• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng và năng suất lao động. Do vậy, việc thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng môi trường lao động an toàn, bảo đảm cho người lao động được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách về chăm sóc sức khoẻ là biện pháp quan trọng để doanh nghiệp duy trì sản xuất, phát triển bền vững.  

 

/upload/1000878/20230602/grabe45e4boi_20230524201908.jpg

Tư vấn sức khoẻ cho người lao động tại Lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động huyện Văn Lâm năm 2023

Làm việc tại Công ty TNHH HAMADEN Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long II) được hơn 10 năm, chị Phạm Thị Hà, công nhân công ty cho biết: Là công nhân ở bộ phận sản xuất, tôi được công ty trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Nhờ vậy, tôi có sức khỏe để tham gia sản xuất và yên tâm gắn bó với công ty. 

Nhằm chăm sóc sức khỏe cho người lao động, năm nay tại lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Liên đoàn Lao động huyện Văn Lâm đã phối hợp với Công ty TNHH MEDLATEC Hưng Yên tổ chức ngày hội chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người lao động.  

Anh Hà Văn Tiến, Công ty TNHH Thương mại và công nghiệp Mỹ Việt (Văn Lâm) cho biết: Sức khỏe là vốn quý của con người. Được quan tâm chăm lo sức khỏe sẽ giúp chúng tôi làm việc hiệu quả, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 

Ở tỉnh, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động. Nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, hằng năm, Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Sở Y tế và các ngành chức năng phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho người sử dụng lao động và người lao động về quản lý an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp… 

Qua kiểm tra thực tế của các đoàn liên ngành của tỉnh cho thấy, những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường làm việc, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp cho người lao động như: Công ty Điện lực Hưng Yên, Chi nhánh Công ty TNHH ống thép Hòa Phát, Công ty TNHH bao bì Việt Hưng, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Thái Dương, Công ty cổ phần thép Việt - Ý, Công ty cổ phần liên doanh Alpec, Công ty TNHH Shinjo Việt Nam...  

Hằng năm, số lượng các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và số người lao động được khám sức khỏe định kỳ đều tăng lên. Năm 2022, qua thống kê báo cáo tại 235 doanh nghiệp, đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 150.452 lao động, trong đó sức khỏe loại I là 121.610 người, loại II là 19.251 người, loại III là 7.016 người, loại IV là 2.575 người, không phát hiện người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Sau khi có kết quả khám, phân loại sức khỏe người lao động, các đơn vị đã tổ chức rà soát, phân công, bố trí người lao động có sức khỏe yếu làm các công việc phù hợp.  

Cùng với đó, điều kiện lao động của người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cải thiện. Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, hầu hết các đơn vị đều trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định. Trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc đo, kiểm tra môi trường lao động được thực hiện để thu thập, phân tính, đánh giá các yếu tố môi trường trong lao động tại nơi làm việc, làm căn cứ đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Kết quả đo, kiểm tra môi trường lao động tại một số đơn vị sản xuất cho thấy: Tiêu chuẩn hơi khí độc, bụi, ánh sáng đạt tiêu chuẩn cho phép...  

          Việc chăm sóc sức khỏe người lao động ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; đo, kiểm tra môi trường lao động... 

Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh, an toàn lao động; hướng dẫn, tập huấn cho người sử dụng lao động và người lao động thực hiện các công tác vệ sinh, an toàn lao động, cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng bệnh nghề nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, chính sách chăm sóc sức khỏe đối với người lao động. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ; hướng dẫn phòng, tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động… Mỗi người lao động cần có kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp…


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?