Ai được mệnh danh là “sát thủ” của dịch bệnh, cứu nhân loại thoát khỏi những cái chết quái ác bậc nhất?
Louis Pasteur là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ông được mệnh danh là “sát thủ” của dịch bệnh bởi đã có công lớn trong việc tìm ra phương pháp giúp nhân loại thoát khỏi bệnh tả, than, dại,…
Những nghiên cứu của Louis Pasteur đã giúp nhân loại chống lại những căn bệnh như bệnh tả, bệnh than, bệnh dại…. Khám phá của ông về vi khuẩn với quá trình tiệt trùng không chỉ giúp ngành công nghiệp rượu vang và sữa của Pháp phát triển mà còn giúp thay đổi các quy trình ở bệnh viện để trở nên vệ sinh và an toàn hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ sau sinh.
Phát hiện của ông về vaccine và vi khuẩn đã tạo tiền để cơ bản cho ngành y tế dự phòng hiện đại. Viện Y học Luân Đôn đã gọi Louis Pasteur là “Vị ân nhân của cả nhân loại”.
Không học ngành y nhưng có đam mê chữa bệnh
Louis Pasteur sinh ngày 27/12/1822 tại Dole, Jura (Pháp), Pasteur vốn là một học sinh bình thường với niềm đam mê dành cho hội họa. Trong khi giáo viên ra sức ủng hộ Pasteur đi theo nghệ thuật, cha ông chỉ coi đó là một thú vui và muốn con chuyên tâm vào việc học tập ở trường. Pasteur từng nói cha ông muốn con "thấm nhuần sự vĩ đại của nước Pháp" ngay từ thuở mới học chữ.
Suốt thời kỳ đi học, cậu học trò Louis Pasteur chưa bao giờ được đánh giá thông minh, có khả năng vượt trội nhưng không ai có thể phủ nhận tinh thần làm việc nghiêm túc và sự kiên trì của Louis.
Sau khi đến Đại học Strasbourg (Pháp), Pasteur bắt đầu sự nghiệp hóa học và nhanh chóng gây tiếng vang. Ở tuổi 25, ông mang đến cho nền khoa học cống hiến quan trọng nhất của mình khi chứng minh phân tử giống hệt nhau có thể tồn tại như hình ảnh trong gương.
Nghiên cứu hóa học giúp Pasteur giải được một trong những bí ẩn lớn nhất ngành sinh học thế kỷ 19. Suốt 2.000 năm, con người tin rằng sự sống xuất hiện một cách tự nhiên, bọ chét lớn lên từ bụi còn giòi đến từ xác chết. Bằng một thí nghiệm chuẩn mực, Pasteur chứng minh thực phẩm hỏng do nhiễm vi khuẩn trong không khí. Ông đi đến kết luận những vi khuẩn này có thể gây bệnh và đây cũng là tiền đề để dẫn đến sự phát triển của thuốc khử trùng nhờ đó thay đổi nền y học mãi mãi.
Louis Pasteur luôn nói: “Họ biến những nghiên cứu thành bài phát biểu còn tôi đưa ra thành thực tiễn”. Lý thuyết của ông về vi khuẩn và mầm bệnh không chỉ tồn tại trên giấy mà đã cứu ngành công nghiệp tơ lụa của Pháp bằng việc phát hiện ra những vi khuẩn gây bệnh trên kén tằm và loại bỏ chúng.
Lý thuyết đó đồng thời cũng đưa ra quy trình thanh trùng, khử trùng giúp ngành sữa ngăn chặn sữa sớm bị chua và hỏng. Lý thuyết của Louis Pasteur cũng giúp rượu vang Pháp có thể xuất khẩu khắp nơi trên thế giới bằng việc bảo quản ngăn chặn sự xâm nhập vi khuẩn làm hỏng men rượu. Và thành tựu vĩ đại nhất của Louis Pasteur là từ lý thuyết mầm bệnh, ông đã tìm ra các loại vaccine giúp phòng các dịch bệnh quái ác của thế giới.
Mặc dù những nghiên cứu khoa học của Louis Pasteur đã được chứng minh trong thực tiễn, nhưng khi bắt đầu cho những ý tưởng đầu tiên của mình, Pasteur luôn luôn bị nhạo báng. Ở thời đại của ông, người ta tin quá trình lên men là do phản ứng hóa học giữa các chất và những vi sinh vật nhỏ bé như vi khuẩn không thể gây bệnh cũng như có thể là nguyên nhân tử vong cho con người.
Một số bác sĩ lâu năm trong ngành y thậm chí không thể chấp nhận những nghiên cứu của Louis Pasteur trong y học đơn giản bởi vì họ cảm thấy không phục khi những nghiên cứu y học lại được tiến hành bởi một người không hề được đào tạo về ngành y. Tuy nhiên, Louis Pasteur chưa bao giờ nản lòng bởi những sự phản đối, ông vẫn kiên trì và tin tưởng vào lý thuyết của mình cho đến khi cả nhân loại phải công nhận.
“Ân nhân của nhân loại”
Nghiên cứu khoa học là một công việc khó khăn, không có đam mê sẽ không có thành quả. Trong cuộc đời Louis Pasteur, nghiên cứu khoa học không chỉ là một công việc mà còn như một phương thuốc chữa lành những đau thương trong đời sống cá nhân. Louis Pasteur đã từng bị xuất huyết não sau khi 3 trong số 5 người con của ông qua đời do bệnh thương hàn và ung thư.
Người ta tưởng như ông không thể tiếp tục công việc của mình, nhưng Louis Pasteur đã trở lại. Sự bất lực trước cái chết của 3 người con chính là động lực mạnh mẽ để ông hướng toàn bộ những nghiên cứu sau đó của mình vào y học.
Pasteur cùng đội ngũ phát triển nghiên cứu về bệnh tả gà. Ông tiêm vi khuẩn tả vào đàn gà, các con vật bị ốm nhưng không chết như mong đợi rồi sau hình thành khả năng kháng vi khuẩn độc lực mạnh. Pasteur nhận ra mầm bệnh yếu có thể giúp động vật tăng cường miễn dịch, tạo nên bước ngoặt tiếp nối thành tựu của Edward Jenner (Anh) trước đó một thế kỷ.
Pasteur nảy sinh ý định điều chế vaccine cho các bệnh khác. Ông chuyển hướng quan tâm sang bệnh than và tuyên bố tìm ra vaccine hiệu quả trên 31 loại động vật.
Pasteur tiếp tục với bệnh dại, căn bệnh với các triệu chứng khủng khiếp dẫn đến cái chết đau đớn kéo dài. Ông gặp Joseph Meister, một cậu bé bị chó dại cắn. Khi đó chẳng ai chắc chắn Joseph sẽ mắc bệnh dại nhưng Pasteur vẫn liều lĩnh thử vaccine trên cậu bé dù trước đó chưa từng tiêm cho người. Kết quả, Joseph sống sót. Cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên trên người ngày 6/7/1885 thành công dù vấp phải nhiều phản ứng rằng Pasteur vi phạm đạo đức nghề nghiệp do không có giấy phép hành nghề y.
Kết quả nghiên cứu về bệnh dại được Pasteur trình bày trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vào ngày 1/3/1886. Nhân dịp này, ông đề nghị thành lập cơ sở sản xuất vaccine chống bệnh dại. Năm 1887, Pasteur nhận 2 triệu Franc Pháp tiền quyên góp. Đến năm 1888, Tổng thống Sadi Carnot cho xây dựng Viện Pasteur đầu tiên tại Pháp rồi mở rộng sang các vùng thuộc địa như Senegal, Bờ biển Ngà. Tôn chỉ của Viện Pasteur từ đó đến nay không thay đổi: Nghiên cứu chế tạo vaccine và thực hiện tiêm phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Pasteur điều hành Viện Pasteur Paris cho đến khi qua đời vào ngày 28/9/1895 ở tuổi 72. Giờ đây, Louis Pasteur được nhớ đến như một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông tiếp tục cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Ông được tôn vinh là "cha đẻ ngành vi sinh vật" và được UNESCO ghi vào danh sách "Ký ức Thế giới", trở thành nhà khoa học thứ 4 trên thế giới nhận vinh dự này.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Louis Pasteur là một nhà bác học đã thực hiện được bốn lý tưởng: Niềm tin, hy vọng, lòng bác ái và khoa học. Ông xứng đáng được người đời sau ca ngợi là “Vị ân nhân của nhân loại”.
Theo DH (th)