• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành y tế Hưng Yên tăng cường kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết

Thời điểm hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội, giáp ranh tỉnh Hưng Yên. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, ngành y tế và các địa phương đã tăng cường kiểm soát các trường hợp mắc bệnh, tích cực truyền thông nâng cao ý thức, hướng dẫn người dân diệt loăng quăng, bọ gậy và chống muỗi.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 13/9/2023, toàn tỉnh đã ghi nhận 108 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó riêng địa bàn huyện Văn Giang đã có 66 ca bệnh, phần lớn là người làm việc, học tập ở Hà Nội tr về bị mắc sốt xuất huyết.

Chị Nguyễn Thị Thùy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở thôn Vĩnh Lộc, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang cho biết, tôi bị lây từ mấy người ở xóm trại, trong xóm đó có nhiều người đi chợ Hà Nội, họ đi về trong ngày nên đó có thể là nguyên nhân khiến họ mắc sốt xuất huyết.

Ngoài việc giáp ranh với địa bàn đang có diễn biến phức tạp về dịch bệnh sốt xuất huyết, có lượng dân cư di biến động lớn, một nguyên nhân nữa khiến huyện Văn Giang có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, đó là ý thức của người dân về phòng chống sốt xuất huyết còn nhiều hạn chế. Theo kết quả giám sát điểm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong tháng 8 vừa qua, chỉ số mật độ muỗi vằn tại Văn Giang vượt ngưỡng 0,5 con/nhà, cao hơn mức cảnh báo. Tỉ lệ dụng cụ chứa nước có bọ gậy, muỗi vằn trên 20%. Tại các thôn Hòa Bình Hạ hay thôn Vĩnh Lộc ở xã Tân Tiến đã xuất hiện chùm ca bệnh sốt xuất huyết.

Chị Nguyễn Thị Huế, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Tiến cho biết, tại địa phương, các ban ngành, các thôn cùng đồng hành ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các khu, hộ dân có ghi nhận ca mắc, đồng thời khuyến cáo với người dân cần nằm màn mỗi khi ngủ nghỉ, tiến hành phun thuốc khử trùng, thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy…

Bác sĩ Ngô Thị Đào Thắm, Phụ trách Khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế huyện Văn Giang cho biết, ngay khi phát hiện có các ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn từ đầu tháng 7, huyện Văn Giang đã triển khai xuống các xã, thị trấn, tổ chức đồng loạt các hoạt động, chiến dịch vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ phế thải, phun hóa chất… trên diện rộng toàn bộ 10 xã, thị trấn của huyện. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh 2 lần/ngày vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng. Đến nay đã 3 ngày liên tiếp, trên địa bàn huyện Văn Giang chưa phát sinh thêm ca mắc sốt xuất huyết mới.

Đồng thời, phối hợp với UBND các, thị trấn triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại tất cả các khu vực, các hộ gia đình. Sau đó, duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Chỉ đạo các Trạm y tế trên địa bàn thực hiện công tác chuyên môn phòng, chống bệnh SXH: Tăng cường giám sát véc tơ truyền bệnh SXH, tổ chức vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch SXH và các khu vực lân cận được phun hóa chất. Giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi/mắc SXH tại các khu vực ổ dịch để phát hiện kịp thời các ca mắc mới (thực hiện giám sát hằng ngày); lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi/mắc SXH, gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm chẩn đoán và định tuýp SXH Dengue. Triển khai quyết liệt các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Tăng cường nắm bắt, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ca bệnh, các ổ dịch sốt xuất huyết không để dịch bùng phát, lan rộng. Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ tuyến xã trong công tác giám sát, phòng chống bệnh SXH, bác sĩ Thắm cho biết thêm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng Trưởng khoa Ký sinh trùng Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Chỉ số muỗi lây bệnh, trong chuyên môn gọi là chỉ số véc tơ lây bệnh ở đây tương đối cao vì lý do môi trường chưa được xử lý tốt, chưa được vệ sinh đầy đủ, nó liên quan đến ý thức của người dân. Từ đầu tháng 8, chúng tôi đã tổ chức đi giám sát về chỉ số véc tơ gây bệnh tại 10 huyện/thị xã/thành phố. Sau khi đi giám sát về, chúng tôi đã có công văn chỉ đạo huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết trên 3 phương diện: Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; vệ sinh môi trường; nâng cao ý thức người dân không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết.

      Đến nay, tỉnh Hưng Yên chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. Tuy vậy, trong giai đoạn thời tiết giao mùa, nóng ẩm như hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, kéo theo nguy cơ bệnh sốt xuất huyết có khả năng phát triển thành dịch. Việc nâng cao ý thức, phát huy tính chủ động, tích cực của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy, chống muỗi vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?