Cách chữa tiểu buốt ở phụ nữ
Đa phần các trường hợp tiểu buốt ở phụ nữ xuất phát từ một số bệnh lý như: viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, viêm nội mạc tử cung, viêm âm đạo… Ngoài ra, mắc bệnh lậu, phụ nữ đang mang thai cũng hay bị tiểu buốt.
Nguyên nhân gây tiểu buốt ở phụ nữ
Tiểu buốt ở phụ nữ do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân sau:
Do nguyên nhân sinh lý
Chứng tiểu buốt ở phụ nữ chưa hẳn là dấu hiệu bệnh lý mà nó còn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như:
- Thói quen vệ sinh chưa đúng
Do cấu trúc phức tạp của cơ quan sinh dục khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập, kèm theo thói quen không vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, đặc biệt là trong những ngày hành kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục. Mặc quần lót quá chật hay băng vệ sinh không sạch sẽ.
- Quan hệ tình dục không an toàn
Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, bừa bãi, thô bạo có thể sẽ gây nhiễm trùng, tổn thương ở bộ phận sinh dục. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ra các bệnh lý như viêm bàng quang, viêm niệu đạo.
- Do dị ứng với các chất tẩy rửa, dung dịch vệ sinh, nước xả vải, giấy vệ sinh… làm cho âm đạo tổn thương dẫn đến tiểu rắt, tiểu buốt.
- Do thói quen nhịn tiểu hoặc thụt rửa âm đạo sâu, làm mất cân bằng môi trường âm đạo.
Do nguyên nhân bệnh lý
Đa phần các trường hợp tiểu buốt ở phụ nữ xuất phát từ một số bệnh lý như: Viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, viêm nội mạc tử cung, viêm âm đạo… Ngoài ra, bệnh lậu, phụ nữ đang mang thai cũng hay gây ra tình trạng tiểu buốt.
Chẩn đoán xác định tiểu buốt
Khi có biểu hiện tiểu buốt như: Khi đi tiểu cảm thấy nóng rát, ngứa ngáy khó chịu, đi tiểu nhiều lần hơn bình thường, mỗi lần đi tiểu lại cảm thấy đau hơn, nước tiểu đục, có mùi hôi và khi tiểu thấy buốt, tiểu ra máu… người bệnh nên đến gặp bác sĩ ngay để được khám và điều trị kịp thời.
Sau khi khám các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để đánh giá các chỉ số viêm của cơ thể. Trong trường hợp sốt cao kéo dài, có thể cấy máu để tìm chính xác chủng vi khuẩn. Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá tình trạng viêm nhiễm và hồng cầu trong nước tiểu. Xét nghiệm dịch âm đạo hoặc dịch niệu đạo để định hướng nguyên nhân gây viêm là vi khuẩn, nấm hay trùng roi. Xét nghiệm này chỉ được bác sĩ chỉ định khi nghi ngờ.
Cấy nước tiểu để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh
Những người có nguy cơ bị tiểu buốt
Tuy tiểu buốt có thể gặp ở mọi độ tuổi, nhưng ở một số đối tượng sau sẽ có nguy cơ mắc phải tình trạng tiểu buốt cao hơn: Phụ nữ mang thai, người mắc bệnh đái tháo đường, sỏi thận… Người mắc các bệnh lý bàng quang như viêm bàng quang, bàng quang tăng hoạt, bàng quang thần kinh, ung thư bàng quang; Người cao tuổi… cũng dễ mắc tiểu buốt.
Điều trị tiểu buốt ở phụ nữ
Khi có hiện tượng tiểu buốt, chị em cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị kịp thời hiệu quả. Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nhằm khắc phục tình trạng này.
Ngoài việc sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ các chị em nên áp dụng những biện pháp sau:
- Uống nhiều nước và thường xuyên uống nước râu ngô.
- Lấy bông mã đề, râu ngô, rễ cỏ tranh, xả, đậu đen rửa sạch, phơi khô rồi sắc lấy nước uống 1 ngày 3 lần.
- Uống kim tiền thảo và kim ngân hoa.
- Rửa sạch, phơi khô các loại cây như rau má, râu ngô, cam thảo, rễ cỏ tranh và bồ công anh rồi sắc lấy nước uống 2 – 3 lần/ngày.
Để nhanh khỏi và phòng tái phát, người bệnh cần chú ý một số vấn đề như sau:
- Chú ý vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ để không bị vi khuẩn và các loại ký sinh trùng tấn công gây viêm nhiễm.
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh lây qua đường tình dục gây nên hiện tượng tiểu buốt.
- Không nên nhịn tiểu quá lâu.
- Cần điều trị bệnh triệt để ngay từ lần đầu tiên để tránh bệnh có cơ hội tái phát lại lần hai.
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp theo chỉ định của bác sĩ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả như:
- Uống nhiều nước lọc, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi.
- Không mặc đồ lót quá chật, giữ vùng kín luôn khô thoáng.
- Nói không với các chất kích thích như bia rượu.
- Có chế độ ăn uống khoa học, giàu chất dinh dưỡng.
BS Nguyễn Ngọc Bích