Vaccine đã được phân bổ: Các tỉnh, thành tổ chức tiêm chủng thường xuyên, tiêm bù cho trẻ
Để nâng cao miễn dịch cộng đồng cho trẻ em và phụ nữ, chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông - Xuân 2024, các địa phương tổ chức tiêm thường xuyên và tiêm bù mũi vaccine trong tiêm chủng mở rộng đã được phân bổ.
Để tăng cuờng triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm bù mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian thiếu cung ứng một số vaccine, nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng cho trẻ em và phụ nữ, chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông - Xuân 2024, Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm phòng chống dịch bệnh 63 tỉnh, thành phố về việc tổ chức tiêm thường xuyên và tiêm bù mũi vaccine trong tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tể Trung ương đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm phòng chống dịch bệnh 63 tỉnh, thành phố khẩn trương phân bổ và vận chuyển vaccine đến các cơ sở tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận.
Đặc biệt lưu ý cấp phát, triển khai tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh. Duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên các vaccine trong tiêm chủng mở rộng đã được cung ứng từ tháng 1/2024.
Đồng thời, thông báo cho các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm chủng đủ mũi vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh. Tiêm bù mũi cho đối tượng trẻ dưới 1 tuổi của năm 2023; Rà soát đối tuợng chưa đuợc tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo lịch tiêm chủng bao gồm cả trẻ trên 1 tuổi, tổ chức tiêm bù đủ mũi cho các đối tượng sớm đạt độ bao phủ tiêm chủng trên 90%.
Tiêm bù mũi cho đối tượng trẻ 18 - 24 tháng tuổi của năm 2023:
Đối với vaccine DPT (vaccine phòng bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván), theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vaccine DPT có thể tiêm cho trẻ tới 48 tháng tuổi. Các địa phương rà soát trẻ là dối tượng của năm 2023 chưa được tiêm vaccine DPT cần sớm thực hiện tiêm bù mũi.
Đối với vaccine sởi-rubella có thể tiêm chủng cho trẻ trên 24 tháng tuổi.
Tổ chức tiêm chủng đảm bào an toàn theo các hướng dẫn của Bộ Y tế đã ban hành, đặc biệt tuân thủ thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn, hướng dẫn cho cha me chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi tiêm chủng.
Trước đó, thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, 10 loại vaccine khác sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đặt mua từ các nhà sản xuất trong nước, từ ngày 3/1 đã bắt đầu được phân bổ, chuyển đến Viện Pasteur/Viện dịch tễ, khu vực bằng đường bộ và đường hàng không.
Cụ thể bao gồm 1.550.000 liều vaccine phòng Lao (BCG), 1.000.000 liều vaccine viêm gan B, 4.980.000 liều vaccine bại liệt uống (OPV), 1.900.000 liều vaccine sởi, 1.700.000 liều vaccine sởi-rubella, 1.400.000 liều vaccine viêm não Nhật Bản, 1.531.000 liều vaccine phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT), 1.472.240 liều vaccine uốn ván, 1.377.000 liều vaccine uốn ván – bạch hầu (Td).
"Số lượng 9 loại vaccine này đủ để tiêm chủng bù mũi cho trẻ em chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024"- Phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết. Riêng 549.164 liều vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp, là vaccine mới sẽ đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi, dự kiến sẽ được triển khai từ Quý II năm nay.
Bài và ảnh Thái Bình