Ai dễ bị thiếu máu não?
Thiếu máu não là tình trạng nghiêm trọng, xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị giảm, dẫn đến thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của não. Đây được xem là bệnh lý “tiền” đột quỵ, dễ gây tai biến và tử vong.
Tuy nhiên, đa số người bệnh vẫn chủ quan vì biểu hiện bệnh không rõ ràng và thường có dấu hiệu thoáng qua rồi biến mất.
Thiếu máu não do nguyên nhân gì?
Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu lên não không đủ, dẫn đến việc cung cấp oxy và dưỡng chất giảm. Căn bệnh này tác động tới cấu trúc và chức năng của một hoặc nhiều phần của não, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương.
Do đó, khi thiếu máu lên não sẽ gây rối loạn giấc ngủ, giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy và có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Thiếu máu não có thể phân thành hai loại: thiếu máu não toàn bộ và thiếu máu não cục bộ.
- Thiếu máu não toàn bộ
Hạ huyết áp toàn thân là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu máu não toàn bộ. Giảm lưu lượng máu lên não thoáng qua có thể xảy ra khi cơ chế tự điều hòa và thần kinh thể dịch kiểm soát huyết áp và nhịp tim bị gián đoạn, như trong trường hợp hội chứng ngất hoặc nhịp tim nhanh tư thế.
Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây thiếu máu não toàn bộ thoáng qua là các vấn đề về chức năng và cấu trúc tim, đặc biệt là rối loạn nhịp tim. Khi thiếu máu não thoáng qua, tình trạng này thường biểu hiện dưới dạng tiền ngất hoặc ngất. Tuy nhiên, nếu thiếu máu não toàn bộ kéo dài, nó có thể gây ra tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
- Thiếu máu não cục bộ
Ngược lại, thiếu máu não cục bộ thường xảy ra do tắc nghẽn dòng máu trong động mạch dẫn lên não, thường là kết quả của huyết khối hoặc tắc mạch.
Nếu tình trạng thiếu máu não cục bộ kéo dài đủ lâu, các tế bào thần kinh sẽ bị mất, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Hiện tượng này còn có thể xảy ra khi có huyết khối hình thành từ động mạch cảnh trong bị hẹp hoặc do mảng xơ vữa động mạch não.
Nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu cục bộ não, chiếm khoảng 60 – 70% các trường hợp thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ, là do thuyên tắc cục máu đông (từ tim hoặc các động mạch lớn). Mặc dù hiếm gặp hơn, thuyên tắc do các vật liệu khác như chất béo hoặc nước ối trong thai kỳ cũng có thể gây ra thiếu máu cục bộ.
Thiếu máu cục bộ não có thể xảy ra tại một điểm cục bộ hoặc tại nhiều ổ, do sự tắc nghẽn đột ngột hoặc giảm đáng kể đường kính của động mạch cung cấp máu cho một vùng não, bất kể đó là động mạch đã bị hẹp trước đó hay một động mạch bình thường (chẳng hạn như động mạch chủ, thân trên động mạch chủ hoặc động mạch nội sọ). Thiếu máu cục bộ não cũng có thể được kích hoạt do sự suy giảm tổng thể nguồn cung cấp máu cho não, thường do tụt huyết áp đột ngột gây ra bởi rối loạn chức năng huyết động.
Ai dễ bị thiếu máu não?
Triệu chứng thiếu máu não thường gặp ở người cao tuổi và những người mắc nhiều bệnh lý mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng thiếu máu não đang có xu hướng trẻ hóa.
Đặc biệt, những người trẻ tuổi như nhân viên văn phòng, quản lý cấp cao, phụ nữ nội trợ,... với công việc có cường độ căng thẳng cao cũng dễ mắc phải chứng thiếu máu lên não. Bên cạnh đó, những người có lối sống thụ động, sống trong môi trường ô nhiễm, hoặc có chế độ ăn uống thiếu đa dạng và không lành mạnh cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc phải bệnh lý này.
Biểu hiện thiếu máu não
Các triệu chứng của thiếu máu não có thể dao động từ nhẹ đến nặng và thường kéo dài trong thời gian ngắn (từ vài giây đến vài phút). Nếu các triệu chứng thiếu máu não cục bộ thoáng qua tự biến mất trước khi xảy ra nhồi máu, tình trạng này được gọi là thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA).
Khi não bị tổn thương do thiếu máu cục bộ, các triệu chứng có thể trở nên vĩnh viễn và bao gồm:
- Suy nhược cơ thể: Có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên của cơ thể.
- Mất cảm giác hoàn toàn: Ở một bên hoặc cả hai bên của cơ thể.
- Thường xuyên mất phương hướng và nhầm lẫn trong các vấn đề đơn giản hàng ngày.
- Thay đổi hoặc giảm thị lực: Ở một hoặc cả hai mắt.
- Nhìn đôi: Xảy ra khi hai mắt không đồng nhất hoặc không hướng vào cùng một vật thể, dẫn đến việc nhìn thấy hai hình ảnh khác nhau. Cả hai hình ảnh này đều được não xử lý dưới dạng nhìn đôi.
- Nói lắp bắp.
- Mất hoặc giảm ý thức.
- Suy giảm khả năng phối hợp và giữ thăng bằng.
Ngoài ra, đau đầu và chóng mặt cũng là các triệu chứng phổ biến của thiếu máu não, nhưng thường dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác.
Tóm lại: Thiếu máu lên não không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh mà còn dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, với tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 50%. Những người may mắn sống sót sau đột quỵ thường phải chịu đựng các di chứng nghiêm trọng như mất giọng, suy giảm trí nhớ, liệt một bên hoặc toàn thân,... Mức độ nguy hiểm của thiếu máu lên não phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ bệnh, và tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh.
Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ từ bệnh thiếu máu não, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám ngay khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.
TS.BS. Nguyễn Thị Thu