• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HƯNG YÊN                      ĐƯỜNG DÂY NÓNG TƯ VẤN VỀ DỊCH BỆNH COVID-19 TỈNH HƯNG YÊN: 0389.988.266 HOẶC 0966.331.515
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy hại khi giới trẻ sử dụng rượu, bia

Uống rượu bia trước 15 tuổi có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn giao thông cao gấp hơn 6 lần. Ngoài ra, rượu bia còn gây nên gánh nặng bệnh tật.

Theo TS. Trần Quốc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế, tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành tại Việt Nam ở mức cao, đặc biệt ở nam giới. Theo kết quả điều tra yếu tố nguy cơ các bệnh không lây nhiễm của Bộ Y tế năm 2021, có tới hơn 64% nam giới và 10% nữ giới trưởng thành được hỏi cho biết có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng chú ý, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, đặc biệt là ở nam giới. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cho thấy, cứ 3 nam giới lại có 1 người uống ở mức nguy hại.

Hành vi uống rượu bia đang ngày càng phổ biến ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam và tuổi bắt đầu uống rượu bia đang ngày càng trẻ hóa. Việc sử dụng rượu bia đang gia tăng ở mức báo động-đặc biệt là ở giới trẻ. Điều này không chỉ tạo nên gánh nặng đối với y tế, gây tổn thất về kinh tế mà còn gia tăng các vấn đề xã hội.

Những bằng chứng về tỉ lệ người trẻ sử dụng rượu bia đã được ghi nhận trong thực tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian vừa qua. Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai đầu năm 2019 đã từng tiếp nhận và điều trị cho một nữ bệnh nhân 19 tuổi ở Sơn La bị hôn mê sau khi uống rượu.Theo đó, cô gái này đi chúc tết cùng bạn bè và về nhà 1 người bạn trong nhóm ăn cơm, uống rượu. Sau bữa ăn cô say và dần rơi vào hôn mê. Sau 9 giờ đồng hồ dù được truyền nước nhưng bệnh nhân vẫn không tỉnh nên được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Bệnh nhân này đã được bác sỹ đặt ống thở và điều trị tích cực. Sau gần 20 giờ điều trị, bệnh nhân đã tỉnh và có thể nói chuyện được, đã qua giai đoạn nguy hiểm. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân không có cồn công nghiệp methanol nhưng có thể rơi vào nguy kịch do uống nhiều rượu.

Cũng tại Trung tâm Chống độc thời gian này đang điều trị cho nữ bệnh nhân 23 tuổi mắc bệnh lý liên quan mạch máu hiếm gặp, qua trao đổi, gia đình cho hay, bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều và hút thuốc lá. Đáng lưu ý, nữ bệnh nhân này uống rượu nhiều, các loại khác nhau, với khoảng 500 – 700 ml rượu mỗi ngày. Các bác sĩ nhận định, lạm dụng rượu và sử dụng thuốc lá trong thời gian dài có thể là tác nhân quan trọng gây nên căn bệnh mạch máu mà cô mắc phải.

Theo Báo cáo thực trạng rượu bia toàn cầu của WHO cho thấy: Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương. Trong đó phải kể đến trong số đó là chứng rối loạn tâm thần, ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch, tác động đến bào thai, gây hành vi nguy cơ chấn thương… Thống kê của WHO cũng cho biết, mỗi năm có hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác; trong đó, ước tính có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu, chiếm tỷ lệ 7,5%.

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc-BV Bạch Mai chia sẻ, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.

TS. Trần Quốc Bảo cảnh báo: “Những nguy sức khỏe do rượu bia gây ra đối với thanh thiếu niên có thể kể đến như: ngộ độc, đột tử, tai nạn giao thông, hành vi bạo lực, phạm tội, tự tử, rối loạn tâm thần, quan hệ tình dục không an toàn, suy giảm miễn dịch, rối loạn dậy thì, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mắc bệnh mãn tính khi trưởng thành…”, TS-BS. Quốc Bảo nói.

Kết quả nghiên cứu của Cơ quan Quản lý dịch vụ sức khỏe tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện tại Mỹ, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống. Cụ thể, những người uống rượu bia sớm có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần, khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần, khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần, khả năng bị chấn thương do uống cao gấp gần 5 lần so với những người uống rượu bia khi trưởng thành hơn. Theo khuyến cáo của WHO, để giảm thiểu nguy cơ, người bình thường không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần”, TS. Trần Quốc Bảo nhấn mạnh.


Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn: CDC Hưng Yên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
LIÊN KẾT WEBSITE
THĂM DÒ Ý KIẾN
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ của chúng tôi thế nào?