• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân

Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như trong phòng bệnh...

Đây là những thông tin được các chuyên gia nhấn mạnh tại diễn đàn Công nghệ ngành y tế: "Công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế" do Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chủ trì tổ chức hôm nay - 1/10. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ của Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại diễn đàn "Công nghệ sinh học và chuyển đổi số phục vụ phát triển ngành y tế".

 

Đổi mới sáng tạo trong y tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam

Trong phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế liên quan đến việc phát triển và thực hiện các quy trình, sản phẩm, chương trình, chính sách hoặc hệ thống mới để cải thiện sức khỏe và công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng, công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo của Chính phủ, xu hướng đổi mới sáng tạo trong y tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện, nhiều diễn đàn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y tế đã được Bộ Y tế tổ chức trong thời gian vừa qua.

"Sự đổi mới sáng tạo trong y tế giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khoẻ, trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm và thiết bị y tế" - Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế mang lại lợi ích to lớn trong chăm sóc sức khỏe người dân

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Ngô Quang - Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế phát biểu tại diễn đàn.

Trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực phòng bệnh.

Hiện công nghệ sản xuất vaccine trong nước đã đáp ứng được 11/12 loại vaccine được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các vaccine mới tiếp tục được nghiên cứu thay thế và cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng Hệ thống Quản lý quốc gia về vaccine (NRA) mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine.

Trong lĩnh vực điều trị, hiện nay nhiều bệnh viện của nước ta đã thực hiện thường quy hầu hết các kỹ thuật ghép mô, tạng quan trọng và thường gặp nhất trong lâm sàng, bao gồm ghép thận, ghép gan, ghép phổi, ghép tim, ghép tụy, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép chi thể, ghép da. Nhiều ca ghép đa tạng thành công như ghép gan-thận và ghép tim-thận.

Các thầy thuốc Việt Nam cũng làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới như phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên; phẫu thuật nội soi các bệnh lý phức tạp; ứng dụng robot định vị trong phẫu thuật cột sống; ứng dụng robot trong phẫu thuật nội soi nhi khoa.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 3.

Các thầy thuốc Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện đa khoa Xanh pôn cúi đầu tri ân người hiến tạng. Nhờ nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng và gia đình người hiến, nhiều sự sống đã hồi sinh; cùng đó các thầy thuốc Việt Nam đã có cơ hội làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong ghép tạng.

Cùng đó, để nâng cao chất lượng điều trị, chất lượng y tế tuyến dưới, các cơ sở y tế tuyến xuyên đã chuyển giao thành công các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não... tới nhiều bệnh viện tuyến huyện.

Các công nghệ sinh học phân tử được ứng dụng đã góp phần xác định nhanh, chính xác các tác nhân gây bệnh phục vụ công tác phòng chống hiệu quả các bệnh, dịch nguy hiểm. Tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme. Phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền. Nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng.

Một số công nghệ bào chế mới, hiện đại đã được nghiên cứu áp dụng vào sản xuất công nghiệp dược như công nghệ micro và nano, công nghệ bào chế giải phóng biến đổi, công nghệ bào chế giải phóng tại đích và một số công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng độ ổn định, tăng sinh khả dụng, tăng tác dụng điều trị, giảm tác dụng không mong muốn của thuốc để ứng dụng vào sản xuất các loại thuốc chất lượng cao, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, tăng khả năng tiếp cận cho người dân.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các bài thuốc y học cổ truyền, bài thuốc dân gian kết hợp với kết quả nghiên cứu hiện đại về thành phần hóa học, tác dụng dược lý - lâm sàng, hiện đại hóa dạng bào chế đã sản xuất được nhiều loại thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu đưa ra thị trường.

Sự phát triển về khoa học công nghệ y tế còn thể hiện trên lĩnh vực Việt Nam bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao: Máy laser, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa, chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ bệnh nhân COVID-19.

Thông tin tại hội nghị cho thấy thực hiện chuyển đổi số y tế, nhiều cơ sở y tế ứng dụng thành công phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện, bệnh án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Bên cạnh đó, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu, thực tế ảo đã được áp dụng rộng rãi trong y tế giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 4.

Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cùng các đại biểu tại diễn đàn.

Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế đòi hỏi phối hợp giữa các chuyên gia y khoa và 'nhiều nhà'

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: Phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để mang lại những thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

"Thông qua Diễn đàn, ngành Y tế rất mong nhận được sự hỗ trợ của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ. Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng Diễn đàn góp phần giới thiệu và kết nối tiềm năng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế giữa các tổ chức, đơn vị, các nhà phát triển công nghệ, nhà đầu tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới, ý kiến tham mưu của các giáo sư đầu ngành"- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.

Chia sẻ về nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào trong quản lý điều trị bệnh lý mạn tính, TS.BS Nguyên Huy Bình - Khoa Trị Liệu Tế bào, Bệnh viện Phổi TW cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen, xơ phổi… là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng cho gia đình của hàng triệu người dân; khoảng 3-4% người trưởng thành (từ 18-69 tuổi) từng được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

"Hạn chế trong điều trị hiện nay là cải thiện triệu chứng nhưng không thay đổi diễn biến tự nhiên của bệnh và sửa chữa tái tạo. Khi kết hợp nhiều loại thuốc, kéo dài sẽ gây ra các tác dụng phụ. Các nhà khoa học đã phối hợp với các đơn vị liên quan thử nghiệm lâm sàng sử dụng tế bào gốc trung mô trên một số bệnh như nhồi máu cơ tim, thoái hóa khớp, xơ gan…; bệnh lý tự miễn; Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), Bệnh phổi mô kẽ (ILD)"- TS Bình nói.

TS Bình cũng cho hay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã và đang hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất, nhân sự hướng tới sẵn sàng triển khai nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong hỗ trợ điều trị bệnh phổi mạn tính tại bệnh viện theo định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế...

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 5.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 6.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 7.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 8.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế góp phần mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân- Ảnh 9.

Các diễn giả phát biểu tham luận tại diễn đàn.

Về định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian tới, ngành y tế chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chyển đổi số, công nghệ sinh học trong y tế; Đồng thời, làm chủ một số công nghệ tiên tiến, phát triển và ứng dụng trong phát hiện, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh bệnh mới nổi, tái nổi và chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mạn tính không lây.

Nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các công nghệ, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị; Nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật tiên tiến để sản xuất thuốc có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến.

Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc Việt Nam thành thành phẩm.

Nghiên cứu làm chủ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất trang thiết bị y tế có chất lượng cao; Ứng dụng công nghệ tiên tiến, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm, dược, vaccine, sinh phẩm, dược liệu, trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh từ xa, nghiên cứu chính sách…

Thái Bình/ Ảnh: Trần Minh


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?