Tổ chức Y tế thế giới cam kết chung tay với Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khoẻ
Tổ chức Y tế thế giới chúc mừng Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế về những thành tựu rất có ý nghĩa trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em giảm đáng kể, cùng đó Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng về phòng chống HIV và sốt rét; hơn 90% người dân tham gia BHYT...
Đây là những nhấn mạnh của ông Saia Ma'u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương trong buổi đến thăm và làm việc tại Bộ Y tế Việt Nam sáng nay (13/5).
Tham dự buổi tiếp ông Saia Ma'u Piukala có Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ/Vụ/Cục/Viện/Bệnh viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.
Tham dự đoàn WHO khu vực Tây Thái Bình Dương có TS.BS Trần Thi Giáng Hương, Giám đốc, Chương trình Kiểm soát Bệnh tật; TS Gina SAMAAN, Giám đốc, Chương trình Y tế khẩn cấp; TS. Annie Chu, Trưởng nhóm, Bảo hiểm Y tế Toàn dân và Kiểm soát Dịch bệnh; Bà Laura Davison, cán bộ điều hành của văn phòng Giám đốc khu vực và TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam.
WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam làm chủ và cập nhật công nghệ vaccine mNRA
Thay mặt Bộ Y tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế nồng nhiệt chúc mừng ông Saia Ma'u Piukala được bầu chọn giữ chức vụ Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ của WHO trong suốt 76 năm qua đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực y tế, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước đây và các mục tiêu phát triển bền vững hiện nay, đặc biệt là các mục tiêu về y tế.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong công cuộc ứng phó với phòng chống đại dịch COVID-19, WHO đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong thấp nhất (đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đại dịch) đồng thời là quốc gia có tốc độ phục hồi kinh tế nhanh nhất hậu COVID-19 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
"Điều này đạt được là nhờ sự hỗ trợ chặt chẽ của WHO. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của WHO trong việc kiểm soát virus này và các mối đe dọa đại dịch tiềm ẩn khác trong tương lai"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Thông tin với Tổng Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Trung tâm điều phối của WHO đặt tại BV Bệnh Nhiệt đới TW sẽ là một bộ phận trong hệ thống hợp tác quốc tế nhằm triển khai, thực hiện các chương trình y tế toàn cầu dưới sự hướng dẫn của WHO. Văn phòng khu vực này thực hiện các chương trình liên quan đến giám sát, phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của WHO.
Bộ Y tế cũng bày tỏ vui mừng khi Việt Nam được WHO lựa chọn là quốc gia được nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA. Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 cũng như tạo điều kiện cho tất cả các nước có cơ hội tiếp cận vaccine một cách công bằng nhất, WHO cùng các đối tác là MPP (Tổ chức bằng sáng chế thuốc), COVAX đã thành lập Trung tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA tại Nam Phi.
Việt Nam là một trong số 15 nước trên thế giới cũng như là quốc gia duy nhất của khu vực Châu Á Thái Bình Dương được tiếp cận công nghệ này.
"Với năng lực và sự nhiệt huyết của các nhà sản xuất cũng như quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của WHO và các đối tác để có thể làm chủ và cập nhật công nghệ vaccine mNRA trong tương lai, qua đó sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vaccine ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Chia sẻ thêm về nội dung liên quan đến vaccine, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Việt Nam dù đã chủ động sản xuất và đặt hàng 10 vaccine trong nước phục vụ tiêm chủng mở rộng nhưng kỹ thuật, công nghệ sản xuất chưa thực sự phát triển, do đó Bộ Y tế đề nghị WHO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong sản xuất tất cả các vaccine phục vụ phòng chống dịch.
"Mặc dù Việt Nam có kinh nghiệm trong nghiên cứu phát triển vaccine và thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ, tuy nhiên mRNA là một công nghệ hoàn toàn mới nên rất cần WHO tăng cường hỗ trợ đào tạo thêm về công nghệ sản xuất cũng như tăng cường đào tạo đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh thêm.
Cùng đó, Bộ Y tế mong muốn WHO tại Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong truyền thông tiêm chủng vaccine phòng chống dịch để người dân yên tâm tiêm chủng theo khuyến cáo.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm, Bộ Y tế đã và đang xây dựng Kế hoạch Quốc gia để ứng phó với sự cố khẩn cấp về y tế công cộng và dịch bệnh mới nổi, thời gian qua WHO đã đồng hành và hỗ trợ Bộ Y tế nội dung này. Tuy nhiên Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Kế hoạch này cũng như đang trong tiến trình xây dựng dự thảo Luật Phòng bệnh, do vậy mong muốn WHO tiếp tục hỗ trợ chuyên gia, rà soát, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với Bộ Y tế.
Mong muốn WHO hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng, hoàn thiện thể chế, ứng phó với già hóa dân số và biến đổi khí hậu
Tại buổi tiếp ông Saia Ma'u Piukala, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng chia sẻ thêm: Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của WHO trong các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, hỗ trợ xây dựng/sửa đổi Luật Dược, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị Y tế, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Ghép mô tạng…; quy định về mua sắm, định giá;
Cùng đó WHO hỗ trợ, truyền đạt các quy tắc và qui chuẩn toàn cầu của WHO áp dụng vào bối cảnh Việt Nam, nhằm hỗ trợ bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam;
Ngoài ra còn có các vấn đề liên quan đến sức khỏe, từ kiểm soát dịch bệnh, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh nói chung, thúc đẩy lối sống lành mạnh và xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ y tế quốc gia hiệu quả và bền vững – phù hợp với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Cùng đó theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan có 2 nội dung nữa ngành y tế Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ gồm ứng phó với già hóa dân số và ứng phó với biến đổi khí hậu tác động đến chăm sóc sức khoẻ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh: Bộ Y tế tái khẳng định việc tham gia tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc của WHO nhằm nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi người. Bộ Y tế mong muốn WHO, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, cá nhân ông Saia Ma'u Piukala cũng như WHO Việt Nam và TS Angela Pratt sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với ngành y tế Việt Nam.
WHO sẵn sàng hỗ trợ về phòng chống dịch và các vấn đề Việt Nam quan tâm
Phát biểu tại Bộ Y tế, ông Saia Ma'u Piukala bày tỏ cảm ơn cá nhân Bộ trưởng Đào Hồng Lan và Bộ Y tế đã dành cho ông và đoàn WHO sự đón tiếp trọng thị, ấm cúng; đồng thời ông đánh giá những thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra hôm nay về những quan tâm của Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông Saia Ma'u Piukala nhấn mạnh: Việt Nam đã có những ứng phó rất hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 rất thần tốc, hiệu quả.
"Có rất nhiều điều các nước khác có thể học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam"- ông Saia Ma'u Piukala bày tỏ và thông tin về 3 chủ đề - đồng thời cũng là 3 ưu tiên không thể thiếu trong tầm nhìn của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2024 – 2029, gồm:
- Thứ nhất, thúc đẩy cách tiếp cận tổng hợp để phát triển hệ thống y tế, trong đó có sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu để đạt bao phủ sức khỏe toàn dân.
- Thứ hai, đẩy nhanh hành động chăm sóc sức khỏe trước tác động biến đổi khí hậu.
- Thứ ba, sẵn sàng chủ động để ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi.
"WHO khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên với các ưu tiên phù hợp"- ông Saia Ma'u Piukala khẳng định.
Chia sẻ với Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ông Saia Ma'u Piukala đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam và cá nhân Bộ trưởng trong việc tiếp cận vaccine phục vụ phòng chống dịch, trong đó có dịch sởi.
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ quan tâm đến nguy cơ tái bùng phát dịch sởi tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, WHO sẽ sẵn sàng hỗ trợ vấn đề này khi Bộ Y tế có đề xuất.
Đồng thời phía WHO cũng cho biết WHO luôn ủng hộ các chính sách nghiêm ngặt nhất với thuốc lá điện tử.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh, sức khỏe người dân càng tốt, kinh tế - xã hội phát triển càng bền vững; đồng thời cam kết chung tay với Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của khu vực và thế giới.
"Đặc biệt, WHO cảm ơn hỗ trợ của Bộ Y tế cho kế hoạch làm việc theo phong cách mới trong mối quan hệ hợp tác giữa WHO và Bộ Y tế. Đây là hợp tác hình mẫu cho các quốc gia khác" - ông Saia Ma'u Piukala nói.
Thái Bình/Ảnh: Trần Minh