Bộ Y tế nói gì về phản ánh nhiều đoàn kiểm tra một cơ sở cùng một nội dung?
Bộ Y tế đã có phản hồi ý kiến cử tri phản ánh tình trạng có quá nhiều đoàn cùng kiểm tra một cơ sở về một nội dung trong cùng thời điểm, gây phiền hà cho các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh trong công tác an toàn thực phẩm.
Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, với lĩnh vực y tế, cử tri phản ánh tình trạng có quá nhiều đoàn cùng đến kiểm tra một cơ sở về cùng nội dung trong một thời điểm, gây phiền hà cho các đơn vị, hộ sản xuất, kinh doanh trong công tác an toàn thực phẩm.
Về nội dung này, Bộ Y tế cho biết nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra đã được quy định tại Điều 55 Luật Thanh tra và nguyên tắc kiểm tra được quy định tại thông tư 48/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư 17/2023/ TT-BYT do Bộ Y tế ban hành sửa đổi và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành.
Bộ Y tế cho biết, để tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm theo quy định, hằng năm, Bộ Y tế xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra; đồng thời, Bộ Y tế với trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm - thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm.
Trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gồm: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, các bộ, ngành thành viên ban chỉ đạo và UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo trách nhiệm được phân công.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh triển khai hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho hệ thống thanh tra ở các địa phương, đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
Thái Bình