• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ

Trong nhữn ngày gần đây, số bệnh nhân đến các cơ sở y tế thăm khám do đau mắt đỏ gia tăng, không ít ca bệnh bị biến chứng do chủ quan hoặc tự điều trị không đúng cách.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt Hưng Yên, trong tháng 8/2023, bệnh viện tiếp nhận gần 1.300 bệnh nhân đến khám và điều trị vì đau mắt đỏ và các biến chứng do bệnh gây ra. Bệnh nhân gồm nhiều lứa tuổi, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm trên 20%. Số ca biến chứng nặng phải nhập viện điều trị là 120 người (chiếm gần 10%). Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê được tại bệnh viện, còn trên thực tế, số người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể cao hơn rất nhiều khi tự chữa hoặc đến điều trị tại một số phòng khám tư nhân. Phần lớn bệnh nhân đến bệnh viện có các triệu chứng là đỏ mắt, đổ ghèn, chảy nước mắt... Nhiều người bị biến chứng do không điều trị đúng cách khiến quá trình điều trị kéo dài và phức tạp hơn.

Anh Nguyễn Hồng Hải ở xã Đồng Thanh (Kim Động) bị đau mắt đỏ, nghĩ bệnh đơn giản, anh tự mua thuốc về nhỏ. Nhưng sau 5 ngày điều trị không thấy khỏi, mà ngày càng nặng, mắt đỏ nhiều, đau rát. Anh đến khám tại Bệnh viện Mắt Hưng Yên và được bác sĩ chẩn đoán viêm giác mạc.

Gia đình chị Trần Lan Hương ở phường Lê Hồng Phong (thành phố Hưng Yên) có 3 thành viên, đều bị bệnh đau mắt đỏ. Chị Hương cho biết, con gái tôi 5 tuổi đi học mầm non bị lây từ bạn học, sau đó lần lượt bố, mẹ đều bị lây bệnh từ bé. Cả nhà phải đi đến Bệnh viện Mắt Hưng Yên khám và được bác sĩ chẩn đoán bị biến chứng viêm kết mạc cấp. 

Bác sĩ Phạm Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Khám bệnh cấp cứu - Cận lâm sàng, Bệnh viện Mắt Hưng Yên cho biết: Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc vi-rút gây ra. Đau mắt đỏ thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Năm nay, số ca bệnh đau mắt đỏ gia tăng và lây lan nhanh chủ yếu do vi-rút adeno thuộc chủng type 8,19, 39. Đau mắt đỏ do vi-rút này dễ lây lan hơn các dạng viêm kết mạc khác, nguyên nhân chủ yếu là do vi-rút adeno có khả năng tồn tại trong môi trường rất lâu, dễ lây lan ở những nơi có tiếp xúc gần như trường học, bệnh viện, công ty,... Thông thường, vi-rút lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh hoặc khi người bệnh ho và hắt hơi. Ngoài ra, việc sử dụng chung nguồn nước, vật dụng dễ gặp tại nhà hay ngoài cộng đồng như: Đồ chơi, tay nắm cửa, bồn rửa tay… làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. 

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp ở những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Bệnh thường khởi phát 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều r (có thể r trắng, tiết tố dính nếu bệnh do vi-rút, hoặc có thể r xanh – vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt… Đau mắt đỏ thường không quá nghiêm trọng, khi vệ sinh, chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh diễn biến 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị, để bệnh kéo dài, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, hoặc viêm giác mạc chấm gây giảm thị lực.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo: Bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên việc chữa trị chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp bệnh nhân nhanh khỏi, giảm bớt triệu chứng khó chịu, cộm rát, giảm tỷ lệ biến chứng... Để tránh các biến chứng do bệnh gây ra, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt, không tự ý mua thuốc về tra, nhỏ, nhất là các thuốc chứa corticoid. Không dùng thuốc của người khác để tra, nhỏ cho mình; không tự đắp lá hoặc những bài thuốc dân gian vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm. Cùng với đó, tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn…

Để chủ động phòng bệnh, ngành y tế khuyến cáo: Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Bên cạnh đó, vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở khám mắt để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Đặc biệt, hiện tại thời tiết đã lập thu, song nhiệt độ vẫn ở mức cao (25 – 33 độ C), mưa nhiều, độ ẩm cao (thường xuyên trên 80%) tạo điều kiện cho sự phát triển của vi-rút adeno. Cùng với đó, khi học sinh quay trở lại trường học từ đầu tháng 9 làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Vì vậy, các nhà trường, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh và giáo viên, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh lớp học, đồ dùng học tập, đồ chơi và giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, đa dạng thực phẩm bữa ăn và chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm tăng cường sức đề kháng của trẻ…


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?