• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh tiêu hóa mùa nắng nóng

Bước vào mùa nắng nóng là thời điểm những bệnh lý về đường tiêu hóa xuất hiện, số lượng người lớn và trẻ em nhập viện điều trị bệnh về đường tiêu hóa đã tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước. Đối với bệnh này, nếu không được phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời, người bệnh dễ bị mất nước và có thể phải đối mặt với nhiều hệ lụy không mong muốn.

Chị Lê Thị H, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ có con gái 19 tháng tuổi nhập viện tại Bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên điều trị tiêu chảy cho biết: “Con chị ban đầu có biểu hiện nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, mặc dù tôi đã ra hiệu thuốc mua thuốc cho cháu uống những vẫn không đỡ, khi thấy cháu có biểu hiện người mệt mỏi, không chịu chơi, ăn rất kém thì tôi cho cháu đi viện. Qua mấy ngày cháu đã đỡ hơn nhiều, nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu phải theo dõi cẩn thận”.

Anh Nguyễn Văn M đến từ xã Toàn Thắng, huyện Kim Động vẫn còn chưa hết lo lắng khi nhớ lại tình trạng của mình: “Lúc đầu, tôi bị đi ngoài ra máu, bản thân tôi cùng gia đình cứ nghĩ rằng do tôi ăn phải đồ ôi thiu dẫn đến bị rối loạn tiêu hóa, người nhà mua thuốc cho tôi uống, tuy nhiên ngày hôm sau tôi bị sốt cao, chân tay có dấu hiệu bủn rủn nên gia đình vội vàng đưa tôi đi viện, do tôi bị nặng nên phải điều trị bằng kháng sinh liều cao”.

Những ngày gần đây, nhiệt độ bắt đầu tăng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm nên thức ăn rất dễ bị hư hỏng. Bên cạnh đó, thời tiết nóng ẩm còn tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, gián, kiến sinh sôi nảy nở, tạo ra các mầm bệnh dễ lây lan qua thực phẩm. Do đó, số lượng người lớn và trẻ em mắc các bệnh về đường tiêu hóa như: Ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp, lỵ… tăng cao.

Theo thống kê tại Trung tâm Y tế huyện Phù Cừ, riêng tháng 3, tháng 4, có 103/746 bệnh nhân nằm điều trị nội trú có liên quan đến đường tiêu hóa như: xuất huyết tiêu hóa thể nhẹ, lỵ tật, chảy máu tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột do Vi rút, tiêu chảy rối loạn chức năng, ngộ độc chất độc do ăn thực phẩm,… chiếm gần 14%. Cũng theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên, tính riêng từ đầu tháng 4 đến nay, Khoa Nội Nhi 2 có 34 bệnh nhi, trong đó có 27 trẻ đang nằm điều trị nội trú có liên quan đến bệnh về đường tiêu hóa, chiếm 79%, tăng khoảng 25% so với thời điểm trước đó.

Bác sĩ Vũ Đình Quynh – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hưng Yên cho biết: Biểu hiện chung của bệnh về đường tiêu hóa là sau khi bị nhiễm vi rút, vi khuẩn gây bệnh khoảng 2 ngày, người bệnh sẽ bị nôn, đi ngoài lỏng nhiều lần, sốt,… tình trạng bệnh có thể kéo dài từ 3-7 ngày, thậm chí 10 ngày. Do đi ngoài nhiều gây mất nước, mệt mỏi, gầy yếu nên các gia đình thường rất sốt ruột, muốn tìm mọi cách để chữa bệnh như tự ý chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian, ra hiệu thuốc kể bệnh để mua thuốc, thậm chí cho người bệnh kiêng ăn, khiến người bệnh bị mất nước lại cộng thêm thiếu dinh dưỡng càng mệt mỏi hơn.

Bác sĩ Quynh cho biết thêm: Hệ lụy của các bệnh về đường tiêu hóa là khiến người bệnh mất nước, mất chất điện giải dẫn tới nguy cơ bị suy nhược cơ thể, suy thận, hôn mê, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, do đó khi phát hiện ra người thân bị bệnh về đường tiêu hóa cần đưa đi khám và điều trị sớm nhằm tránh những diễn tiến nặng, nhiễm trùng tiêu hóa hoặc những hệ lụy xấu đến sức khỏe. Trong mùa nắng nóng, các gia đình cần cẩn trọng trong việc bảo quản thức ăn, cần ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý; thường xuyên rửa tay, vệ sinh sạch sẽ nơi ở, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường sức đề kháng;…


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?