Việt Nam ứng dụng, làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán hình ảnh
Những năm gần đây, y học Việt Nam có nhiều tiến bộ, đặc biệt là chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh đã đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sàng lọc, phát hiện sớm và chẩn đoán một số bệnh như ung thư, tim mạch, tiêu hoá, xương khớp…
GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã cho biết như vậy tại sự kiện "Cập nhật công nghệ chẩn đoán hình ảnh RSNA 2023" diễn ra tối 11/1, tại Hà Nội. Sự kiện nhằm chia sẻ những sáng tạo mới nhất vừa được giới thiệu tại Hội nghị thường niên 2023 của Hiệp hội Điện quang Bắc Mỹ (RSNA), bao gồm hơn 40 cải tiến đột phá và các giải pháp hỗ trợ AI từ danh mục thiết bị và giải pháp đa dạng.
Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã làm chủ được lĩnh vực điện quang can thiệp, nhất là chẩn đoán hình ảnh được đầu tư công nghệ mới nhất trên thế giới, từ đó tăng độ chính xác trong chẩn đoán, nâng cao hiệu suất và năng suất làm việc của các thiết bị góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Đơn cử tại Bệnh viện Việt Đức, chia sẻ mới đây PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, tại bệnh viện này bên cạnh việc ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống, thay khớp gối đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả tối ưu cho thầy thuốc và bệnh nhân, các thầy thuốc đã thiết kế các nghiên cứu ứng dụng AI giúp phát hiện sớm ung thư xương tiềm ẩn hoặc tổn thương dây chằng, tổn thương không đặc hiệu.
Đây cũng là sự kiện quan trọng nhất trong ngành điện quang để các bác sĩ cập nhật những nghiên cứu, kiến thức mới nhất trong ngành chẩn đoán hình ảnh, trang thiết bị y tế. Đặc biệt, ngành điện quang được hưởng lợi nhiều nhất những thành tựu của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân.
Những công nghệ mới nhất được giới thiệu tại RSNA 2023 là các công nghệ và giải pháp được thiết kế để hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các bác sĩ lâm sàng lĩnh vực ung thư, tim mạch, thần kinh… có thể tiếp cận cá nhân hóa, chính xác và tập trung vào bệnh nhân từ chẩn đoán đến sau điều trị. Những cải tiến này sử dụng AI và phương pháp học sâu để tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác, hướng tới phục vụ chăm sóc sức khỏe con người tốt hơn.
Theo các chuyên gia, AI đang mang lại những thay đổi tích cực cho ngành y tế bằng cách nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị. Những tiến bộ như robot phẫu thuật được điều khiển bằng máy tính hay các ứng dụng AI tạo điều kiện giúp can thiệp sớm hơn và kế hoạch điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Các công cụ AI được thiết kế giúp phân tích dữ liệu lâm sàng lớn, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và khả năng của bác sĩ lâm sàng. Các công cụ này được trang bị khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và nhận dạng giọng nói, tự động hóa các tác vụ như sao chép, giúp bác sĩ lâm sàng tập trung vào chăm sóc bệnh nhân.
Thông qua các thiết bị chẩn đoán hiện đại như: máy chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, máy chụp mạch số hóa xóa nền… các bác sĩ có thể đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị bệnh một cách nhanh chóng và chính xác, góp phần đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong chẩn đoán sớm, điều trị bệnh.
Đáng chú ý, những thiết bị có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả, sàng lọc sớm và điều trị các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh… ngày càng tốt hơn.
Theo các chuyên gia, hiện nay các trang bị, máy móc hiện đại đã được trang bị tới các bệnh viện tuyến tỉnh, các vật liệu can thiệp sẵn có và được BHYT chi trả một phần chi phí, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận được các kỹ thuật cao.
Thái Bình