Nhiều hiểm nguy khi mắc sốt xuất huyết nặng mới đến viện
Một số người bị sốt xuất huyết ở Khánh Hòa tự điều trị tại nhà, khi quá nặng mới đến bệnh viện nên việc cứu chữa khó khăn, có người đã tử vong.
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là địa phương lưu hành bệnh sốt xuất huyết nhiều năm qua, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 3.500 người mắc sốt xuất huyết. Số người mắc sốt xuất huyết ghi nhận nhiều vào những tháng cuối năm do thời tiết những tháng này nhiều mưa, độ ẩm cao. Nhiều địa bàn ở Khánh Hòa có ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn các năm trước như Thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Sơn…
Đặc biệt, tại Khánh Hòa có một số người mắc sốt xuất huyết tự điều trị tại nhà, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế nên việc cứu chữa khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Ngày 7/12, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: "Nhiều người dân bị sốt xuất huyết vẫn chủ quan, mắc bệnh không đến bệnh viện sớm. Điều này tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy. Cụ thể như, khi bị sốt xuất huyết nặng mới đến bệnh viện, người bệnh có thể lâm vào tình trạng sốc sốt xuất huyết, nặng hơn là suy đa tạng và có thể tử vong. Điển hình như mới đây, một người đàn ông ở Nha Trang (Khánh Hòa) bị sốt xuất huyết nhưng tự mua thuốc, tự điều trị tại nhà. Sau 4 ngày tự điều trị, bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhân mới đến một cơ sở y tế khám, sau đó được chuyển tiếp đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa cấp cứu nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong vì bệnh quá nặng".
Cũng theo bác sĩ Toàn, từ nay đến Tết Ất Tỵ, số người mắc sốt xuất huyết ở Khánh Hòa được dự báo còn gia tăng nên người dân phải xóa bỏ ngay sự chủ quan.
"Mỗi gia đình hãy thường xuyên vệ sinh nơi mình sinh sống, đồng thời phát quang bụi rậm, phối hợp tốt với địa phương, nhân viên y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy. Các trường học và phụ huynh dạy các em học sinh thấy chai, hũ, lọ, hộp sữa, bát sành vỡ... có chứa nước trong khuôn viên trường học thì nhặt hoặc dùng dụng cụ hốt bỏ vào thùng rác. Đồng thời, lý giải cho các em hiểu những dụng cụ này tiềm ẩn nguy cơ trở thành ổ lăng quăng, bọ gậy gây bệnh sốt xuất huyết. Các cấp chính quyền từ cấp xã phải tăng cường huy động lực lượng tham gia diệt bọ gậy, lăng quăng phòng sốt xuất huyết chứ không giao hết cho nhân y tế.
Khi người dân có triệu chứng bị sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau thắt lưng…nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được thăm khám, tư vấn điều trị. Nếu để quá 3 ngày mới đưa đến bệnh viện sẽ rất khó điều trị, bệnh chuyển biến nặng rất nhanh", bác sĩ Tôn Thất Toàn chia sẻ và khuyến cáo.
Đông Hưng