• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thời tiết giao mùa, bệnh nhân bệnh phổi nhập viện tăng cao

Cứ đến thời điểm giao mùa, số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị các bệnh lý về phổi tại bệnh viện Phổi Hưng Yên lại gia tăng nhanh chóng.

          Hiện khoa Phổi của bệnh viện Phổi Hưng Yên đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 bệnh nhân, chiếm 96,7% và tăng hơn 30% so với thời điểm trước giao mùa. Bệnh nhân nhập viện đa phần đều trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi, ô nhiễm. Các mặt bệnh chủ yếu mắc là bệnh viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… thường nhập viện trong tình trạng ho liên tục, khạc đờm, khó thở tăng theo thời gian.

Ông Nguyễn Văn Hán ở xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, năm nay 65 tuổi nhưng đã có gần 30 năm sống chung với căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ông Hán cho biết: “Bệnh hô hấp của tôi bắt nguồn từ nghề nghiệp, vì tôi làm than, thường xuyên hít phải khói bụi của than, tôi bị bệnh đã gần 40 năm nay rồi. Mỗi khi phát bệnh, biểu hiện đầu tiên là ho, tắc nghẽn, khó thở. Cứ mỗi lần phát bệnh tôi lại vào viện, từ đầu năm đến nay đây là lần thứ 5 tôi vào viện rồi, vào viện khỏi rồi mà về nhà một thời gian bệnh lại tái phát, xong lại phải vào viện chữa”.

Cũng mắc bệnh lý về phổi đã lâu, ông Nguyễn Tiến Lời, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ vẫn luôn tự mua thuốc về điều trị. Ngày 20/11 vừa qua, ông khởi phát đợt cấp phổi tắc nghẽn, do chủ quan, ông không nhập viện điều trị mà tự mua thuốc uống, gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng. Ông Lời cho biết, từ năm 2009 đến bây giờ hầu như mỗi lần phát bệnh tôi đều phải xuống bệnh viện Phổi để điều trị, có năm xuống 3 lần, có năm phải xuống đến 4 lần, cứ giao mùa là căn bệnh của tôi lại tái phát, tôi thường ra hiệu thuốc mua thuốc về uống, có lần thì đỡ, lần không đỡ phải đi bệnh viện.

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, người bệnh rất dễ nhiễm virus hay vi khuẩn gây viêm phổi, viêm đường hô hấp trên và sẽ là yếu tố khởi phát đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Bác sĩ Phạm Như Cường, Khoa bệnh phổi, bệnh viện Phổi Hưng Yên cho biết: “Thường thì người bệnh rất hay chủ quan lúc mới khởi phát bệnh, có những biểu hiện nhẹ thì họ thường hay tự ra quầy thuốc mua thuốc về tự xịt, tự uống, nhưng không phải mỗi một đợt đều dùng thuốc như nhau vì phải phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân và độ đáp ứng thuốc của cơ thể… Vì thế, tôi muốn khuyến cáo đến mọi người khi gặp tình trạng đau tức ngực, ho, tắc nghẽn, khó thở, đờm đục… thì chúng ta nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị, không tự ý mua thuốc ở quầy thuốc về dùng. Vào những lúc thời tiết giao mùa, mỗi sáng trước khi thức dậy, chúng ta chưa nên ra khỏi phòng ngay, mà hãy mở cửa để cho nhiệt độ bên ngoài và bên trong phòng ổn định; quan tâm chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, uống nước ấm, đặc biệt là tránh khói bụi…

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 17/11 năm 2023 với chủ đề “Hơi thở là cuộc sống - Hành động sớm hơn”. Chủ đề năm nay nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chăm sóc, chẩn đoán và can thiệp sớm các bệnh lý ở phổi. Mỗi cá nhân nên duy trì lối sống lành mạnh, chủ động phòng chống bệnh phổi, đặc biệt trong thời điểm giao mùa và lúc thời tiết nhạy cảm… để bảo vệ sức khỏe.

          Hiện nay, có nhiều yếu tố khác ngoài việc hút thuốc lá có thể góp phần gây nên bệnh COPD. Đây là bệnh có thể phát sinh sớm và ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Ngày thế giới phòng chống bệnh phổi năm nay để ý đến ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ, theo dõi sức khỏe phổi từ khi sinh ra, chẩn đoán COPD ở trạng thái tiền ung thư và điều trị kịp thời. COPD phát triển dần dần theo thời gian, thường do sự kết hợp của các yếu tố nguy cơ:

          + Tiếp xúc với khói thuốc lá.

          + Tiếp xúc nghề nghiệp với bụi, khói hoặc hóa chất.

          + Ô nhiễm không khí trong nhà: nhiên liệu sinh khói (gỗ, phân động vật, phế phẩm thực vật) hoặc than thường được sử dụng để nấu ăn và sưởi ấm.

          + Các sự kiện đầu đời ngăn cản sự phát triển tối đa của phổi như thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non và nhiễm trùng đường  hô hấp thường xuyên hoặc nghiêm trọng.

          + Hen suyễn ở trẻ em.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?