Đề xuất mức tiền phạt về an toàn thực phẩm gấp 2 lần quy định chung
Việc đề xuất mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt để tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên quan an toàn thực phẩm, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh...
Đề xuất tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính về ATTP
Tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hà Nội vừa diễn ra, trình bày dự thảo Tờ trình của UBND TP và Nghị quyết của HĐND TP về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với lĩnh vực ATTP và triển khai thi hành Luật Thủ đô, Sở đã báo cáo UBND TP xem xét, đề nghị Thường trực HĐND TP chấp thuận chủ trương ban hành Nghị quyết, theo hướng tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Cụ thể, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực ATTP.
Mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính là mức tối đa theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024. Việc đề xuất mức tiền phạt bằng 2 lần mức tiền phạt để tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên quan ATTP, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thời gian qua, công tác ATTP luôn được lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo sát sao, Sở Y tế cùng các ngành liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn về bảo đảm ATTP, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP các cấp.
Cần tăng cường tuyên truyền; khuyến khích vai trò giám sát của nhân dân về ATTP
Góp ý vào các dự thảo Tờ trình và Nghị quyết, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, thành viên các hội đồng thành viên của MTTQ Việt Nam TP, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều có nhận định, vệ sinh ATTP luôn là lĩnh vực rất quan trọng liên quan trực tiếp sức khỏe và tính mạng của Nhân dân, tuy đã có những chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác vệ sinh ATTP - vấn đề hiện rất phức tạp, cần có mức phạt trong phạm vi cho phép để răn đe chung.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vấn đề vệ sinh ATTP liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, mặc dù cơ quan chức năng đã có chế tài xử phạt nhưng chưa đủ sức răn đe nên vẫn rất phức tạp. Việc ban hành nghị quyết là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt vấn đề vệ sinh ATTP; là cơ sở kịp thời để triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống cần quan tâm đến nhiều vấn đề, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh đường phố.
Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ thêm tình hình vi phạm ATTP hiện nay ở Hà Nội, nhất là về mức độ vi phạm, đồng thời cơ quan chức năng của thành phố cần ban hành phụ lục đi kèm để dễ thực hiện, chú trọng khâu tuyên truyền và tăng cường phân quyền cho chính quyền cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, các đại biểu cho rằng, ngoài đối tượng được quy định chung đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng quản lý, cấp phép trong lĩnh vực vệ sinh ATTP.
Để thực hiện Nghị quyết tốt nhất, đại biểu cho rằng cần thêm những biện pháp thiết thực hơn, như tăng cường tuyên truyền; khuyến khích vai trò giám sát của nhân dân, nên có hình thức khen thưởng đối với những cá nhân phát hiện hành vi vi phạm vệ sinh ATTP; bảo đảm các điều kiện để chính quyền cơ sở có đủ sức kiểm tra, giám sát.
Đối với các hành vi xử phạt tại Điều 3, cần có sự phân chia mức phạt nặng nhẹ để tránh phát sinh tiêu cực bởi Luật Thủ đô chỉ quy định mức phạt không quá 2 lần, không có nghĩa là hành vi nào cũng là 2 lần…
Để đảm bảo nghị quyết khi ban hành sớm đi vào đời sống, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội bà Nguyễn Lan Hương đề nghị đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt đẩy mạnh vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng thông qua các đường dây nóng về các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm...
Hoàng Thái