Về đích đúng hạn để đổi mới y tế cơ sở
Các trạm y tế được đầu tư xây mới, nâng cấp từ kinh phí của dự án "Đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở" đều khang trang, rộng rãi, trang bị ghế ngồi đợi khám, quạt mát… Người dân đến khám chữa bệnh hài lòng hơn, cán bộ y tế làm việc trong điều kiện tốt hơn.
Tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp về kết quả giám sát của Ngân hàng thế giới trong đợt giám sát lần thứ 9 với dự án "Đầu tư, xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở".
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Ngân hàng thế giới, Ban Quản lý dự án Trung ương, lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan thuộc Bộ Y tế. Cuộc họp kết nối từ điểm cầu Bộ Y tế đến điểm cầu 13 tỉnh, thành phố thụ hưởng dự án.
"Áo mới" của y tế cơ sở
Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng thế giới tại cuộc họp, dự án nhìn chung tương đối đạt yêu cầu, theo đó tiến độ dự án trong việc đạt mục tiêu phát triển của dự án cũng như tiến độ thực hiện đều được đánh giá ở mức độ chấp nhận được. Sau lần giám sát trước đó của Ngân hàng thế giới, tiến độ triển khai thực hiện dự án tại các tỉnh thụ hưởng đã tiếp tục được đẩy nhanh. Ngân hàng thế giới cũng ghi nhận đây là dự án được đánh giá tốt nhất trong các dự án y tế do Ngân hàng thế giới tài trợ tại Việt Nam.
"Chúng tôi hy vọng kết thúc dự án đúng thời hạn và cơ bản hoàn thành các hoạt động mong muốn" - PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc dự án nói.
Về tiến độ giải ngân, dự kiến đến cuối năm nay, dự án sử dụng gần 90% tổng kinh phí. Kinh phí kết dư (do chênh lệch tỷ giá, tiết kiệm từ hoạt động đấu thầu…) vào khoảng 10-11%.
Dẫn chứng kết quả thực tiễn trong đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho mạng lưới y tế cơ sở tại 13 tỉnh dự án, đại diện Ban Quản lý dự án Trung ương cho biết tới nay dự án đã hoàn thành 378 công trình (bao gồm xây mới, sửa chữa và nâng cấp), trong đó có 368 trạm y tế; đặc biệt có 5 tỉnh đã hoàn thành toàn bộ công tác xây dựng, bao gồm Hòa Bình, Yên Bái, Trà Vinh, Hậu Giang và Ninh Thuận.
Bộ mặt y tế cơ sở tại các tỉnh dự án được đánh giá đã có nhiều thay đổi tích cực, trạm y tế được đầu tư khang trang, đẹp đẽ, rộng rãi, có 7-12 phòng chức năng và phòng làm việc, tùy theo quy mô dân số từng địa phương… Đối với 95 công trình hiện đang thi công, gồm 90 trạm y tế và 5 trung tâm y tế, Ban Quản lý dự án Trung ương cho biết dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2024.
Về cung cấp trang thiết bị y tế, tăng cường quản lý các vấn đề sức khỏe ưu tiên, hiện có 4/13 tỉnh đã thành hoàn thành công tác mua sắm và ban giao trang thiết bị y tế, 8 tỉnh còn lại dự kiến hoàn thành công tác mua sắm chậm nhất trong tháng 11/2024…
Đối với công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ mạng lưới y tế cơ sở, Ban Quản lý Dự án Trung ương cho biết dự án đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan đào tạo được gần 1.900 lượt giảng viên tuyến tỉnh (đạt 96% so với kế hoạch tổng thể) và gần 24.500 lượt học viên là cán bộ y tế cơ sở (đạt khoảng 85,2% so với nhu cầu, tăng hơn 32% so với thời điểm tháng 10/2023).
Hoạt động xây dựng và áp dụng Bảng kiểm chất lượng đối với các trạm y tế xã được đánh giá là điểm sáng của dự án, xét trên khía cạnh tỷ lệ trạm y tế xã áp dụng (dự kiến tới cuối năm 2024 đạt 56%, gấp hơn 2 lần so với kế hoạch ban đầu) cũng như khía cạnh tác động tới chính sách (hiện quá trình đánh giá sáng kiến áp dụng Bảng kiểm chất lượng tại trạm y tế xã đang được tiến hành để cung cấp bằng chứng cho Bộ Y tế nhằm triển khai trên quy mô lớn hơn).
Vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt tiến độ, vì sao?
Tại cuộc họp, Ngân hàng thế giới và Ban Quản lý dự án Trung ương cũng thẳng thắn cho hay, mặc dù dự án đạt được nhiều kết quả khả quan, một số hoạt động dự án (như truyền thông, hỗ trợ chính sách và sáng kiến đổi mới) chưa đạt tiến độ mong muốn. Ngoài ra, 2 chỉ số là chỉ số duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 90% và số lượt khám chữa bệnh/người/năm tại trạm y tế xã vẫn chưa đạt mục tiêu như thiết kế ban đầu.
Nguyên nhân cơ bản được đánh giá là dự án phải triển khai trong bối cảnh không thuận lợi, có nhiều yếu tố ngoại cảnh cản trở nằm ngoài tầm kiểm soát. Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, ngay khi dự án vừa khởi động, đại dịch COVID-19 đã xảy ra khiến trong gần 2 năm, hầu hết hoạt động dự án giảm mạnh tiến độ hoặc thậm chí ngừng trệ.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách về giải ngân và quản lý dự án ODA của Chính phủ đã có những thay đổi so với thời điểm Bộ Y tế xây dựng dự án, chằng hạn Thông tư 219/TT- BTC của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho dự án ODA hết hiệu lực trong khi chưa có Thông tư thay thế, tạo nên khoảng trống lớn về chính sách, gây ảnh hưởng tiêu cực các hoạt động đào tạo, giám sát đánh giá, hỗ trợ chính sách của dự án.
Bên cạnh các yếu tố khách quan, năng lực quản lý dự án của một số địa phương còn chưa theo kịp yêu cầu trong tình hình mới, với mô thức quản lý dự án mới theo đó các tỉnh được trao quyền chủ động tối đa, với tư cách là chủ đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh.
Phân tích làm rõ thêm nguyên nhân khiến chỉ số duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên 90% hiện chưa đạt mục tiêu, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho hay năm 2023 là giai đoạn ngành y tế gặp nhiều khó khăn trong mua sắm đấu thầu khiến vaccine sử dụng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn cung ứng trên quy mô toàn quốc.
"Thực tế này đã làm giảm tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Do vậy việc các tỉnh thụ hưởng dự án không đạt được chỉ tiêu này là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận và điều này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của dự án" - PGS. Hằng bày tỏ.
Về chỉ số lượt người dân đến khám tại trạm y tế chưa đạt mục tiêu mong muốn, Giám đốc dự án Phan Lê Thu Hằng đã phân tích một số nguyên nhân được xem có ảnh hưởng tiêu cực tới việc sử dụng dịch vụ y tế tại các trạm y tế xã như danh mục thuốc thiết yếu còn hạn chế, tình trạng thiếu thuốc tại các trạm y tế khá phổ biến, chính sách thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT khiến người dân dễ dàng bỏ qua các cơ sở y tế tuyến đầu…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, cần có những đánh giá sâu hơn về vấn đề này, chẳng hạn số liệu giám sát đánh giá dự án cần được phân tổ để so sánh số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế xã giữa các tỉnh dự án, giữa các tỉnh dự án với các tỉnh lân cận có sự tương đồng về kinh tế xã hội; số lượt khám chữa bệnh tại tuyến huyện và tuyến tỉnh trong cùng thời kỳ cũng cần được phân tích nhằm tìm hiểu mối liên hệ tiềm tàng với xu hướng giảm tỷ lệ sử dụng trạm y tế xã.
Tiếp tục sát sao, kịp thời tháo gỡ để đảm bảo tiến độ xây dựng trạm y tế, mua sắm thiết bị
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao nỗ lực của Ban Quản lý Dự án Trung ương cũng như sự đồng hành hỗ trợ của Ngân hàng thế giới trong triển khai các hoạt động của dự án như giám sát hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị y tế cơ bản, đào tạo nhân lực…
Về phía các địa phương thụ hưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng các tỉnh đã có nhiều cố gắng, qua mỗi lần đoàn Ngân hàng thế giới và Ban Quản lý Trung ương đi kiểm tra, giám sát đều thấy có nhiều đổi mới, tiến độ triển khai thực hiện dự án đã được đẩy nhanh hơn.
"Các trạm y tế được đầu tư xây mới, nâng cấp từ nguồn kinh phí của dự án đều khang trang, rộng rãi, trang bị ghế ngồi đợi khám, quạt mát… người dân đến khám chữa bệnh cảm thấy hài lòng hơn, cán bộ y tế cũng được làm việc trong điều kiện tốt hơn" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cho rằng một số mục tiêu của dự án vẫn chưa đạt tiến độ mong muốn, bên cạnh những khó khăn do thực tế khách quan, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tới điểm yếu là ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án nhiều địa phương chưa thực sự sát sao.
"Giai đoạn đầu nhiều tỉnh thụ hưởng không có Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, khi Bộ Y tế tổ chức họp, qua nắm bắt tình hình, chúng tôi yêu cầu địa phương phải có Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm rõ ràng, công việc mới được triển khai thuận lợi" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Ban quản lý dự án Trung ương, Ngân hàng thế giới cùng 13 tỉnh thụ hưởng đồng tâm hiệp lực, nỗ lực tối đa để đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động còn lại, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ và thời hạn, kể cả chỉ tiêu giải ngân. Cùng đó, cần chuẩn bị hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện để phục vụ đóng dự án vào cuối năm nay.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan, 13 tỉnh phải có kế hoạch thực hiện cụ thể các chỉ tiêu của dự án từ nay đến cuối năm; rà soát kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến tài chính, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ trước ngày 30/5/2024.
Về phía các tỉnh đang triển khai tiếp các hạng mục xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trạm y tế và mua sắm trang thiết bị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu cần đôn đốc sát sao nhà thầu, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các Ban Chỉ đạo các tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan đảm bảo bố trí vốn, thanh toán vốn liên quan đến dự án triển khai trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nợ đọng đầu tư công…