Tăng cường phòng, chống các bệnh lây từ động vật sang người
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 3 tháng đầu năm 2025 đã phát hiện 06 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 04 tỉnh, thành phố; 84 ổ dịch dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố; 07 tỉnh có ổ dịch Lở mồm long móng; 05 tỉnh có ổ dịch Viêm da nổi cục. Tiến hành tiêu hủy trên 18.926 con gia cầm và 5.200 con lợn bệnh. Đặc biệt, tại 13 tỉnh ghi nhận có 20 người tử vong do bệnh Dại và có 80 động vật buộc phải tiêu hủy do nghi mắc bệnh Dại tại 22 tỉnh, thành phố. Dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân và môi trường, nguồn cung thực phẩm.
Căn cứ Công văn số 478/SNNMT-CNTY ngày 10/4/2025 của Sở Nông nghiệp & Môi trường Hưng Yên về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Sở Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Đẩy mạnh truyền thông đến người dân về các biện pháp phòng, chống cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại, bệnh Cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người khác; tăng cường công tác truyền thông tại trường học cho trẻ em; đa dạng hóa các kênh truyền thông để nhiều người dân có thể tiếp cận.
Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực hệ thống giám sát phòng chống bệnh Dại, bệnh Cúm gia cầm, kỹ năng tư vấn và xử trí các trường hợp bị động vật cắn cho cán bộ y tế cơ sở và các điểm tiêm vắc xin phòng Dại cho người trên địa bàn tỉnh; Tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.
Dự trù, tổng hợp kinh phí mua vắc xin phòng Dại của các đơn vị trong ngành.