Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thủ tục khám, chữa bệnh BHYT
Sau một thời gian triển khai, tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã sử dụng những tiện ích đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực BHYT thông qua ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.
Việc triển khai ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động VssID số nhằm cung cấp cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHYT các thông tin, tiện ích, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, nhanh chóng nhất, từng bước thay thế thẻ BHYT giấy. Thông qua ứng dụng VssID, người dân được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng này khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Việc KCB thông qua hình thức sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cơ sở KCB, đặc biệt là giảm thời gian kê khai thông tin và đối chiếu dữ liệu khi KCB, hạn chế việc phải làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy, giúp người tham gia không lo mất, hỏng thẻ BHYT giấy như trước đây… Bên cạnh đó, nhằm đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi KCB, các cơ sở y tế đã triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, triển khai sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT.
Ngoài những tiện ích, các hình thức KCB BHYT trên vẫn còn hạn chế khiến cơ sở y tế khó khăn trong việc quản lý KCB BHYT, tạo khe hở cho người bệnh có thể trục lợi BHYT. Đó là hệ thống phần mềm quản lý chưa cảnh báo được người bệnh đồng thời đi KCB BHYT ở nhiều nơi. Bác sĩ Đào Kim Ánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cho biết, chỉ khi nào cơ sở y tế nhập lệnh kết thúc khám, điều trị thì Hệ thống thông tin giám định BHYT của cơ quan bảo hiểm xã hội mới tiếp nhận thông tin. Cùng ý kiến này, bác sĩ Bùi Trung Vang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà cho biết, hiện tại người dân có thể sử dụng nhiều hình thức để KCB BHYT như thẻ BHYT giấy, CCCD gắn chíp, các ứng dụng VNEID, VssID. Người dân có thể đồng thời sử dụng một hoặc nhiều hình thức để KCB BHYT ở các cơ sở y tế khác nhau mà không được hệ thống phần mềm cảnh báo, như vậy sẽ có cơ sở y tế không được thanh toán BHYT hoặc người bệnh trốn đóng viện phí. Vì vậy, trong một số trường hợp cơ sở y tế vẫn giữ CCCD đến khi kết thúc KCB. Bác sĩ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, trong trường hợp bệnh nhân chuyển tuyến buộc bệnh viện phải giữ CCCD của bệnh nhân để bệnh nhân sau khi điều trị tại tuyến trên quay lại thanh toán viện phí. Thực tế đã có bệnh nhân không quay lại thanh toán làm thất thoát viện phí của bệnh viện. Bác sĩ Bùi Trung Vang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà cho biết, có bệnh nhân đến khám rồi không quay lại thanh toán, không lấy lại CCCD và làm lại thẻ CCCD mới. Khi bệnh nhân này quay lại khám lần sau, nhân viên y tế phát hiện ra, đưa CCCD đề nghị thanh toán viện phí thì bệnh nhân lấy thẻ và bỏ đi. Một lý do nữa khiến bệnh viện giữ CCCD của người bệnh để rút ngắn thủ tục trong quy trình KCB, tiết kiệm thời gian cho người bệnh. Sau khi bệnh nhân được nhận diện, nhập dữ liệu, tiến trình KCB được thực hiện liên tục đến khi kết thúc người bệnh chỉ thanh toán 1 lần và nhận lại CCCD thay cho việc phải đi lại nộp tiền nhiều lần nếu thực hiện nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, nhiều chỉ định của bác sĩ.
Về thủ tục hành chính, bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên nêu bất cập, trong thủ tục để thanh toán BHYT thì buộc phải có bản in thẻ BHYT. Khi người bệnh sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại thì gây khó cho người bệnh. Nếu thuận tiện thì nhờ được nhân viên y tế in hộ, không thì bệnh nhân phải đi in bên ngoài bệnh viện.
Ngoài ra, hạ tầng, thiết bị để triển khai các ứng dụng trên ở một số cơ sở y tế chưa đồng bộ dẫn đến những trục trặc trong quá trình thao tác.
Để ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào phục vụ KCB BHYT hiệu quả, cần có sự đồng bộ về hạ tầng: thiết bị quét mã thẻ, hệ thống máy tính, mạng internet; người sử dụng phải được tập huấn thành thạo, có thể hỗ trợ bệnh nhân với bất kỳ hình thức KCB BHYT nào, đặc biệt quy trình quản lý phải thống nhất, phần mềm quản lý khắc phục được hạn chế để kiểm soát được người bệnh đồng thời KCB BHYT ở nhiều cơ sở y tế khác nhau.
Ngày 18/1/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 130/QĐ-BYT quyết định quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan. Trong đó quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi Bảng chỉ tiêu dữ liệu về trạng thái khám bệnh, chữa bệnh lên Cổng Tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội ngay sau khi có phát sinh chi phí khám bệnh, chữa bệnh đầu tiên của người bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm nâng cấp, chỉnh sửa Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT để đáp ứng thực hiện các quy định tại quyết định này.