• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưng Yên triển khai nhiều biện pháp phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch AIDS

Theo số liệu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, tính đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh hiện có 1.940 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 1.035 người nhiễm HIV/AIDS còn sống; 100% số huyện, thị xã, thành phố và 96,9% số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV; tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-39, chiếm 67%. nguyên nhân nhiễm HIV chủ yếu do tiêm chích ma túy, lây nhiễm qua đường tình dục có chiều hướng gia tăng…

 

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong những năm qua, tỉnh ta đã triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến điều trị, mở rộng độ bao phủ và cung cấp các dịch vụ phòng, chống lây nhiễm HIV có chất lượng. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS như huy động nguồn tài chính từ quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách địa phương thông qua đề án bảo đảm tài chính về phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, trong thời gian qua, mặc dù phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn nỗ lực không ngừng để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị ARV, thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho bệnh nhân, bảo đảm không làm gián đoạn thuốc của bệnh nhân, đến nay có hơn 670 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV. Tính đến hết quý III năm 2022, tỷ lệ bệnh nhân đang điều trị bằng ARV có thẻ bảo hiểm y tế đạt 98,5%, số còn lại là những trường hợp trong trại tạm giam, trại cai nghiện. Gần 650 bệnh nhân đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh và một số Trung tâm y tế tuyến huyện.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) đã tập trung chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông lưu động phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức 20 buổi truyền thông trực tiếp cho hơn 3.000 người dân tại 20 địa bàn xã, phường, thị trấn; Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2022 (1/6-30/6), tổ chức 13 buổi truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại cộng đồng cho gần 2.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 49 tại 13 xã, phường, thị trấn trong tỉnh…

Công tác tư vấn, giám sát, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV. Các địa phương, đơn vị tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS như: Cấp phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn, phát bao cao su, tài liệu truyền thông, xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao... Chị H.T.V.A ở huyện Văn Lâm cho biết: Khi được các bác sỹ tư vấn và tham gia điều trị bằng ARV, tôi thấy sức khỏe được cải thiện hơn. Hiện tại, tôi đã không còn tự ti, mặc cảm nữa mà còn tham gia lao động, sản xuất để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm chia sẻ: Việc điều trị bằng thuốc ARV có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi rút HIV. Đây là một giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ, cải thiện sức khỏe, kéo dài sự sống của người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV đều có các dấu hiệu chứng tỏ đáp ứng tốt như: Sức khỏe được cải thiện, tăng cân, thèm ăn trở lại và ăn ngon miệng hơn, tâm lý tốt hơn, người bệnh có nhiều sức hơn để thực hiện các hoạt động hằng ngày; các bệnh nhiễm trùng cơ hội có từ trước được cải thiện, giảm tần suất mắc và mức độ nặng của bệnh nhiễm trùng cơ hội và đặc biệt là giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác...

Bà Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: Thời gian tới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện Chỉ thị số số 07-CT/TW, ngày 6.7.2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Cùng với đó là đổi mới phương pháp và hình thức tuyên tuyền sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào nhóm tuổi trẻ để nâng cao nhận thức của người dân và các nhóm người có hành vi nguy cơ cao nhằm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Phát huy vai trò và các nguồn lực sẵn có để thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS; người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận sớm với xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV sớm được điều trị bằng thuốc kháng vi rút  và điều trị các bệnh đồng nhiễm HIV/Lao, HIV/Viêm gan C…


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?