Sốt xuất huyết tăng cao ở TPHCM, nhiều ca nặng, suy đa tạng
3 bệnh viện nhi tại TPHCM liên tục ghi nhận ca sốt xuất huyết, nhiều ca nhập viện trong tình trạng nặng, suy đa tạng, nguy kịch do chủ quan.
Sốt xuất huyết tăng cao, nhiều trường hợp nhập viện trễ
Hiện khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị nội trú cho 60 ca sốt xuất huyết, trong đó có 12 ca nặng.
Trung bình mỗi ngày khoa Sốt xuất huyết của bệnh viện này tiếp nhận điều trị 5 ca sốt xuất huyết mới. Trong khi trước đó, mỗi ngày chỉ tiếp nhận khoảng 2-3 ca/ngày.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ ngày 1-12/11, bệnh viện đã tiếp nhận 82 ca sốt xuất huyết nhập viện. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 15 ca, trong đó 2 ca nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đang điều trị nội trú cho 14 ca sốt xuất huyết, trong đó có 5 ca nặng và 1 trường hợp rất nặng.
Các bác sĩ nhận định, so với một tháng trước, số bệnh nhi nhập viện và điều trị sốt xuất huyết có xu hướng tăng. Nhiều trường hợp gia đình chủ quan, nhập viện trễ trong tình trạng nặng, sốc, suy đa cơ quan.
Nguy kịch, suy đa tạng do sốt xuất huyết
Bệnh nhân N.H.K. (nam, sinh năm 2022, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết.
BS.CKI Võ Thành Luân – Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực Nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh nhi K. được khẩn trương hỗ trợ hô hấp, chống sốc, vận mạch, truyền nhiều chế phẩm máu.
Tình trạng suy gan cấp không cải thiện nên bệnh nhân được lọc máu kết hợp thay huyết tương (3 chu kỳ thay huyết tương). Bên cạnh tổn thương gan, bệnh nhi còn bị tổn thương tim, thận và viêm tuỵ cấp dẫn đến tình trạng nôn mửa liên tục.
Sau quá trình lọc máu, tình trạng gan của bệnh nhi được cải thiện nhưng thận bị tổn thương nặng, vô niệu nên bệnh nhi được lọc máu liên tục hỗ trợ hai tuần.
Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực Nhiễm và COVID-19 nhận định: "Bệnh nhân suy đa tạng do mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tử vong rất cao (2/3 trường hợp theo y văn)".
Bệnh nhi được nhận định điều trị rất khó khăn và tốn kém. Việc theo dõi chống sốc cần thực hiện liên tục và xuyên suốt đến khi tình trạng dần cải thiện. Do tình trạng suy giảm miễn dịch vì suy gan cấp, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp can thiệp kỹ thuật cao, việc kiểm soát nhiễm trùng cần vô cùng nghiêm ngặt.
Bên cạnh điều trị, bệnh nhi được hỗ trợ tập vật lý trị liệu thường xuyên để chống loét do nằm lâu, tiến hành cai máy thở khi còn đang lọc máu liên tục để có thể vận động sớm, giúp giảm nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng.
Sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh nhi đã khoẻ mạnh, không để lại di chứng và đã được xuất viện.
BS.CK1 Võ Thành Luân khuyến cáo, hiện tại các địa phương đã bước vào mùa mưa. Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue thường tăng cao do điều kiện môi trường thuận lợi cho muỗi Aedes – tác nhân chính truyền bệnh phát triển.
Sốt xuất huyết Dengue có thể bị nhầm lẫn với các loại sốt thông thường, dẫn đến nguy cơ bỏ sót bệnh nếu không nhận diện đúng các triệu chứng ban đầu. Vậy nên, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như sốt cao liên tục không hạ sau 2-3 ngày; đau đầu, đặc biệt là ở vùng sau mắt; đau cơ và khớp đôi khi kèm phát ban hoặc xuất huyết dưới da; buồn nôn, mệt mỏi, hoặc đau bụng… cần đưa trẻ tới bệnh viện để được hỗ trợ và điều trị kịp thời.
Khi mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân cần được theo dõi sát và thăm khám mỗi ngày, cần nhập viện nếu có chỉ định của bác sĩ. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như đau bụng vùng hạ sườn phải; nôn ói liên tục hoặc nôn nhiều lần trong ngày; chảy máu bất thường: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da (vết bầm tím, nổi chấm đỏ), tiểu ra máu; mệt lả, bứt rứt, hoặc khó chịu bất thường; tay chân lạnh, mạch nhanh, rịn mồ hôi – dấu hiệu có thể cho thấy cơ thể đang bị sốc; tiểu ít hoặc không tiểu trong nhiều giờ… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh diễn tiến nghiêm trọng.
Phạm Thương