• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khói thuốc lá – sát thủ vô hình

Hút thuốc lá là một thói quen của rất nhiều người, rất khó bỏ được mặc dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe cho chính mình và cho người khác. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5-8 năm. Hút thuốc lá sẽ gây ra nhiều bệnh và làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%. Khói thuốc lá với hơn 7.000 độc chất hóa học (trong đó có hơn 70 chất gây ung thư) không chỉ gây độc cho người hút mà cho cả người hút thuốc thụ động, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em, người già và phụ nữ. Những chất độc này gây bệnh trên hầu hết các cơ quan của cơ thể. Khói thuốc lá liên quan đến 90% số ca bệnh ung thư phổi, 75% số ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 25% số ca bệnh tim do thiếu máu cục bộ. Các chất độc trong khói thuốc lá còn gây ra các bệnh lý khác như rụng tóc, đục thủy tinh thể, viêm nướu răng, ung thư miệng, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, viêm loét dạ dày – tá tràng, bất lực, sinh non, sảy thai, tuyên tắc mạch các chi…

 

Ở bất cứ nơi đâu, bất kể thời gian nào bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh ai đó đang hút thuốc. Khi mà các quy định mua thuốc lá vẫn chưa có những chế tài để kiểm soát, thì đây vẫn là “món” quen thuộc hàng ngày của nhiều người. Trần Văn Tuyền (26 tuổi), phường Minh Khai, TP Hưng Yên cho biết: “Bản thân hút thuốc đã được 10 năm nay. Lúc đó, gia đình xảy ra nhiều biến cố, chỉ để giải sầu, mình đã tập làm quen với thuốc lá, thường xuyên bỏ học, tụ tập với bạn bè rồi hút thuốc từ lúc nào không hay”. Tuyền và bạn bè mình đều từng nghe đến tác hại của khói thuốc qua những bài học trên lớp, nhưng khi hút rồi thì chẳng mấy ai quan tâm đến việc này. Từ đó, điếu thuốc trở thành bạn đồng hành, mang đến cảm giác thư giãn, giải tỏa áp lực, thậm chí hút vào thấy đã như một “món ngon” hấp dẫn và thật khó để bỏ.

Khác với Tuyền, anh Nguyễn Thành Trung, ở thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ đã từng bỏ được thuốc lá trong khoảng 3 năm nay nhưng khi công việc quá căng thẳng, thời gian gần đây, anh lại tìm đến thói quen hút thuốc lá. “Khi cầm gói thuốc và bắt đầu hút lại, tôi tin chắc nhiều người cũng như tôi là sẽ không suy nghĩ đến việc tiếc nuối cho khoảng thời gian cai thuốc thành công. Đôi lúc bạn sẽ có cảm giác hưng phấn khi bạn làm một việc đã lâu ngày không thực hiện” anh Trung phân trần. Anh cho rằng bất cứ ai hút thuốc cũng biết tác hại nhưng việc bỏ thuốc lá rất khó và không hề đơn giản. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm lớn nhưng đôi lúc hoàn cảnh và sức ép công việc lại khiến người trong cuộc không thể bỏ được.

Ở một thái cực khác, hiện nay, số người hút thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng vì cho rằng hút thuốc lá, thuốc lào mới hại chứ thuốc lá điện tử không gây hại và do đó, nhiều người đã bỏ thuốc lá mà chuyển sang hút thuốc lá điện tử. Nicotin trong khói thuốc lá điện tử nguy hiểm chẳng kém gì thuốc lá thông thường. Nó vẫn gây viêm phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, dễ gây ra biến chứng ung thư phổi. Nicotin  bám lên thành mạch máu, mạch máu não, gây xơ vữa và giảm co giãn các mạch máu, nguy cơ gây ra đột quỵ bởi nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não. Ngoài ra, các loại tinh dầu thuốc lá điện tử còn có hương thơm, với cấu tạo hóa học là các vòng benzene, là hóa chất độc hại thường  được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài, có khả năng gây ra các bệnh ung thư nguy hiểm. Những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường theo các nhà khoa học Mỹ đã đăng trên tạp chí y khoa New England, hoặc gấp 10 lần theo các nhà khoa học Nhật Bản kết luận trước đó và thuốc lá điện tử không giúp người nghiện cai thuốc lá bởi nó vẫn có chất gây nghiện là nicotin.

Khói thuốc lá là sát thủ vô hình hay là kẻ giết người thầm lặng, là tác nhân gây ra nhiu bệnh tật cần phải được loại khỏi môi trường sống của con người. Bởi hút thuốc vừa có hại cho mình lại vừa có hại cho người khác. Những người đang hút thuốc hãy suy nghĩ bỏ thuốc vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, góp một phần vào việc xây dựng một thế giới trong lành không có khói thuốc độc hại./.


Tác giả: Đỗ Huế
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?