• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Bộ Y tế hỏi, 100% đại biểu 'Quốc hội trẻ em' muốn cấm thuốc lá điện tử, nung nóng

Tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, 306 đại biểu trẻ em giơ tay biểu quyết thống nhất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Trong phiên chất vấn tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II ngày 29/9, các đại biểu trẻ em và trưởng ngành giả định đã chất vấn, trả lời chất vấn, tranh luận và trả lời một cách sôi nổi, trực diện về việc phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Bộ trưởng Bộ Y tế hỏi, 100% đại biểu 'Quốc hội trẻ em' muốn cấm thuốc lá điện tử, nung nóng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Như Ý

Cần phối hợp chặt chẽ để cấm bán thuốc lá điện tử cho người dưới 18 tuổi và xử phạt hành vi bán thuốc lá điện tử cho trẻ em

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An cho biết, tình trạng gia tăng trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thời gian qua, có nguyên nhân từ việc trẻ em rất dễ tiếp cận với thuốc lá điện tử qua mạng xã hội, thậm chí các sản phẩm này được bán ngay tại cổng trường. Giá cả mặt hàng này đa dạng, nhiều sản phẩm giá rẻ vừa với túi tiền của học sinh.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em thiếu sự hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với thể chất, tinh thần và sự nhận thức của người sử dụng. Thậm chí, có những nhận thức sai lầm rằng các sản phẩm này ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống.

Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá điện tử thường được thiết kế bắt mắt, với nhiều hình thù, mùi vị làm tăng sự tò mò, muốn thử nghiệm của trẻ em. Các quy định liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng hiện còn nhiều khoảng trống; hoặc nếu có, các em cũng chưa được biết đến nên đã tùy ý sử dụng theo ý của mình.

Về giải pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế giả định cho rằng, trước tiên phải có hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm tăng cường quản lý và điều chỉnh hành vi sử dụng của học sinh. Bộ Y tế đã đề xuất cấm các sản phẩm này tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế giả định cũng đặt vấn đề về các biện pháp đồng bộ ngăn chặn phổ biến trên thị trường, ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào trong trường học với sự tham gia của ngành giáo dục, gia đình, các cơ quan quản lý thị trường, công an và thông tin - truyền thông.

Tại phiên họp giả định, khi bàn về chủ đề này, các ý kiến chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến việc học sinh sử dụng thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường là do thuốc lá điện tử dễ tiếp cận vì giá rẻ hoặc do căng thẳng từ môi trường sống, do sự nhận thức, giáo dục của gia đình chưa đúng, do muốn khẳng định bản thân, tò mò và chạy theo xu hướng cũng như không hiểu rõ tác hại lâu dài của thuốc lá, chất kích thích đối với sức khỏe.

Nhấn mạnh cần có các giải pháp căn cơ cho vấn đề này, các đại biểu trẻ em đề nghị cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để cấm bán thuốc lá điện tử cho người dưới 18 tuổi và xử phạt hành vi bán thuốc lá điện tử cho trẻ em; thiết lập các quy định rõ ràng để học sinh thay đổi nhận thức.

Bộ trưởng Bộ Y tế hỏi, 100% đại biểu 'Quốc hội trẻ em' muốn cấm thuốc lá điện tử, nung nóng- Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử trong trường học; chú trọng thực hiện các chương trình giáo dục nhằm ngăn ngừa học sinh sử dụng thuốc lá điện tử như tổ chức các hội thảo, diễn đàn có các chuyên gia; nên đưa phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích vào các môn học chính khóa một cách sinh động, thú vị và đưa thêm các hoạt động ngoại khóa về phòng, chống thuốc lá điện tử, chất kích thích…

Các cơ sở y tế đã tiếp nhận hàng nghìn ca cấp cứu hoảng loạn, ảo giác vì thuốc lá điện tử

Phát biểu sau khi lắng nghe phiên chất vấn của các đại biểu "Quốc hội trẻ em", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, rượu bia, chất ma túy, đe dọa rất lớn tới sức khỏe trẻ em nói chung, cũng như chất lượng dân số, giống nòi của đất nước.

"Các ý kiến hỏi và trả lời của các em rất là nghiêm túc, trách nhiệm thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề của trẻ em" - Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói và nhấn mạnh thêm: Muốn đất nước giàu mạnh, phồn vinh chúng ta phải có dân số khỏe mạnh về trí tuệ, thể chất. Bảo vệ chăm sóc trẻ em là chăm sóc tương lai của đất nước.

Người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng "phòng chống tác hại của thuốc lá là chủ đề rất nóng bỏng" và qua phiên họp giả định này, càng khẳng định các đề xuất của Bộ Y tế trong việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đúng hướng.

Bộ trưởng Bộ Y tế hỏi, 100% đại biểu 'Quốc hội trẻ em' muốn cấm thuốc lá điện tử, nung nóng- Ảnh 3.

Khi cả 306 đại biểu đều "đồng ý 100%" với việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng: Điều này thể hiện rằng các mong muốn của trẻ em cần được các cơ quan nghiên cứu một cách nghiêm túc.

"Chúng tôi vui mừng nghe được số liệu là 78,2% các em được tham khảo ý kiến là đề nghị cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Tại hội trường này có 306 đại biểu trẻ em, một lần nữa chúng tôi xin được lắng nghe, Đại biểu Quốc hội trẻ em nào thống nhất với đề xuất cấm thì giơ tay biểu quyết để chúng tôi khẳng định định hướng này?"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Khi cả 306 đại biểu đều "đồng ý 100%" với việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Điều này thể hiện rằng các mong muốn của trẻ em cần được các cơ quan nghiên cứu một cách nghiêm túc. Các cơ quan làm chính sách phải dựa trên thực tiễn và phải hướng đến thế hệ tương lai.

Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, bài học của một số quốc gia cho phép bán các sản phẩm này đã mang lại những hệ lụy lớn, kể cả các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada. Thực tế cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ. 

"Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điẹn tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021"-  Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết tại Việt Nam, các cơ sở y tế đã tiếp nhận hàng nghìn ca cấp cứu hoảng loạn, ảo giác vì thuốc lá điện tử. Cũng có những di chứng rất lâu dài đến sức khỏe.

Đồng thời, Bộ trưởng phân tích, người sản xuất các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chính sách tiếp thị khách hàng mới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, rất tinh vi thông qua mẫu mã, mùi hương…

Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các chất kích thích khác đối với người sử dụng là vô cùng nghiêm trọng...

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa tiếp tục nhấn mạnh: Trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt để kịp thời ngăn chặn thế hệ trẻ sử dụng, phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả một thế hệ trong tương lai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tích cực hơn nữa công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

"Đối với các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác. Về lâu dài, sẽ hoàn thiện các quy định cấm các sản phẩm này trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Tại Phiên thảo luận Tổ về chủ đề "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường" trong khuôn khổ Chương trình Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em:" lần thứ II - năm 2024, các đại biểu trẻ em đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề xuất cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các bộ, ngành để cấm bán thuốc lá điện tử và các chất kích thích cho trẻ vị thành niên; kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo thuốc lá và các chất kích thích trên mạng xã hội... Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường và nhất là các em học sinh về tác hại của thuốc lá và các chất kích thích.

Nêu rõ thực trạng lạm dụng các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, TikTok..) để quảng cáo, lan truyền thông tin nhanh chóng về thuốc lá điện tử, các chất kích thích để tiếp cận với học sinh và giới trẻ về sản phẩm của mình, đại biểu trẻ em Lê Phương Bảo Ngọc - Đoàn TP. Hà Nội đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này.

Trong đó nhấn mạnh tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh và giáo viên để hiểu được tác hại của thuốc lá và các chất kích thích; tạo môi trường an toàn, tích cực, khuyến khích học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, thể thao để giảm bớt áp lực và gia tăng sự đoàn kết với các bạn, không lôi kéo nhau sử dụng thuốc lá điện tử và các chất kích thích.

Đại biểu trẻ em Bảo Ngọc bày tỏ mong muốn Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ hơn để cấm ban hành và cấm buôn bán các chất kích thích và thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên và trẻ em dưới 18 tuổi.

Thái Bình/ Ảnh: Hà Quân - Như Ý

 


Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?