• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến chứng tăng huyết áp ở người cao tuổi và cách phòng tránh

Người cao tuổi đang sinh sống tại TPHCM mắc nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó đứng đầu là tăng huyết áp - đây là số liệu mới nhất Sở Y tế TP.HCM vừa công bố. Khi mắc căn bệnh này, người cao tuổi phải đối diện với nguy cơ gì, làm sao để hạn chế hệ lụy?

Nguyên nhân tăng huyết áp ở người cao tuổi

Ðến 90% các trường hợp tăng huyết áp chưa biết rõ nguyên nhân, một số yếu tố ảnh hưởng như:

- Yếu tố gia đình: Tăng huyết áp có tính di truyền, có cha mẹ, anh em ruột tăng huyết áp.

- Yếu tố giới tính: Nam giới dễ tăng huyết áp hơn phụ nữ. Tuy vậy, phụ nữ sau khi mãn kinh cũng dễ tăng áp huyết hơn lúc còn kinh.

- Yếu tố tuổi tác: Tăng huyết áp dễ xảy ra sau tuổi 35 tuy nhiên ngày nay thì tỷ lệ người mắc bệnh này cũng trẻ hóa.

- Yếu tố dư cân béo phì: Khi thừa cân béo phì sẽ dễ mắc tăng huyết áp hơn so với người khác.

- Yếu tố mắc bệnh tiểu đường: Tiểu đường và tăng áp huyết như đôi bạn thân, hay đi đôi với nhau, lại cùng nhau phá hoại tim và thận mạnh hơn.

- Uống rượu nhiều: Các khảo cứu cho thấy uống rượu nhiều và thường xuyên có thể đưa đến tăng áp huyết, đồng thời cũng làm tăng tỷ lệ bị tai biến mạch máu não và bệnh thận.

- Ít vận động: Ðời sống thiếu vận động dễ gây béo phì, có thể dẫn đến tăng huyết áp.

Người cao tuổi bị tăng huyết áp đối diện với nguy cơ gì, làm sao để hạn chế hệ lụy? - Ảnh 2.

Người bệnh cần theo dõi huyết áp hàng ngày để phòng các biến chứng nguy hiểm.

Những hệ lụy của tăng huyết áp ở người cao tuổi

Người cao tuổi thường có những thay đổi lớn về mặt sinh lý: suy giảm miễn dịch, giảm các hormone nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn chức năng tuyến tụy nội tiết, trọng lượng và thể tích não giảm dần theo sự tăng lên của tuổi tác. Trong đó, tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi.

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính được hiểu là khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Đối với người cao tuổi, bệnh nhân được xác định mắc bệnh tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp tâm trương (hay huyết áp tối thiểu) ≥ 90 mmHg và/ hoặc huyết áp tâm thu (hay huyết áp tối đa) ≥140mmHg.

Tăng huyết áp được ví như "kẻ giết người thầm lặng" vì những biến chứng của nó thường diễn ra âm thầm, kéo dài. Người cao tuổi sức khỏe suy giảm, huyết áp cao, khó kiểm soát, nhạy cảm với các yếu tố môi trường và tâm lý, chính vì vậy tăng huyết áp ở người cao tuổi gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

- Suy tim là biến chứng đầu tiên, có đến 90% bệnh nhân suy tim với nguyên nhân là tăng huyết áp. Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm bởi nó diễn ra thầm lặng trong thời gian dài, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

- Đột quỵ: Bao gồm đột quỵ não và đột quỵ tim.

Đột quỵ não xảy ra khi một mạch máu trong não bị tắc (gọi là nhồi máu não) hoặc bị vỡ (gọi là xuất huyết não) gây ra các tổn thương não nghiêm trọng, để lại nhiều di chứng, một số trường hợp có thể gây tử vong.

Đột quỵ tim hay nhồi máu cơ tim, xảy ra khi một hay nhiều nhánh động mạch cấp máu cho tim (còn gọi là mạch vành) bị tắc, gây hoại tử cơ tim, tỷ lệ tử vong trước khi đến viện khoảng 17%.

- Tăng huyết áp ở người già có thể gây ra suy thận do màng lọc của tế bào thận bị hỏng dẫn đến tình trạng đi tiểu ra protein.

- Mạch máu võng mạc bị tổn thương, xuất huyết võng mạc, thị lực suy giảm thậm chí là mù lòa.

- Tiểu đường và tăng huyết áp thường đi kèm với nhau, chính vì vậy người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh tiểu đường nếu có.

Người cao tuổi bị tăng huyết áp đối diện với nguy cơ gì, làm sao để hạn chế hệ lụy? - Ảnh 3.

Tập thể dục, đi bộ, vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.

Phòng ngừa các biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Để cải thiện chất lượng sống cũng như duy trì tuổi thọ dài lâu, việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh tăng huyết áp là điều rất cần thiết, nhằm tránh biến chứng tàn phế và các biến chứng khác. "Hãy nhớ chỉ số huyết áp như nhớ số tuổi của mình". 

Khi đã được chẩn đoán là mắc bệnh tăng huyết áp, việc theo dõi, điều trị, kiểm soát huyết áp nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm là rất quan trọng. Vào mùa đông, nhiệt độ giảm đột ngột là nguy cơ huyết áp tăng, người cao tuổi cần chú ý không tập thể dục vào sáng sớm và thay đổi thói quen sinh hoạt.

Cụ thể:

- Cần có chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn, hạn chế các thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mỳ ăn liền, xúc xích, thịt hun khói... Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; Đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày; Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo bão hòa (bơ, mỡ động vật...), lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ; Không ăn phủ tạng động vật…

- Cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ, vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.

- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh hoặc những kích thích đột ngột.

- Cần uống thuốc đúng cách: Uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều.

- Đến khám tại cơ sở y tế: Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ...) trong quá trình điều trị.

Kiểm soát huyết áp tốt sẽ giúp người cao tuổi có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ các biến cố nghiêm trọng như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, suy tim…

ThS.BS Nguyễn Văn Long


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?