bệnh ngoại trú. Ngoài nâng cao năng lực điều trị bệnh, Bệnh viện quận Phú Nhuận đã liên tục tìm cách đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh bằng ứng dụng công nghệ thông tin, giúp bác sĩ điều trị thuận lợi hơn và người bệnh cũng không phải chờ lâu như trước đây.

Ðể "giữ chân" người bệnh, nhiều bệnh viện khác thực hiện mô hình "bệnh viện gần dân" khá hiệu quả. Như huyện Củ Chi có nhiều xã nằm khá xa trung tâm huyện, điều đó đã hạn chế việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Ðể bảo đảm người dân ở các vùng xa như Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Ðông, Trung An, Hòa Phú… có điều kiện tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, hiện đại, Bệnh viện huyện Củ Chi đã đầu tư nâng cấp trung tâm y tế dự phòng thành Phòng khám đa khoa Tân Quy (nằm trên xã Tân Thạnh Ðông) trực thuộc bệnh viện. Phòng khám đa khoa Tân Quy có đầy đủ máy móc trang thiết bị mới, đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị của các chuyên khoa như: Cấp cứu nội, ngoại, sản, nhi, tai mũi họng, răng hàm mặt, tiêm ngừa, xét nghiệm, siêu âm, X quang… Phòng khám có 16 bác sĩ khám, chữa bệnh và trực cấp cứu 24/7 bảo đảm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Ban đầu, phòng khám tiếp nhận khoảng 45 bệnh nhân/ngày nhưng hiện nay đã lên đến gần 200 bệnh nhân/ngày. Mô hình này cũng được thực hiện thành công tại quận Thủ Ðức. Phòng khám đa khoa Linh Xuân trực thuộc Bệnh viện quận Thủ Ðức đặt tại phường Linh Xuân chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người dân nơi đây. Ðể phòng khám hoạt động hiệu quả, bệnh viện đã đưa 18 bác sĩ, 15 điều dưỡng, bốn dược sĩ, ba kỹ thuật viên X quang, bốn kỹ thuật viên xét nghiệm luân phiên công tác tại phòng khám. Ðến nay, phòng khám đã thu hút khoảng 750 bệnh nhân/ngày, trở thành "cánh tay nối dài" của Bệnh viện quận Thủ Ðức trong việc chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn đông dân cư.

Từ thực tế nêu trên, việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã dần tạo được sự hài lòng cho người dân. Bệnh viện tuyến dưới thật sự "chia lửa", giảm tải giúp bệnh viện tuyến trên, góp phần mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân thành phố. (Nhân dân, trang 5).

 

Những thông tin liên quan bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV), trên cơ sở tài liệu liên quan của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng đã tập hợp lại thông tin để mọi người cùng hiểu và biết cách phòng ngừa.

Bộ Y tế khuyến cáo mọi người thực hiện đúng Quy trình rửa tay thường quy để ngăn ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

nCoV là gì?

nCoV là một loại vi-rút đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Vi-rút này là chủng vi-rút mới chưa được xác định trước đó.

Nguồn gốc của nCoV từ đâu?

Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của nCoV. Nhiều ý kiến cho rằng, nCoV là một betacoronavirus, thuộc họ với vi-rút gây hội chứng MERS-CoV và hội chứng SARS, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi. Việc phân tích cây di truyền của vi-rút này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của vi- rút.

Cơ chế nCoV lây lan như thế nào?

Vi-rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Ðiều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, vi-rút lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng vi-rút, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người chung quanh bị phơi nhiễm. Cũng có thể bị lây vi-rút từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm vi-rút khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Những triệu chứng và biến chứng mà nCoV có thể gây ra?

Các triệu chứng của bệnh nhân mắc nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.

Ðã có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra chưa?

Tại thời điểm này, chưa có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Những người bệnh hiện nay được điều trị giảm các triệu chứng, các trường hợp bệnh nặng sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ tối ưu nhất. Một số phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu, thực hiện trong điều trị lâm sàng cho các bệnh nhân.

Nhóm độ tuổi nào dễ bị mắc nCoV?

Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc nCoV. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn.

Làm thế nào để có thể bảo vệ bản thân?

Ðể chủ động phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh

+ Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2 m khi tiếp xúc.

+ Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.

+ Rửa tay thường xuyên với xà-phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà-phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

+ Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

+ Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

+ Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà-phòng…

+ Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

+ Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

+ Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà-phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

+ Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

- Những người từ Trung Quốc trở về

+ Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan y tế sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

+ Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

- Những người đi đến Trung Quốc

+ Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong thời gian xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

+ Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

+ Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

Những khuyến cáo nào khi người dân có lịch trình đi lại, du lịch?

- Tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở. Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên; hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

- Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV: Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho; Rửa sạch tay thường xuyên với xà-phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn; tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng.

Sử dụng khẩu trang đúng cách: Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo; sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác; rửa sạch tay ngay lập tức.

Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng. Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng một lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.

Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm. Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô-tô và tìm đến cơ sở chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV: Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và bảo đảm an toàn thực phẩm; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

Các địa chỉ liên hệ, thông báo thông tin

Bộ Y tế công bố hai số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do nCoV là 1900 3228 và 1900 9095. Cùng với đó, 21 đường dây nóng của các bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi ngờ và nhiễm nCoV gồm: Bạch Mai (0969.851.616); Bệnh nhiệt đới T.Ư (0969.241.616); E (0912.168.887); Nhi T.Ư (0372.884.712); Phổi T.Ư (0967.941.616); Việt Nam - Thụy Ðiển Uông Bí (0966.681.313); đa khoa T.Ư Thái Nguyên (0913.394.495); T.Ư Huế (0965.301.212); Chợ Rẫy (0969.871.010); đa khoa T.Ư Cần Thơ (0907.736.736); Xanh Pôn Hà Nội (0904.138.502); Vinmec Hà Nội (0934.472.768); Ðà Nẵng (0903.583.881); Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh (0967.341.010); Nhi đồng 1 (0913.117.965); Nhi đồng 2 (0798.429.841); đa khoa tỉnh Ðồng Nai (0819.634.807); Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa (0913.464.257); đa khoa tỉnh Khánh Hòa (0965.371.515); đa khoa tỉnh Thái Bình (0989.506.515); đa khoa Lạng Sơn (0396.802.226). Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.

Làm thế nào để kiểm tra một người có nhiễm nCoV

Các kiểm tra chẩn đoán chính xác nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng nCoV gồm kỹ thuật Giải trình tự gien thế hệ mới và kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm nCoV, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định. (Nhân dân, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 8: “Tỷ lệ tử vong do dịch nCoV thấp hơn nhiều so với H1N1, MERS và Ebola”; Gia đình & Xã hội, trang 3: “Bộ Y tế họp báo về nCoV: Virus corona kỵ ánh sáng, tia cực tím, nhiệt độ và gió”; Gia đình & Xã hội, trang 3: “Bệnh nhân nhiễm nCov được miễn phí điều trị”.

 

Chủ động ứng phó các tình huống dịch bệnh do nCoV

Chiều 5-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin về dịch bệnh do nCoV. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) do nCoV, trong đó hạn chế, cách ly những người đi từ vùng có dịch trở về Việt Nam là một trong những biện pháp quan trọng để kiểm soát dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào trong nước.

Theo Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, hầu hết các trường hợp mắc nCoV tại Việt Nam đều trẻ tuổi và không có bệnh lý nền. Duy nhất trường hợp người bệnh quốc tịch Trung Quốc có bệnh lý nền tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2, thở yếu, nhưng sau thời gian điều trị từ 22-1 đến nay, người bệnh gần như đã khỏe, không phải thở máy. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta triển khai đúng phác đồ điều trị, tổ chức cách ly, khám, điều trị, lấy bệnh phẩm xét nghiệm đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì sẽ đạt hiệu quả. Hiện nay, Cục đang yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy, sở y tế hai tỉnh Khánh Hòa và Thanh Hóa gửi bệnh án để Hội đồng chuyên môn rút kinh nghiệm và sẽ cập nhật phác đồ điều trị này với 700 đầu cầu Việt Nam vào thời gian tới. Một thành tựu nữa của Việt Nam là đến nay không xảy ra tình trạng bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Sự phối hợp của các khoa, phòng trong chẩn đoán, điều trị căn bệnh truyền nhiễm đã giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do nCoV, Bộ Y tế đã chỉ đạo 22 bệnh viện tuyến cuối sẵn sàng dành 3.000 giường bệnh cho việc điều trị; rà soát tổng thể máy móc; tiếp tục cập nhật phác đồ mới sau khi tổng hợp kinh nghiệm các trường hợp được chữa khỏi tại Việt Nam. Thành lập 40 đội cấp cứu sẵn sàng lên đường chi viện cho tuyến dưới; chỉ đạo các đơn vị xét nghiệm tập huấn về chuyên môn, chỉ đạo các địa phương, nhất là nơi có cửa khẩu, có người cách ly; nhận chuyển giao kỹ thuật nhanh nhất để nơi đó tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nCoV...

Ngày 5-2, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Ðỗ Xuân Tuyên dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, kiểm tra công tác PCDB do nCoV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tập trung giám sát, cách ly, theo dõi chặt chẽ cả các trường hợp nhiễm bệnh; các trường hợp nghi ngờ và cách ly tuyệt đối những trường hợp nguy cơ cao, tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh cần bố trí khu cách ly, điều trị riêng cho người bệnh dương tính với nCoV và khu cách ly, điều trị người bệnh nghi ngờ; triển khai thực hiện xét nghiệm nCoV tại bệnh viện khi có đủ trang thiết bị nhằm hạn chế chuyển các mẫu bệnh phẩm nCoV lên tuyến trên. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tổ chức tập huấn các kỹ thuật cơ bản xét nghiệm nCoV cho bệnh viện; cung cấp vật tư, hóa chất cho ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc PCDB kịp thời.

Sáng 5-2, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định áp dụng các biện pháp cách ly ngay đối với 10 công dân Trung Quốc đến từ tỉnh Hồ Bắc tại Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh.

TP Hải Phòng đã trưng dụng diện tích chưa sử dụng của Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp làm khu cách ly y tế tập trung đối với những người có nguy cơ nhiễm nCoV. Sở Y tế Hải Phòng công bố đường dây nóng và danh sách ba bệnh viện có khoa truyền nhiễm được phân công đón nhận người bệnh nghi nhiễm nCoV. Ngày 5-2, Sở GD và ÐT Hải Phòng cho các đơn vị giáo dục tổ chức hoạt động dạy học chính khóa từ ngày 6-2, nhưng không tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm... Cấp tiểu học chỉ tổ chức dạy học một buổi/ngày, nhưng không tổ chức ăn bán trú. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng yêu cầu tất cả tàu biển có hành trình từ các cảng của Trung Quốc đến Hải Phòng đều phải làm thủ tục kiểm dịch y tế tại khu neo Hòn Dáu (Ðồ Sơn).

Ngày 5-2, Sở Y tế tỉnh Nam Ðịnh cho biết, người bệnh N.S.C (SN 2000) nghi nhiễm nCoV được cách ly, theo dõi sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định. Tỉnh Nam Ðịnh hủy các tua du lịch đưa khách từ vùng dịch về Nam Ðịnh.

Cùng ngày, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang tiếp nhận, cách ly trong thời gian 14 ngày đối với 45 trường hợp là công dân địa phương đi lao động ở Trung Quốc trở về. Qua thăm khám, các trường hợp nêu trên có sức khỏe bình thường, không có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt.

Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận, cách ly theo dõi 14 ngày với những người đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài trở về Ðiện Biên.

Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận gần 400 công dân Việt Nam lao động, học tập, công tác tại Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch trở về Việt Nam. Những công dân này sẽ được cách ly ít nhất là 14 ngày.

Chiều 5-2, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tại địa phương có 28 người là lao động, lưu học sinh, nghiên cứu sinh trở về từ Trung Quốc đã được tiến hành kiểm tra sức khỏe và cách ly tại nhà. Tại Bệnh viện T.Ư Huế đang cách ly ba người; trong đó có hai người ở xã Ðiền Hòa (huyện Phong Ðiền) và một du khách người Hà Lan. Bộ CHQS tỉnh đang triển khai thực hiện việc tiếp nhận 250 công dân Việt Nam lao động, học tập, công tác về từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch bệnh do nCoV. Những người này sẽ được đưa đến cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (đóng tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy).

Sáng 5-2, Sở Y tế tỉnh Ðắk Lắk cho biết, tỉnh đã tiến hành giám sát và cách ly tại cơ sở y tế 13 trường hợp nghi nhiễm nCoV. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ðắk Lắk thành lập bảy đội cơ động PCDB do nCoV, thiết lập đường dây nóng 0262.2460701 để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh.

Ngày 5-2, ngành y tế tỉnh Bến Tre đang theo dõi, cách ly sáu trường hợp người Trung Quốc nghi nhiễm nCoV tại Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh. Sáu người bệnh đều làm việc tại Công ty may mặc Mingda (huyện Mỏ Cày Bắc). Trước đó, năm trong số sáu người từ Trung Quốc trở lại Việt Nam ngày 29-1. Hiện, sức khỏe của sáu người bình thường, không sốt.

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo PCDB tỉnh Cà Mau cho biết, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và cách ly hai trường hợp nghi nhiễm nCoV. Ngoài ra, có 13 trường hợp nghi nhiễm nCoV đang được giám sát, theo dõi, cách ly tại nhà.

Ngày 5-2, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan và địa phương chỉ đạo người dân các biện pháp tham gia giao thông an toàn, ngăn ngừa dịch bệnh do nCoV. Theo đó, khuyến cáo người dân cân nhắc, tránh các chuyến đi không thật sự cần thiết, không đi đến các khu vực có dịch khi chưa trang bị bảo hộ. Các doanh nghiệp vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ thực hiện bảo hộ cá nhân, giữ thông thoáng và sạch sẽ tại khu vực sân bay, nhà ga, bến xe, bến tàu; khử trùng các phương tiện thường xuyên...

Ðể bảo đảm an toàn sức khỏe cho hành khách, tổ bay, Vietnam Airlines (VNA) tiến hành khử trùng nghiêm ngặt tất cả tàu bay từ Trung Quốc đại lục, Ðài Loan, Hồng Công, Ma Cao (Trung Quốc) và Băng-cốc (Thái-lan) về Việt Nam. VNA điều chỉnh nhiệt độ khoang hành khách lên 26 độ C, duy trì suốt thời gian bay trên tất cả chuyến bay. Từ ngày 6-2, VNA tạm ngừng khai thác các đường bay giữa Hà Nội và Ma Cao, Hồng Công, các đường bay Việt Nam - Ðài Loan và TP Hồ Chí Minh - Hồng Công vẫn khai thác bình thường.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, tính đến ngày 5-2, có 16 trường đại học (ÐH) tiếp tục lùi lịch học đến sau ngày 15-2; phần lớn các trường còn lại có lịch học sau ngày 10-2. Một số trường ÐH đưa ra các giải pháp học bổ sung kiến thức bằng các chương trình đào tạo qua mạng để bảo đảm việc cung cấp kiến thức học tập tại nhà cho sinh viên và cập nhật thông tin về cách PCDB. Ðối với một số trường ÐH tổ chức học hoặc có sinh viên đến trường đã được yêu cầu khai báo lịch trình di chuyển, theo dõi sức khỏe, yêu cầu đeo khẩu trang trong lớp học,... Có 61 tỉnh, thành phố báo cáo Bộ về việc quyết định cho học sinh nghỉ học.

Sở GD và ÐT Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường lần hai tại các trường học, cơ sở giáo dục trong hai ngày 7 và 8-2. Các đơn vị hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh kỹ năng tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe về các biện pháp PCDB do nCoV, có các biện pháp quản lý học sinh trong thời gian tạm nghỉ học. Ðề nghị cha mẹ học sinh thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, phối hợp quản lý và chăm sóc sức khỏe con em mình.

Chiều 5-2, tại cuộc họp trực tuyến về công tác PCDB do nCoV, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, nguy cơ lây nhiễm nCoV ở Hà Nội ở mức cao. Do đó, lực lượng chức năng phải thường xuyên nắm địa bàn, tuyên truyền vận động để người dân trong diện cần cách ly tự giác thực hiện và chủ động phát hiện người nghi nhiễm. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ trang thiết bị y tế phòng dịch. Về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, lãnh đạo TP Hà Nội thống nhất giao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất ngay từ bây giờ.

Ngày 5-2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản khẩn về việc bảo đảm cung ứng đủ thuốc PCDB do nCoV. Theo đó, Cục đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện chủ động liên hệ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để dự trù đặt hàng và mua sắm theo quy định, bảo đảm có đủ các thuốc quy định. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động lên kế hoạch dự trù, nhập khẩu nguyên liệu, hóa chất, vật tư tiêu hao, tăng cường nguồn cung và tìm thuốc thay thế (nếu có) để sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm cung ứng đủ cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa giao hai nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia để đáp ứng tình hình PCDB do nCoV. Theo đó, nhiệm vụ sản xuất test kit để sàng lọc, phát hiện các trường hợp nhiễm nCoV được giao cho Học viện Quân y, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ (Sở KH và CN Cần Thơ) và hai doanh nghiệp. Nhiệm vụ nghiên cứu đánh giá dịch tễ học, lâm sàng và vi-rút học của bệnh dịch do nCoV được giao cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.

Ngày 5-2, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội nghị bàn giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh do nCoV đối với du lịch Việt Nam. Các giải pháp được xác định gồm: quan tâm tới công tác bảo hiểm du lịch; đẩy mạnh hoạt động tại các thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch; thúc đẩy du lịch nội địa; có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh... (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Việt Nam sẵn sàng mọi phương án ứng phó dịch nCoV”; Tuổi trẻ, trang 2: “Việt Nam đã có kịch bản ứng phó dịch”; Tiền phong, trang 1: “Phòng chống dịch do virus corona: cập nhật phác đồ điều trị tiến bộ nhất”.

 

Đưa vào sử dụng máy chụp cắt lớp hiện đại nhất ĐBSCL

Ngày 5-2, Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ cho biết bệnh viện này vừa đưa vào vận hành, sử dụng máy MSCT 640 lát cắt.

Theo các chuyên gia về hình ảnh, MSCT Toshiba Aquilion One 640 lát cắt là máy chụp cắt lớp hiện đại nhất hiện nay với khả năng hỗ trợ chẩn đoán cao, tốc độ chụp cực nhanh, giảm liều tia xạ đến mức tối thiểu. Máy có thể chỉ định chụp cho thai phụ khi cần khảo sát.

Các chức năng của máy Aquilion One 640 lát cắt gồm: chụp CT thường quy (sọ não, xoang); chụp CT toàn bộ hệ thống mạch máu não 4D giúp chẩn đoán các bệnh lý mạch máu não sớm; chụp CT lồng ngực, ổ bụng, hệ tiết niệu; chụp CT toàn thân đánh giá ung thư, tầm soát di căn; chụp động mạch chủ, mạch máu chi; chụp tái tạo 3D hệ xương khớp; chụp CT phổ đánh giá tổn thương di căn trong ung thư, đánh giá thành phần sỏi, đánh giá tinh thể muối tại khớp trong bệnh gout…

Thiết bị này còn có tính năng ưu việt là chụp mạch vành trong vòng một nhịp tim, so với các máy thế hệ cũ chụp trong 3 - 4 nhịp tim. Vì thế, bệnh nhân không cần sử dụng thuốc hạ nhịp tim trong khi chụp. Bệnh nhân loạn nhịp tim cũng có thể được chẩn đoán bệnh với thiết bị mới này.

Các hình ảnh sau khi chụp tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ sẽ được chuyển vào hệ thống Pacs của Trung tâm Y khoa Medic TPHCM. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đọc và trả kết quả qua hệ thống. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

TPHCM diễn tập 2 tình huống khẩn cấp có bệnh nhân nhiễm nCoV

Ngày 5-2, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã tổ chức buổi diễn tập với 2 tình huống khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Một quy trình phản ứng khẩn cấp và khu vực cách ly đã được tổ chức nhằm dự phòng các tình huống tiếp nhận bệnh nhân nhiễm nCoV ở TPHCM.

Theo PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến nhanh như hiện nay, không thể chủ quan nên bệnh viện đã chuẩn bị để có thể đối phó với tình huống nhiều bệnh nhân nhiễm nCoV vào cấp cứu cùng lúc.

Tình huống diễn tập đầu tiên là khi ê kíp trực cấp cứu nhận được cuộc gọi thông báo có bệnh nhân trở về từ cuộc họp ở Quảng Châu cách đây 2 ngày, nghi nhiễm bệnh, cần cấp cứu ngoại viện.Theo quy trình, trong thời gian dưới 10 phút, đội phản ứng nhanh phải thay xong trang phục, đem đầy đủ dụng cụ lên xe cấp cứu để xuất phát.

Tình huống 1, Đội cấp cứu sau khi nhận thông tin đến đón bệnh nhân đã nhanh chóng thay đồ phòng hộ và mang vali ngoại viện. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kết quả diễn tập vượt ngoài mong đợi khi chỉ chưa đến 5 phút sau cuộc gọi báo động, xe cấp cứu đã chuyển bánh.

Tình huống thứ 2 là một bệnh nhân sốt, ho, mệt mỏi, có yếu tố dịch tễ nhập khoa cấp cứu.

Tại khu vực phân loại bệnh (triage), bệnh nhân được đưa vào buồng cách ly tạm thời, hỏi thông tin, khám. Bệnh nhân được lấy 2 mẫu chất (phết họng), kiểm tra phổi ban đầu, sau đó được vận chuyển bằng băng ca theo luồng đi quy định đến Khoa Nhiễm để cách ly. Nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ đi ngay phía sau để phun hóa chất diệt khuẩn. Lối đi quy định chủ yếu qua những hành lang vắng người.

PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, mặc dù là diễn tập nhưng mọi quy trình, vật dụng, trang thiết bị y tế đều phải được chuẩn bị đầy đủ giống như đối phó với ca nhiễm thật sự.

Có tổng cộng có 6 khoa - phòng trực tiếp tham gia quy tình, bao gồm: Khoa Cấp cứu, Khoa Nhiễm, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Khoa Hô hấp, Phòng khám A, Phòng khám B. Trường hợp có nhiều ca bệnh cần nhập viện, bệnh viện sẽ huy động thêm 2 đội phản ứng khẩn cấp, 3 đội phòng chống thảm họa và các kíp trực ứng phó từ các khoa - phòng khác. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).


Tác giả: CDC Hưng Yên
Nguồn: t5g.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?