Ngày sức khỏe thế giới: “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng”
Từ năm 1950, ngày 07/4 được lấy làm Ngày Sức khoẻ Thế giới với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là những thách thức sức khỏe mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt. Ngày Sức khoẻ Thế giới năm 2025 được Tổ chức Y tế Thế giới phát động với chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng” nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em để dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em với ưu tiên mang lại hạnh phúc lâu dài của phụ nữ
Quyền của phụ nữ và trẻ em là một bộ phận không thể tách rời trong quyền con người và luôn được bảo vệ đặc biệt trong xã hội. Các cam kết quốc tế về quyền con người (Hiến chương Liên hiệp quốc 1945; Tuyên ngôn quốc tế 1948…) dành sự quan tâm đặc biệt đến quyền phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là quyền được giáo dưỡng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300.000 phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh con và hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên sau khi sinh; ước tính cứ 7 giây lại có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa được.
Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước, vì vậy phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em luôn có sự ưu tiên hàng đầu. Việt Nam luôn thể hiện những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình quốc gia. Bộ Y tế cũng ban hành nhiều Kế hoạch hành động, đề án về phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em và tổ chức triển khai hiệu quả với những kết quả ấn tượng trong mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao: Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023, - đứng thứ 4 các nước Đông Nam Á; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm hơn 4 lần từ 44 ‰ xuống còn 11,6‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 16,9‰; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53‰ xuống còn 9,7‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2%. Việt Nam được đánh giá là một trong 6 nước trên thế giới đạt chuẩn về tỷ lệ giảm tử vong mẹ.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Trung ương Đoàn và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cam kết tiếp tục những nỗ lực để bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là công tác phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.