Trẻ hóa bệnh nhân đái tháo đường
Nếu như trước đây, đái tháo đường là bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì trong những năm gần đây tỷ lệ người mắc đái tháo đường đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi từ 25 tới 30, thậm chí là tuổi vị thành niên đã mắc đái tháo đường mà không biết là mình đang mắc bệnh. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng rất nguy hiểm. Đái tháo đường là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau bệnh tim mạch và ung thư.
Tại khoa Thần kinh Nội tiết bệnh viện đa khoa Phố Nối ngày mùng 8 tháng 11 tiếp nhận và điều trị hơn 20 bệnh nhân mắc đái tháo đường, trong đó có những bệnh nhân còn rất trẻ tuổi. Như chị Nguyễn Thị Phượng, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, năm nay mới 33 tuổi nhưng đã mắc tiểu đường tuýp 2 căn bệnh này được chỉ phát hiện tình cờ trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát. Chị Phượng chia sẻ: “Cơ thể em mọi thứ vẫn bình thường, ăn uống, hoạt động, việc làm của em vẫn bình thường hết. Cũng lâu lắm rồi không khám sức khỏe nên hôm đó, tự nhiên em đi khám xem cơ thể mình có vấn đề gì không, thì mới phát hiện ra là mình đã mắc bệnh tiểu đường. Lúc mới phát hiện bệnh thì đường huyết của em là 16,8. Sau mấy ngày điều trị tại đây thì đường huyết của em đã giảm đi đáng kể. Em đang thắc mắc là em cũng không biết lý do vì sao mà em bị mắc bệnh đái tháo đường này, trong khi gia đình em chưa có ai bị cả”.
Đái tháo đường trẻ hóa: Nguy hiểm từ béo phì
Độ tuổi mắc tiểu đường ngày càng trẻ hóa, đồng nghĩa người bệnh sẽ càng có nhiều năm phải sống chung với căn bệnh này. “Chị Vũ Thị Gấm (phường Nhâ Hòa, thị xã Mỹ Hào) mắc đái tháo đường khi ngoài 40 tuổi và hiện nay cũng đã có hơn 6 năm sống chung với căn bệnh này. Lúc mới đầu thì mình không biết nhưng chỉ thấy cân nặng bị sút nhiều, miệng thì khô, uống rất nhiều nước… Sau khi tâm sự, nói chuyện với mọi người thì họ đều bảo thế thì chị đi khám đi, em thấy nhiều người có biểu hiện như vậy, khi đi khám về phát hiện ra mình bị mắc đái tháo đường đó. Thế là tôi mới đi ra Hà Nội khám, bác sĩ bảo bị mắc tiểu đường thật, bị tuýp 2. Tôi thì cảm thấy mình bị như vậy là hơi sớm nhưng cũng có nhiều người còn bị sớm hơn mình. Tuy bị hơn 6 năm nay rồi nhưng được các bác sĩ hướng dẫn, chia sẻ cách ăn uống, tập luyện thể dục bảo đảm sức khỏe, nên đến nay mình vẫn kiểm soát được lượng đường huyết của bản thân. Mà nhà mình thì chẳng có ai mắc bệnh cả, không hiểu sao tự nhiên mình lại mắc tiểu đường?”
Trường hợp cháu Nguyễn Hoàng N, ở phường Bần Yên nhân cũng bị tiểu đương từ khi học lớp 8, đến nay cháu học cấp 3 rồi nhưng cháu vẫn phải dùng thuốc ổn định đường huyết hàng ngày. Cũng như cháu N. hiện nay cũng nhiều bệnh nhân mắc tiểu đường vẫn là trẻ em, và tình trạng này sẽ nguy hiểm hơn nếu chúng ta không thiết lập một chế độ ăn uống và vận động hợp lý hơn cho trẻ nhỏ.
Theo Hội Nội tiết và đái tháo đượng Việt Nam, tại Việt Nam hiện có gần 5 triệu người mắc đái tháo đường. Điều đáng lo ngại là tình trạng bệnh ngày càng trẻ hóa, đáng chú ý có tới 4% số người mắc dưới 45 tuổi.
Giải pháp phòng ngừa tiểu đường
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị La, Phụ trách khoa Thần kinh Nội tiết, bệnh viện đa khoa Phố Nối cho biết. “Xu hướng đái tháo đường ngày càng trẻ hóa, hiện tại khoa Thần kinh Nội tiết, bệnh viện đa khoa Phố Nối đang quản lý khoảng 1.600 bệnh nhân mắc đái tháo đường ngoại trú, còn nội trú thì trung bình điều trị khoảng 20 bệnh nhân đái tháo đường hàng ngày. Ở khoa cũng gặp những bệnh nhân đái tháo đường rất trẻ tuổi, có những bệnh nhân chỉ 22, 23, 25 tuổi. Tình trạng đái tháo đường ở người trẻ tuổi thì có những cái nhóm nguyên nhân chính như, đặc thù nghề nghiệp: công nhân, nhân viên văn phòng,… người ít vận động, cộng với chế độ ăn thiếu khoa học, ví dụ như ăn nhiều đồ ngọt, đồ béo, thức ăn chế biến sẵn… điều này sẽ làm tăng độ thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng tỷ lệ kháng isulin. Chính vì thế mà dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng bộc lộ sớm và khó điều trị. Để giảm tải được tình trạng này khi chưa mắc đái tháo đường ở người trẻ, hoặc là đã mắc đái tháo đường thì chế độ sinh hoạt khoa học và ăn uống lành mạnh chính là yêu cầu đặt lên hàng đầu để phòng bệnh cũng như chữa bệnh”.
Theo các bác sĩ, đái tháo đường hiện nay vẫn chưa có phương pháp hay loại thuốc gì điều trị khỏi được, nên để phòng bệnh lý đái tháo đường, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ nhỏ, cha mẹ cần quan tâm tới thực đơn ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ, hạn chế đồ ngọt, nước có ga… khuyến khích trẻ hoạt động thể dục, thể thao từ 45-60 phút/ngày. Đối với những trẻ đã bị đái tháo đường tuýp 1 thì chế độ ăn cần hạn chế đồ ngọt và mỡ động vật. Với trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 thì lượng tinh bột hàng ngày cần được kiểm soát chặt chẽ hơn. Hãy cho trẻ ăn thành nhiều bữa bởi nếu ăn quá triều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao.