• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo chảy máu não do tự ý bỏ thuốc huyết áp

Với những người mắc bệnh lý tăng huyết áp, cần duy trì thuốc đều đặn hàng ngày, không tự ý bỏ thuốc. Nếu tăng huyết áp không được kiểm soát có nguy cơ cao gây rối loạn mỡ máu, xơ vữa, thoái hóa vi thể thành mạch,... tăng áp lực lên thành mạch vốn đã yếu gây vỡ mạch, chảy máu não.

Chảy máu não có thể gây tử vong, hoặc di chứng liệt vận động nặng nề cho người bệnh.

Nhiều ca nhập viện vì chảy máu não do tăng huyết áp

Thời gian gần đây, tình trạng người bệnh bị chảy máu não nhập viện tăng cao tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Ghi nhận thực tế, tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, liên tiếp nhận rất nhiều trường hợp người bệnh có tình trạng xuất huyết não. Đặc biệt, tình trạng này xảy ra ở những người trẻ tuổi (từ 35 - 50 tuổi). Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh có bệnh lý tăng huyết áp nhưng không duy trì thuốc hằng ngày và có uống rượu nhiều.

Điển hình, người bệnh Q.T. (38 tuổi, trú tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) được người nhà đưa tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy trong tình trạng nửa người trái yếu không tự vận động được, run tay chân, nói khó.

Qua thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh có tình trạng chảy máu não, tăng huyết áp. Được biết, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp cần dùng thuốc đều hằng ngày nhưng thời gian gần đây, người bệnh tự ý bỏ thuốc và thường xuyên uống rượu.

Người bệnh V.N. (46 tuổi, trú tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) cũng được người nhà đưa tới Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy trong tình trạng tê bì, yếu nửa người trái, nói khó. Qua thăm khám, người bệnh được chẩn đoán chảy máu não, tăng huyết áp.

Cũng giống như người bệnh Q.T., người bệnh V.N. có tiền sử tăng huyết áp nhưng đã tự ý bỏ thuốc, không dùng thuốc thường xuyên.

Cảnh báo chảy máu não do tự ý bỏ thuốc huyết áp- Ảnh 1.

Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và chảy máu não

Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý mãn tính phổ biến nhất hiện nay. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Trong đó, chảy máu não chính là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất. Chảy máu não có thể gây tử vong, hoặc di chứng liệt vận động nặng nề cho người bệnh.

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành các mạch máu trong cơ thể. Tăng huyết áp làm gia tăng áp lực lên thành mạch. Vì vậy khiến cho mạch máu dễ bị vỡ ra và xuất huyết. Đặc biệt là các mạch máu bị dị dạng hay xơ vữa từ trước đó, thành của chúng càng yếu và dễ vỡ hơn.

Chảy máu não hay còn gọi là xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu não bị vỡ hoặc tăng tính thấm. Điều này khiến cho máu thoát khỏi lòng mạch và chảy vào các nhu mô não. Và khi máu chảy vào các khoang trong não, nó sẽ làm tăng áp lực nội sọ đột ngột. Hội chứng này có thể gây tổn thương những tế bào não xung quanh khối máu tụ. Đồng thời, lượng máu chảy càng nhanh, tăng áp lực càng đột ngột thì nguy cơ bị mất ý thức hoặc tử vong càng cao. Theo thống kê, khoảng 10 – 15 % các ca đột quỵ xảy ra do xuất huyết não.

Dấu hiệu nhận biết chảy máu não

Thông thường, chảy máu não khởi phát rất đột ngột và dữ dội. Nó thường xảy ra sau một cơn tăng huyết áp. Các nguyên nhân tăng huyết áp đột ngột có thể là do gắng sức về tâm lý và thể lực. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp bị xuất huyết não khi nghỉ ngơi, đang ngủ hoặc trong lúc sinh hoạt bình thường.

Một số dấu hiệu để nhận biết bệnh như:

  • Đột ngột đau đầu dữ dội, yếu chân tay và ngã chúi xuống hoặc bị tê liệt một cánh tay, một bên chân.
  • Đột ngột khó nói, méo miệng, méo mặt, khó nuốt, nuốt dễ bị sặc và không nhai được.
  • Suy giảm trí nhớ nhanh chóng, hay quên hoặc quên mọi thứ hoàn toàn một cách nhanh chóng,…
  • Đột ngột giảm tri giác, hôn mê hoặc ngất.

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu trên cần đưa bệnh nhân tới các trung tâm cấp cứu đột quỵ gần nhất. Vì thời gian kéo dài càng lâu, các tế bào não càng bị tổn thương nhiều và khó hồi phục.

Ngoài ra, điều trị tăng huyết áp trong chảy máu não cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi kiểm soát huyết áp sẽ giúp kiểm soát vùng xuất huyết lan rộng.

Tóm lại: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính của chảy máu não. Vì vậy, người bệnh tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của các bác sĩ để kiểm soát huyết áp, không tự ý bỏ thuốc, đổi thuốc,.. sẽ nguy hiểm đến sức khỏe. Ngoài ra cần có lối sống lành mạnh để giúp giảm nguy cơ đột quỵ chảy máu não. Khi có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

BS Nguyễn Văn Thế


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?