Cách ngăn ngừa giãn mao mạch
Giãn mao mạch là giãn các mạch máu có sẵn mà không phải là các mạch máu mới được hình thành. Làm sao để ngăn ngừa giãn mao mạch?
Giãn mạch là các mạch máu giãn rộng bất thường nhìn thấy được trên da. Giãn mạch có thể xuất hiện tự phát hoặc trong một số tình trạng như lão hóa da do ánh sáng, trứng cá đỏ, bệnh mô liên kết, bệnh gan, một số bệnh lý di truyền và đặc biệt hay gặp trong trường hợp dùng corticoid bôi tại chỗ lâu ngày.
Tình trạng này phần lớn không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ, nhất là khi giãn mao mạch xuất hiện trên gương mặt.
Nguyên nhân gây giãn mao mạch
Thông thường giãn mao mạch sẽ được nhận diện rõ nhất ở những vùng da mỏng trên cơ thể như hai gò má, vùng thái dương, mũi và chân…Nguyên nhân của hiện tượng giãn mao mạch là:
- Di truyền.
- Tính chất da và mạch máu.
- Thay đổi thời tiết.
- Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
- Rối loạn nội tiết tố.
- Mắc hội chứng đỏ mặt.
- Môi trường ô nhiễm, hay phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Dùng nhiều sản phẩm chứa thành phần corticoid.
- Lạm dụng rượu bia, chất kích thích.
Giãn mao mạch không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nếu bị nặng có thể dẫn đến viêm mao mạch chân, phù nề chân, tắc tĩnh mạch, nặng hơn là vỡ mao mạch.
Các phương pháp điều trị chứng giãn mao mạch
Dưới đây là các biện pháp điều trị giãn mao mạch:
- Điều trị bằng laser
Laser màu xung: Hiện vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất cho các tổn thương mạch máu, đây là loại laser có lịch sử phát triển và điều trị nhiều năm, hiệu quả và độ an toàn đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Laser màu xung phát tia laser với bước sóng 585-600nm với độ rộng xung từ 0.45ms - 40ms, được hấp thu mạnh bởi hemoglobin của máu cho khả năng điều trị các tổn thương mạch máu đặc biệt cao, nhiều trường hợp tổn thương sạch ngay sau lần đầu tiên điều trị. Laser màu xung đặc biệt thích hợp điều trị các tổn thương giãn mạch vùng mặt.
Laser Nd:YAG 1064nm xung dài: với bước sóng laser nằm trong miền hồng ngoại gần, tuy khả năng hấp thu của hemoglobin có giảm xuống nhưng loại laser này có bước sóng dài, cho phép xuyên sâu xuống bề mặt da, đồng thời năng lượng điều trị lớn và độ rộng xung dài, cho phép điều trị hiệu quả các mạch máu giãn rộng hơn với độ sâu sâu hơn, hiệu quả hơn laser màu xung. Một trong những ứng dụng điều trị hiệu quả của laser Nd:YAG xung dài là điều trị các tổn thương giãn tĩnh mạch chi dưới.
- Thuốc Retinoids dạng bôi.
- Chích xơ tĩnh mạch.
Phòng ngừa tình trạng giãn mao mạch
Điều trị giãn mạch máu không đơn giản do đó hãy cân nhắc các biện pháp phòng ngừa để có được làn da khoẻ mạnh cũng như bảo vệ da và ngăn ngừa da mỏng yếu, nổi mao mạch:
- Không nên dùng nước quá nóng để rửa mặt. Hãy dùng nước mát, nước ấm để rửa mặt, tắm giặt giúp da luôn an toàn và duy trì được tính đàn hồi.
- Thoa kem chống nắng ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài.
- Không lạm dụng những sản phẩm dưỡng và làm trắng da có thành phần.
- Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng và có thành phần được in trên bao bì.
- Hạn chế tối đa đồ uống có cồn hay các chất kích thích nói chung.
- Điều trị mụn trứng cá sớm, các bệnh lý ở da... để ngăn ngừa các tổn thương trên da
Da bị nổi rõ các mạch máu mặc dù vô hại và không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng lại gây nhiều vấn đề liên quan đến thẩm mỹ. Để loại bỏ những mạch máu nổi đỏ trên cơ thể cũng như ngăn ngừa bệnh tái phát, nên tìm đến cơ sở chăm sóc da liễu uy tín và nhiều kinh nghiệm để được thăm khám và điều trị sớm.
Cấu tạo của da có 3 lớp, theo thứ tự từ ngoài vào trong đó là biểu bì, trung bì, hạ bì. Mỗi lớp sẽ có đặc điểm và chức năng khác nhau.
- Lớp biểu bì Là lớp ngoài cùng của da. Lớp biểu bì trên mỗi vị trí và từng bộ phận khác nhau sẽ có độ dày khác nhau, nhưng đều nằm trong khoảng 0,5 – 1 mm. Lớp biểu bì này còn bảo vệ nội tạng, mạch máu, dây thần kinh tránh khỏi những chấn thương. Thông qua lớp biểu bì, chúng ta có thể biết được tình hình của da như khả năng chống nắng, độ ẩm,... Còn quá trình lão hoá da sẽ xảy ra ở những lớp sâu hơn trong cấu trúc của da.
- Lớp trung bì đây là lớp dày nhất trong 3 lớp và cũng là nơi tập trung nhiều collagen và elastin. Các nang lông, mạch máu hay các tuyến mồ hôi, dây thần kinh, tuyến bã nhờn đều nằm ở lớp này.
- Lớp hạ bì là lớp dưới cùng của da, còn có tên gọi khác là lớp mỡ dưới da. Lớp này có chứa các mô liên kết và phân tử chất béo. Vì vậy, lớp hạ bì giúp cách nhiệt cũng như bảo vệ các mô bên dưới khỏi các chấn thương.
Bs Hồ Thu