• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những thói quen xấu khiến bạn mắc thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ gây đau, hạn chế vận động, biến dạng cột sống mà không có biểu hiện viêm. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ là người từ 40 đến 50 tuổi. Tuy nhiên hiện nay bệnh đang dần trẻ hóa có người ở độ tuổi 25-30.

Vậy, những yếu tố, thói quen nào dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ?

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng xảy ra do các đĩa đệm cột sống cổ mất nước và co lại, dẫn đến những biến đổi bệnh lý của xương và khớp quanh đó, bao gồm cả việc phát triển gai xương.

Thoái hóa cột sống cổ rất phổ biến và tăng dần theo tuổi tác. Hơn 85% người trên 60 tuổi bị ảnh hưởng bởi thoái hóa cột sống cổ. Những nguy cơ gây thoái hóa cột sống cổ.

- Tuổi tác: Thoái hóa cột sống cổ xảy ra phổ biến như một phần của quá trình lão hóa, xuất hiện ở những người từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên hiện nay bệnh đang dần trẻ hóa có người ở độ tuổi 25- 30.

- Tính chất công việc: Người có công việc liên quan đến chuyển động cổ lặp đi lặp lại, làm việc ở tư thế khó hoặc những công việc trên cao gây thêm căng thẳng cho cổ.

- Chấn thương cổ: Các chấn thương cổ trong quá khứ làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống cổ cho người bệnh.

- Nghiện thuốc lá: Hút thuốc có khả năng làm tăng những cơn đau cổ.

Những nguy cơ gây thoái hóa cột sống cổ- Ảnh 1.

Thoái hóa cột sống cổ rất phổ biến và tăng dần theo tuổi tác.

Ngoài ra, một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống cổ như: 

- Làm việc sai tư thế: Làm việc kéo dài ở một thư thế mà không thay đổi là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa cột sống cổ. Bên cạnh những công việc vận động cúi, gập, xoay cổ nhiều thì người làm việc với máy tính cũng dễ mắc thoái hóa cột sống, gai cột sống hay vôi hóa cột sống…

- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng giữa các chất ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cột sống. Trong cuộc sống hàng ngày nên cân bằng đủ các nhóm chất bao gồm các nhóm chất có lợi cho xương sụn như canxi, kali, magie, vitamin B6, B12,…

- Ngủ sai tư thế: 99% người đã từng bị đau cổ sau khi thức dậy ít nhất một lần trong đời. Điều đó là hậu quả của việc ngủ sai tư thế hoặc sử dụng gối ngủ quá cao hay quá thấp, dẫn đến sáng hôm sau vùng cổ căng cứng, hạn chế vận động. Nếu tình trạng này liên tục diễn ra sẽ khiến các đốt sống cổ sai lệch, dẫn đến thoái hóa cột sống cổ.

Biểu hiện thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ khi đang ở giai đoạn đầu sẽ cảm thấy cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống và bắt đầu khó xoay chuyển. Nếu không được điều trị thì sau một thời gian thấy đau nhức vùng cổ, đau nhức lan dần xuống vai, gáy, tai, đầu.

Giai đoạn tiếp theo, người bệnh xuất hiện đau đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Các triệu chứng đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón tay, đó là những biến chứng bắt đầu xuất hiện.

Biến chứng do thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra như rối loạn tiền đình, bởi do thoái hóa làm tổn thương vào lỗ tiếp hợp (đau đầu, chóng mặt, buôn nôn, nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm). 

Rối loạn tiền đình còn làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn. Đây là một vòng luẩn quẩn, càng lo lắng, mệt mỏi, ngủ kém thì bệnh càng nặng thêm.

Những nguy cơ gây thoái hóa cột sống cổ- Ảnh 2.

Luôn thay đổi tư thế, matxa khi làm việc.

Cần làm gì khi bị thoái hóa đốt sống cổ?

Tùy thuộc vào mức độ thoái hóa cột sống cổ, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh. Điều trị nội khoa với các loại thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc giãn cơ, chống trầm cảm. Người bệnh cần tập vật lý trị liệu giúp làm giãn cơ và tăng cường sức cơ ở cổ và vai.

Điều trị phẫu thuật khi điều trị bảo tồn thất bại hoặc có triệu chứng về thần kinh như yếu tay/chân. Khi đó cần phải loại bỏ các cấu trúc gây hẹp ống sống (như đĩa đệm, gai xương…) để giải phóng tủy sống và rễ thần kinh.

Để phòng ngừa thoái hóa cột sống cổ cần thường xuyên xoa bóp vùng cổ, đan xen vận động nhẹ nhàng trong quá trình ngồi làm việc. Cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn toàn bộ phần cột sống nhằm giảm thiểu áp lực cột sống đặc biệt cột sống cổ.

Khi ngủ cần thay đổi tư thế, tránh nằm 1 – 2 tư thế sẽ khiến cổ bị vẹo. Ngoài ra có thể tham khảo các loại gối nằm cho người thoái hóa cột sống cổ, có thể sử dụng gối chữ U, gối lượn sóng có phần mặt lượn sóng, ôm vừa với đường cong tự nhiên của cột sống và gáy dưới. 

Người bệnh tuyệt đối không tác động mạnh vào vùng cổ, đặc biệt là các động tác như bẻ cổ, lắc cổ, ấn cổ mạnh sẽ khiến cột sống cổ yếu và dễ tổn thương hơn.

BS. Nguyễn Hoàng Lan


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?