• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ

Rối loạn tiêu hóa là hiện tượng một số cơ trong hệ tiêu hóa bị co thắt bất thường và chúng phối hợp với nhau không liên tục không nhịp nhàng, gây ra một số biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, đau quặn bụng, quấy khóc vô cớ…

 

Nguyên nhân của rối loạn tiêu hóa

- Hệ miễn dịch yếu: đa phần các trẻ đẻ non thiếu tháng nhẹ cân có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ dẫn đến các rối loạn tiêu hóa như ăn khó tiêu, táo bón, chướng bụng… Ngoài ra đối với những trẻ dưới 6 tuổi, hệ miễn dịch chưa trưởng thành hoàn toàn, rất dễ bị vi sinh vật tấn công, gây nên các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.

- Chế độ dinh dưỡng chưa khoa học: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trẻ em nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng tuổi. Một số trẻ do dung các thực phẩm, sữa không phù hợp lứa tuổi sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa. Một số gia đình cho trẻ sử dụng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa nhiều chất bảo quản, lượng dầu mỡ cao, lượng đường hóa học cao, các sản phẩm đã bị ôi thiu, chế biến thực phẩm không đúng cách, trẻ không được ăn chín uống sôi… tác động xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ, gây ra  hiện tượng đau bụng, nôn trớ, thậm chí là tiêu chảy. Đặc biệt một số chất kích thích, một số đồ uống có gas, cồn có ảnh hưởng lớn đến sự tiêu hóa của trẻ.

- Rối loạn tiêu hóa ở trẻ do dùng thuốc: Một số loại thuốc đặc biệt là kháng sinh, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại và ảnh hưởng trực tiếp đến các vi khuẩn có lợi trong đường ruột – gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột. Một số thuốc nhuận tràng sử dụng trong thời gian dài ở trẻ em sẽ gây ra tình trạng như đau thắt bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi,….

- Hậu quả của một số bệnh lý khác gây rối loạn tiêu hóa: Một số trẻ khi mắc các bệnh như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,… sẽ tăng tiết đờm chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, khi trẻ nuốt đờm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột và rối loạn tiêu hóa.

Một số biểu hiện và xử trí khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa:

- Nôn trớ: Nôn trớ là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ. Có khoảng 75% nôn trớ ở trẻ sẽ hết khi 1 tuổi, gọi là nôn trớ sinh lý. Nguyên nhân là do sau khi sinh dạ dày của trẻ còn nhỏ, nằm ngang nên thức ăn dễ trào ra. Để hạn chế tình trạng nôn trớ sinh lý ở trẻ nên:cho trẻ bú đúng tư thế, bú đủ lượng, nếu trẻ vừa nôn trớ xong, nên cho trẻ nằm nghỉ, không nên cho trẻ uống sữa ngay sau khi nôn, vệ sịnh bình bú, núm vú và khoang miệng của trẻ thường xuyên.

- Tiêu chảy là một dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ sẽ có biểu hiện đi ngoài trên 3 lần/ngày, phân lỏng, có chất nhầy kèm theo là tình trạng mệt mỏi, kém ăn. Một số trẻ khác còn có thể bị sốt, chướng bụng. 

Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ nên thực hiện một số biện pháp khắc phục nhanh chóng: Tăng cường làm sạch môi trường, quần áo cho trẻ và người chăm trẻ, hạn chế tối đa thói quen mút tay, ngậm đồ vật ở trẻ. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, tăng số lần cho trẻ bú, tăng lượng sữa cho trẻ. Với trẻ ăn dặm, mẹ bổ sung thêm những loại thực phẩm như khoai tây, cà rốt, gạo, thịt gà, thịt lợn,… vào khẩu phần ăn cho bé. Hạn chế một số thực phẩm như hải sản, trứng, chuối, đu đủ,… Thực hiện nghiêm túc việc cho trẻ ăn chín uống sôi và sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo đúng hướng dẫn, cần hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm lạ, dễ kích ứng hệ tiêu hóa của trẻ.

-Táo bón: là một trong dấu hiệu rối loạn tiêu hóa hay gặp ở trẻ em và gây rất nhiều phiền toái lo lắng cho gia đình. Đặc trưng của táo bón là trẻ không đi ngoài thường xuyên, không tạo được thói quen đi ngoài, thường >3 ngày mới đi đại tiện. Khi bị táo bón ngoài việc rất nhiều ngày trẻ mới đi đại tiện còn là việc phân trẻ rất khô, rắn, trẻ hay có cảm giác đau, đi ngoài khó khăn, thậm chí nhiều trường hợp đi ra máu. Các bước chăm sóc con khi bị táo bón mẹ cần chú ý:  Bổ sung đủ lượng nước cho trẻ, có thể là nước lọc, sữa, nước trái cây, sữa; tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn của trẻ như từ rau xanh, củ quả; khuyến khích trẻ tăng cường vận động, massage bụng cho trẻ hàng ngày, tạo thói quen đi đại tiện cho con vào một khung giờ cố định.

- Một số triệu chứng khác khi bị rối loạn tiêu hóa ở trẻ:  Đi ngoài phân sống: đặc trưng là màu sắc phân, số lượng phân, có thể là tính chất phân còn thức ăn chưa tiêu hóa hết, phân kèm nhầy,… Bú kém, khóc quấy vô cớ.

  Một số tình trạng rối loạn tiêu hóa có thể ít ảnh hưởng đến trẻ, nhưng một số tình trạng bệnh nặng của trẻ được biểu hiện sớm thông qua sự bất thường của hệ thống tiêu hóa. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường của hệ tiêu hóa, bố mẹ nên cho con đi thăm khám ở cơ sở y tế chuyên khoa. Bác sĩ tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh của con để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Gia đình không nên tự ý mua thuốc hoặc làm theo mẹo dân gian vì có thể sẽ làm trầm trọng tình trạng bệnh của trẻ.

TS.BS Đào Thúy Đạt

Khoa Nội Nhi 2, Bệnh viện  Sản-Nhi Hưng Yên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?