Ung thư cổ tử cung dễ 'tấn công' ai?
Ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh phổ biến gây tử vong cho nhiều phụ nữ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Một số phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn vì suy giảm hệ thống miễn dịch.
1. Những yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển ung thư cổ tử cung, trong đó nhiễm virus u nhú ở người (HPV) là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất.
Mặc dù là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho phụ nữ nhưng ung thư cổ tử cung là bệnh có thể có kết quả điều trị rất tốt nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Vì vậy, việc phòng và phát hiện sớm rất quan trọng, giúp tăng tỷ lệ sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
HPV là từ viết tắt của Human Papilloma Virus. Đây là loại virus gây u nhú ở người, lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay và là yếu tố có liên quan đến 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
HPV không chỉ là một chủng virus mà nó có hơn 100 chủng khác nhau nhưng không phải tất cả trong số đó đều gây bệnh nghiêm trọng. Một số chủng virus chỉ gây ra mụn ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Một số chủng nguy hiểm có thể xâm nhập và gây bệnh ở bên trong cơ quan sinh dục và trở thành nguyên nhân gây nên các loại ung thư ở cổ tử cung, hậu môn và các bộ phận sinh dục khác.
HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, đặc biệt là lây lan là thông qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn, thậm chí cả đường miệng.
Phần lớn mọi người bị nhiễm đều không có bất kỳ dấu hiệu nào. HPV có thể tự biến mất nhưng có một tỷ lệ nhỏ trong số đó sẽ là nguyên nhân gây ung thư. Nhiễm HPV dai dẳng là nguyên nhân tổn thương tiền ung thư hay ung thư.
2. Mối liên quan giữa ung thư cổ tử cung và HIV
Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn nhiều lần so với phụ nữ không nhiễm HIV và tổn thương tiền ung thư có thể phát triển thành ung thư xâm lấn nhanh hơn bình thường. Vậy nguyên nhân vì sao phụ nữ nhiễm HIV lại dễ mắc ung thư cổ tử cung?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 6 lần so với phụ nữ không nhiễm HIV. Nguy cơ cao hơn này được biểu hiện trong suốt cuộc đời, bắt đầu bằng việc tăng nguy cơ nhiễm virus HPV, tiến triển thành ung thư nhanh hơn và tỷ lệ tái phát cao hơn sau điều trị.
Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 5% tổng số ca ung thư cổ tử cung là do HIV. Tuy nhiên, những số liệu thống kê này rất khác nhau tùy theo khu vực trên thế giới. 85% phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và HIV sống ở khu vực châu Phi cận Sahara. Tiêm vaccine HPV, sàng lọc và điều trị tiền ung thư cổ tử cung và ung thư, vốn rất quan trọng để ngăn ngừa và kiểm soát ung thư cổ tử cung, vẫn chưa được mở rộng quy mô đã góp phần tạo ra gánh nặng toàn cầu của ung thư cổ tử cung liên quan đến HIV lớn hơn.
Theo BSCKI. Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), bệnh AIDS làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến chúng ta có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn.
Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, chlamydia, đặc biệt là HIV/AIDS… cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
Trong cơ thể con người, hệ thống miễn dịch rất quan trọng trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển, lây lan. Ở phụ nữ nhiễm HIV, tiền ung thư cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư xâm lấn nhanh hơn bình thường. Nếu phụ nữ bị nhiễm virus HPV, họ có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp đôi.
3. Phòng ngừa ung thư cổ tử cung ở phụ nữ nhiễm HIV
Theo WHO, hiện tại chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn trong việc mở rộng điều trị HIV cho tất cả những ai cần điều trị. Bây giờ cần đảm bảo rằng cuộc sống của những phụ nữ nhiễm HIV không bị ảnh hưởng bởi ung thư cổ tử cung, một căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua tiêm chủng, sàng lọc và điều trị.
Do đó, nếu bạn sống chung với HIV, cách tốt nhất để ngăn ngừa virus HPV là tiêm vaccine. Vaccine này an toàn và hiệu quả giúp bảo vệ phụ nữ chống lại một số bệnh bao gồm cả ung thư cổ tử cung.
Vaccine phòng HPV hoạt động tốt nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với HPV. Vì vậy, WHO khuyến cáo nên tiêm phòng cho các bé gái từ 9-14 tuổi, khi hầu hết chưa bắt đầu hoạt động tình dục. Cần tiêm đầy đủ 3 mũi theo đúng lịch để đảm bảo hiệu lực của vaccine.
Ngoài ra, phụ nữ nên tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên để phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư khi nó có khả năng điều trị và chữa khỏi cao hơn. Những thay đổi tiền ung thư có thể được phát hiện bằng xét nghiệm và được điều trị để ngăn ngừa ung thư phát triển.
Thu Phương