Những giấy tờ cần xuất trình khi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Hiện nay vẫn còn nhiều người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) chưa biết phải mang theo những giấy tờ gì, dẫn đến nhiều trường hợp phải quay về nhà lấy hoặc phải chuyển ngày khám khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Đối với cơ sở KCB, do không thể tích hợp và tra cứu đầy đủ các thông tin liên quan đến người bệnh nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân.
Theo quy định tại Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người người tham gia BHYT khi đến KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân chứng minh về nhân thân của người đó. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT, nếu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở KCB, cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.
Đối với trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện. Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia BHYT phải có hồ sơ chuyển viện của cơ sở KCB. Còn trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở KCB.
Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan Bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ để chứng minh về nhân thân của người đó.
BSCKI Nguyễn Minh Tân, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên cho biết, khi người dân đến KCB bệnh BHYT tại bệnh viện ngoài bắt buộc phải có thẻ BHYT thì cần mang theo các giấy tờ tùy thân khác như: Căn cước công dân (CCCD), hoặc chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng hoặc hộ chiếu; nếu không có 3 loại giấy tờ này thì phải có mã định danh điện tử, bởi vì không có các loại giấy tờ này thì bệnh viện không thể đăng ký trên cổng thông tin KCB theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, hiện bệnh viện chỉ giải quyết cho các trường hợp có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định.
Nếu người dân có CCCD gắn chíp thì không cần xuất trình thẻ BHYT vì trên CCCD gắn chíp đã được tích hợp đầy đủ thông tin cá nhân liên quan. Trường hợp CCCD không gắn chíp hoặc chưa có mã số định danh mức 2 thì vẫn không được chấp nhận.
Chị Nguyễn Thị T 48 tuổi, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cho biết, tháng trước chị cắt polyp, bác sĩ hẹn ngày hôm nay tái khám nhưng chị lại quên mang thẻ BHYT và giấy hẹn của bác sĩ nên đành phải ra về.
Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 18/01/2023 các cơ sở KCB phải thực hiện Quyết định số 130/QĐ-BYT về tiêu chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí KCB và giải quyết các chế độ liên quan. Do đó, không riêng những người tham gia BHYT khi đi KCB phải mang theo đầy đủ giấy tờ quy định mà những người không có thẻ BHYT khi đi KCB cũng phải cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh nhân thân của mình cho cơ sở y tế để lưu giữ dữ liệu và thực hiện các thủ tục cần thiết khác cho bệnh nhân trên cổng thông tin của Bộ Y tế.
BS Tân cũng cho hay, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận vài trăm bệnh nhân đến KCB, trong đó có rất nhiều trường hợp không mang đầy đủ giấy tờ theo quy định, các trường hợp này bệnh viện không thể tiếp nhận vì bệnh nhân không chứng minh được nhân thân của mình. Đối với những bệnh nhân có CCCD gắn chíp thì thủ tục rất nhanh gọn, bộ phận tiếp nhận chỉ cần quét mã QR Code là có đầy đủ thông tin của bệnh nhân bao gồm cả BHYT. Trường hợp bệnh nhân không mang theo CCCD bản gốc, chỉ có bản photo thì khoa khám bệnh vẫn xem xét giải quyết nhưng thủ tục sẽ chậm hơn do phải nhập bằng tay toàn bộ dữ liệu của CCCD lên hệ thống phần mềm nên mất rất nhiều thời gian và dễ sai sót, ảnh hưởng đến lần KCB sau.
BS Tân khuyến cáo, để tránh thất lạc giấy tờ trong quá trình thăm khám, người dân nên có một túi đựng hồ sơ để đựng các loại giấy tờ, biên nhận, hóa đơn… cần thiết và khi đi khám bệnh cần mang theo các giấy tờ sau: Sổ khám bệnh, CMND còn hạn sử dụng, CCCD, thẻ BHYT; Giấy chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới đối với người bệnh có BHYT; Giấy hẹn tái khám theo hẹn của bác sĩ và các giấy tờ liên quan đến thông tin khám bệnh từ các bệnh viện khác như: Các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, chỉ định điều trị, các toa thuốc đang sử dụng…