• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu hiệu cho biết bạn đã mắc viêm phổi và cách xử trí

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc cả hai bên phổi, do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Mùa hè nắng nóng nên mọi người thích ăn, uống nước lạnh cùng với việc sử dụng điều hòa quá lạnh, nhiều giờ liên tục có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi ở người già và trẻ nhỏ.

Viêm phổi có thể nhẹ hoặc nặng đến mức gây suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Đây là một bệnh phổ biến trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khoảng 450 triệu người mỗi năm và cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Tỷ lệ tử vong cao nhất là ở trẻ em (dưới 5 tuổi) và người lớn tuổi (trên 75 tuổi). Vì vậy, việc phát hiện sớm viêm phổi là vô cùng quan trọng.

Biểu hiện của viêm phổi

Viêm phổi thường xảy ra ở một thùy phổi, nhưng có thể gây tổn thương nhiều thùy khi vi khuẩn lây lan theo đường phế quản. Tình trạng viêm có thể lan đến màng phổi, màng tim.

Viêm phổi có thể gây bệnh nhẹ hoặc nặng tùy vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Bệnh nặng thường xảy ra ở người lớn tuổi, trẻ em, người bị ức chế hoặc suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền kèm theo.

4 dấu hiệu cho biết bạn đã mắc viêm phổi và cách xử trí - Ảnh 1.

Đa số người bệnh viêm phổi có biểu hiện ho, đây là triệu chứng xuất hiện sớm.

Bệnh viêm phổi có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ, các biểu hiện đặc trưng là:

– Ho: Đa số người bệnh viêm phổi có biểu hiện ho, đây là triệu chứng xuất hiện sớm. Có thể ho thành cơn hoặc ho thúng thắng nhưng thông thường là ho có đờm, một số trường hợp ho khan.

Tuy nhiên ở một vài trường hợp điển hình đờm có màu rỉ sắt, các trường hợp khác đờm có màu vàng hoặc màu xanh, đôi khi khạc đờm như mủ và đặc trưng là đờm có thể có mùi hôi, thối.

- Sốt: Đa số khi viêm phổi người bệnh sẽ có biểu hiện sốt. Có thể sốt thành cơn hay sốt liên tục cả ngày, kèm theo rét run hoặc không. Nhiệt độ có thể lên tới 40-41độ C, có những trường hợp chỉ sốt nhẹ 38-38,5 độ C.

Những trường hợp này thường xảy ra ở những bệnh nhân có sức đề kháng giảm nhiều như: suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, có các bệnh mạn tính kèm theo. Tuy nhiên, cá biệt những trường hợp bệnh nhân sức đề kháng suy giảm như người già, trẻ nhỏ có thể không sốt mà biểu hiện bằng tình trạng hạ thân nhiệt.

- Khó thở: Tình trạng viêm phổi có thể sẽ gây khó thở, ở trẻ nhỏ sẽ thấy tình trạng co rút lồng ngực. Cũng có trường hợp viêm phổi nhẹ không có khó thở, những trường hợp nặng bệnh nhân thở nhanh nông, có thể có co kéo cơ hô hấp. Lý do khó thở là do viêm phổi khiến các chất nhầy ở túi khí trong phổi tăng lên, dẫn đến suy giảm lượng oxy cung cấp cho máu. Đây chính là nguyên nhân tại sao viêm phổi lại khó thở.

- Đau ngực: Khi người bệnh mắc viêm phổi sẽ có biểu hiện đau tức ngực vùng tổn thương. Đây là tình trạng khi phổi bị viêm nhiễm, người bệnh ho nhiều nên khiến tình trạng đau tức ngực xảy ra. Cũng có thể người bệnh đau tức ngực ít hoặc nhiều, có trường hợp đau rất dữ dội.

‎- Môi khô, da nóng đỏ… dấu hiệu viêm phổi nặng. Đối với trường hợp viêm phổi nếu người bệnh có thể ho nhẹ nhưng môi khô, da nóng đỏ là biểu hiện nặng. Da nóng, đỏ thường thấy ở những bệnh nhân viêm phổi có sốt cao nhưng khó nhận biết, nhất là người già. Nếu xuất hiện dấu hiệu tím môi, đầu chi, chứng tỏ đã có suy hô hấp.

4 dấu hiệu cho biết bạn đã mắc viêm phổi và cách xử trí - Ảnh 2.

Khi có dấu hiệu viêm phổi cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

‎Một số trường hợp có ban xuất huyết trên da; lưỡi bẩn, hơi thở hôi. bệnh nhân thường mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn; có thể có đau đầu, đau mỏi người ở những trường hợp viêm phổi do virus, vi khuẩn M. pneumoniae…

Trường hợp nặng hoặc những trường hợp viêm phổi ở trẻ em có thể có thể có rối loạn ý thức.

Để xác định viêm phổi, ngoài các biểu hiện lâm sàng trên các bác sĩ sẽ khám và chỉ định làm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và đánh giá mức độ nặng của bệnh. Trong đó thường chỉ định chụp Xquang phổi để xác định và đánh giá tổn thương phổi. Xét nghiệm máu và đờm để đếm số lượng bạch cầu, định lượng các yếu tố chỉ thị viêm. Ngoài ra máu và đờm còn được lấy để cấy tìm những căn nguyên gây bệnh.

Cần làm gì khi bị viêm phổi?

Viêm phổi là bệnh nguy hiểm có thể suy hô hấp và tử vong nên không thể tự chữa. Khi có dấu hiệu viêm phổi cần phải đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tùy vào mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị.

Đối với trường hợp viêm phổi nhẹ có thể điều trị ngoại trú, trong khi các trường hợp viêm phổi trung bình đến nặng cần nằm viện.

Nếu viêm phổi do nguyên nhân virus thì việc điều trị triệu chứng là chính như hạ sốt, giảm đau kèm theo thuốc kháng virus. Viêm phổi virus thường có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn, sẽ được chỉ định dùng kháng sinh.

Trong trường hợp viêm phổi nặng có thể cần phải thở oxy, thông khí nhân tạo, đồng thời điều trị các biến chứng nếu có.

Thời gian hồi phục của bệnh tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các trường hợp nhẹ có thể khỏi bệnh sau một tuần, trong khi các trường hợp nặng cần cả tháng hoặc lâu hơn để có thể hồi phục hoàn toàn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi bị viêm phổi cần phải được điều trị đúng để không làm bệnh nặng thêm. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về chế độ thuốc men và nghỉ ngơi.

Để mau chóng hồi phục người bệnh cần nghỉ ngơi, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước để giúp đờm trong họng được loãng và sẽ dễ dàng hơn khi khạc đờm.

Người bệnh cần nhớ rửa tay xà phòng sau khi sờ vào mũi miệng, trước khi ăn, sau khi ho hắt hơi. Và để hạn chế lan truyền tác nhân gây bệnh cho mọi người xung quanh nếu ho, hắt hơi che miệng vào khăn giấy hoặc vào mặt trong cánh tay, ống tay áo.

Để phòng ngừa viêm phổi cần có một lối sống lành mạnh, tập luyện nâng cao thể lực, không hút thuốc lá, tránh xa rượu bia.

Nếu thuộc nhóm đối tượng có mắc các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, suy tim, tiểu đường… cần theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh. Ngoài ra một biện pháp phòng ngừa viêm phổi là nên tiêm vaccine phòng phế cầu và phòng cúm.

BS. Nguyễn Đức Linh


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?