Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Bảo đảm cho mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất'
Đây là nhấn mạnh của GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới vì trẻ sinh non vừa được Bộ Y tế, UBND tỉnh Bắc Ninh và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF phối hợp tổ chức sáng 16/11 tại Bắc Ninh.
Tham dự buổi lễ có bà Silvia Dalainov - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam và lãnh đạo một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế. Về phía tỉnh Bắc Ninh có ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Những bước tiến vượt bậc về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành sơ sinh
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
Việt Nam đã thực hiện thành công và hoàn thành trước thời hạn về các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em từ năm 2015 đến năm 2023, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Cụ thể, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 22,1 phần nghìn xuống 18,2 phần nghìn; ở trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 14,7 phần nghìn xuống còn 12,1 phần nghìn và ở trẻ sơ sinh giảm từ 12 phần nghìn xuống còn 9,8 phần nghìn.
Việt Nam đang tích cực thực hiện các giải pháp, các can thiệp chuyên môn để giảm tử vong sơ sinh, trong đó đặc biệt chú trọng đến giảm tử vong trẻ sơ sinh nhẹ cân/non tháng.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trên thế giới cứ 10 trẻ sinh ra có 1 trẻ sinh non và Việt Nam cũng vậy. Theo báo cáo, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh.
'Việt Nam đã có những bước tiến nhanh vượt bậc về chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành sơ sinh, chúng ta đã điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng thành công nhiều trẻ sinh non/nhẹ cân dưới 500gr, đã mang lại niềm vui bất tận đối với nhiều gia đình có trẻ sinh non', Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Bà Silvia Dalainov - Trưởng đại diện UNICEF chúc mừng và đánh giá cao những thành công mà Việt Nam đã đạt được.
Bà Silvia Dalainov nhấn mạnh, Việt Nam đã rất thành công trong chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân, đặc biệt là áp dụng các phương pháp da kề da sau sinh, phương pháp Kangaroo đơn giản nhưng mang lại hiệu quả lớn. UNICEF sẽ nỗ lực tập trung xây dựng triển khai kế hoạch hành động nâng cao kiến thức thực hành nhằm mang lại hiệu quả thực sự to lớn cho trẻ sinh non, nhẹ cân tại Việt Nam cũng như 13 triệu trẻ em sinh non trên toàn thế giới.
Thu hẹp dần khoảng cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em giữa các vùng miền
Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ, bên cạnh những bước tiến vượt bậc về cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em trong toàn quốc, vẫn còn những thách thức lớn đang đặt ra cho Việt Nam và 3 vấn đề chính cần được sự quan tâm đặc biệt:
- Đó là sự khác biệt khoảng cách về sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 2-3 lần so với thành thị, thậm chí tử vong mẹ của người dân tộc thiểu số H'Mông cao gấp 7 lần so với người Kinh;
- Thứ hai là tốc độ giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ dưới 5 tuổi.
- Thứ 3 là tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với các nước phát triển.
Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam cần phải có nhiều cố gắng hơn nữa vào các can thiệp giảm tử vong sơ sinh, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh do đẻ non/nhẹ cân, bảo đảm cho mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, tất cả trẻ em sinh ra đều được sống, phát triển toàn diện và góp phần hướng tới một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh về thể chất, trong sáng về tinh thần và phát triển về trí tuệ.
Theo đó, để giảm tình trạng này, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành Y tế, cần có sự phối hợp của các Bộ/ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, sự chung tay của cộng đồng, ý thức và thực hiện chăm sóc sức khỏe của phụ nữ có thai...
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ và đóng góp nhiều hơn nữa của UNICEF cũng như các tổ chức thế giới trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ thêm, ngành y tế đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, công tác đào tạo chuyển giao chăm sóc y tế được triển khai khắp các tỉnh thành phố. Một số cơ sở y tế tuyến tỉnh đạt trình độ ngang bằng với trung ương khi đã thực hiện nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non, nhẹ cân, có trẻ nặng 500g.
Bộ Y tế triển khai loạt biện pháp như phát triển công nghệ thông tin, đào tạo chỉ đạo tuyến, khám chữa bệnh từ xa (Teleheath), đề án cấp cứu ngoại viện, thực hiện Dự án 585 để lựa chọn bác sĩ giỏi có chuyên môn cao học tập đào tạo trung ương và tăng cường về vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế khó khăn… để trong thời gian không xa giảm dần khoảng cách y tế giữa nông thôn với thành thị, giữa đồng bằng với miền núi nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng.
Ngày thế giới vì trẻ sinh non năm 2024 với chủ đề: "Đảm bảo mọi trẻ sinh non đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất" và các thông điệp:
- Chăm sóc trẻ sinh non là trách nhiệm của tất cả chúng ta, hãy cùng nhau hành động;
- Mỗi hành động nhỏ đều có thể tạo nên sự khác biệt lớn đối với trẻ sinh non;
- Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo, tiếp xúc da kề da giúp trẻ sinh non phát triển tốt hơn;
- Hãy cùng nhau giảm thiểu tỷ lệ sinh non bằng cách nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
H.Nguyên